Tỉ lệ ốc giống chết trên 50%
Đấy là nhận xét chung của đa số người dân nuôi ốc hương tại thôn Hải Bình. Sau lần thả thứ nhất khá thành công, người dân trong xã đã mua thêm ốc giống về thả đợt hai. Tuy nhiên, lần thả này thiệt hại nghiêm trọng. Ốc hương sau khi thả đã chết hàng loạt. Hộ nào chết ít nhất cũng 50% số lượng con giống thả xuống.
Hộ chị Nguyễn Thị Chót thả gần 3 vạn con giống nay chỉ còn lại chưa đến 3.000 con, chị cho biết: “Sau lần thả thứ nhất, hai vợ chồng dồn tiền vô Khánh Hoà mua tiếp ốc hương về thả đợt hai. Nhưng không hiểu sao lần này con giống lại chết quá nhiều. Nhìn ốc hương giống chết mà hai vợ chồng tui không cầm được nước mắt”. Rơi vào hoàn cảnh như gia đình chị Chót là gia đình anh Nguyễn Cư, sau khi thả 10 vạn con giống, cũng chỉ sống sót chưa đến 3 vạn. Bao nhiêu hy vọng giờ trôi theo những con ốc chết. “Tiền học của 4 đứa con, tiền mua sắm con giống cho vụ sau giờ đổ ra biển cả. Gia đình tui không biết làm gì để bù vô khoản thiệt hại này”.
Xã Lộc Bình bắt đầu nuôi thí điểm ốc hương vào năm 2002. Sau khi thấy được nguồn lợi từ việc nuôi ốc hương, xã đã nhân rộng mô hình cho bà con trong xã mà đặc biệt khu vực trọng điểm là thôn Hải Bình. Nuôi ốc hương đúng phương pháp sẽ mang lại nguồn lợi khá lớn vì ốc hương là sản phẩm có giá khá cao trên thị trường. Người dân trong xã chưa kịp vui mừng vì tìm được phương pháp chăn nuôi mới để cải thiện kinh tế thì đã phải đối diện với thiệt hại do ốc hương mang lại. Được biết, một vạn ốc hương giống có giá khoảng 3 triệu đồng, chưa kể chi phí đi lại, ăn ở.
Tái nghèo vì ốc
Ông Lê Tuý, chủ tịch UBND xã Lộc Bình cho biết: Sau khi kiểm tra nguồn nước, ốc giống, điều kiện chăn nuôi mọi người đi đến kết luận nguyên nhân do quá trình vận chuyển ốc giống quá xa, từ Khánh Hoà ra nên ốc yếu dẫn đến chết. Trước đây cũng có một vài hộ rơi vào tình trạng này. Ở Huế chưa có nơi cung cấp giống cho bà con nên người dân phải tự tìm nguồn cung cấp giống cho mình mà không biết ốc hương giống ấy có đủ tiêu chuẩn cho chăn nuôi hay không. Đa phần ốc giống được mua qua sự chỉ dẫn của người quen, không có sự hướng dẫn rõ ràng nên cuối cùng thiệt hại vẫn do người mua chịu trách nhiệm. Chị Nguyễn Thị Gái cho biết: “Chủ bán giống cho chúng tôi có nói là sẽ đền lại một ít với điều kiện chúng tôi phải gửi ốc chết vô. Ốc chết ai mà giữ lại làm gì nên thiệt hại vẫn là chúng tôi chịu”.
Chị Gái và chồng đang gấp rút hoàn thành thủ tục vay vốn ngân hàng để đầu tư tiếp nhưng sau lần này chị cũng đã thấy sợ vì nếu lỡ ốc chết nữa thì lấy đâu tiền mà trả cho ngân hàng, lấy tiền đâu mà lo cho 4 đứa con đang tuổi ăn tuổi học. Chị Chót cũng rơi vào hoàn cảnh khó khăn không kém khi mà số tiền 10 triệu vay của ngân hàng vẫn còn đó. Bao nhiêu hy vọng vào đợt ốc hương này đã tan biến. Đã có rất nhiều người dân nuôi ốc tính đến chuyện đi làm thuê để có thể đảm bảo sinh hoạt cho gia đình.
Xã Lộc Bình cũng có tổ chức tập huấn cho người dân phương pháp nuôi ốc hương nhưng về phương tiện hỗ trợ cho người dân thì lại thiếu thốn. Đa phần người nuôi phải tự mày mò nuôi ốc theo kinh nghiệm của nhau nên phương pháp chưa được hiệu quả.