Thùng Lùng- Sức thuyết phục từ mỗi đảng viên
Được đăng : 03/11/2016
Từ tỉnh lộ 433, con đường huyết mạch giao thông của các xã vùng cao Đà Bắc (Hòa Bình) vào bản Thùng Lùng, xã Tân Pheo phải đi qua 3 con suối trên chặng đường dài gần 5 km. Mùa mưa, đường trơn, lầy lội. Trên đường đi, chúng tôi nghĩ: một bản xa trung tâm xã, heo hút nơi rừng núi như thế này chắc Thùng Lùng nghèo, lạc hậu lắm. Nhưng khi vượt lên dốc cổng trời, trước mắt hiện lên một bức tranh quê sống động.
Những ngôi nhà sàn, nhà xây mái bằng, prô xi măng lấp loá dưới ánh nắng ban mai, nép mình vào vách núi. Cánh đồng lúa đang ngả màu vàng óng ả trải dài theo chân núi. Bao quanh bản là dãy núi Pu Canh cao ngất, xanh thẳm.
Ông Xa Văn Đắng, bí thư chi bộ bản mở rộng cửa đón khách. Bản mình hết đói rồi nhưng còn có 18 nhà nghèo. Chi bộ đang phấn đấu đến năm 2008 phải lãnh đạo nhân dân đuổi hết cái nghèo ra khỏi bản. Ông mở đầu câu chuyện với chúng tôi giọng vui vẻ: Chi bộ Đảng bản Thùng Lùng có 15 đảng viên. Đây là những hạt nhân gương mẫu trong phong trào phát triển kinh tế, xoá đói - giảm nghèo, xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư. Đảng viên phải nói được, làm được. Chỉ nói giỏi mà không làm giỏi thì dân không tin. Làm tốt mà không biết nói, tức là không biết hướng dẫn người khác cùng làm được như mình thì dân không nể phục. Nghị quyết của chi bộ thật ngắn gọn, cụ thể: muốn no phải bỏ giống lúa, ngô cũ, đưa giống mới năng suất cao vào gieo trồng. Muốn giàu phải chăn nuôi trâu bò, lợn, gà làm hàng hoá chứ không nuôi để làm thực phẩm gia đình. Để làm được cái mới phải đưa tiến bộ KH-KT vào sản xuất. Để nhân dân làm, gia đình đảng viên, anh em ruột thịt của đảng viên phải làm trước, phải giàu trước. Nghị quyết chi bộ nhanh chóng được các đảng viên biến thành hiện thực ngay tại gia đình mình.
Đến thăm gia đình đảng viên Xa Văn Phú, nhìn ngôi nhà gỗ thoáng mát, đẹp, rộng rãi, trong nhà gọn gàng ngăn nắp, sạch sẽ, chúng tôi hỏi chuyện chủ nhà. Ông Phú tâm sự: Năm 2000, gia đình tôi đưa giống lúa lai vào cấy. Lúc đầu ít người tin cây lúa lai trỗ bông, chắc hạt trên ruộng vùng cao. Tôi vận động vợ con cấy đúng thời vụ, bón nhiều phân chuồng, phun thuốc trừ sâu, ruộng luôn đủ nước nên lúa phát triển tốt. Khi gặt, thóc chất đầy bao tải, để đầy trong nhà, ngoài hiên. Vụ sau không phải vận động nhiều, các hộ đều bỏ giống lúa cũ để cấy giống mới. Cái thật bao giờ cũng có tính thuyết phục cao. Đủ gạo ăn, gia đình ông Phú đầu tư vốn mua trâu, bò. Hiện nay, gia đình ông Phú có 6 con bò, 6 con lợn thịt từ 30 - 50 kg. Mỗi năm xuất chuồng 1 lứa lợn, 1 con trâu, bò cũng có chục triệu đồng, tính ra giá trị bằng 3 - 4 tấn thóc.
Gia đình các đảng viên Nguyễn Xuân Minh, Lường Văn Xứng... cũng đi lên từ chăn nuôi, trồng trọt. Không chỉ làm giàu cho gia đình mình, các đảng viên ở bản Thùng Lùng còn giúp các gia đình khác con giống, giống lúa, ngô, hướng dẫn cách làm. Khi đã xác định rõ cơ cấu kinh tế, thông qua cán bộ khuyến nông viên của xã tổ chức mở lớp khuyến nông về chăn nuôi, trồng trọt cho nhân dân. Từ sản xuất quảng canh, nay nông dân đã làm chủ đồng ruông, biết tiêm phòng dịch bệnh cho gia súc. Người dân bản Thùng Lùng nói với nhau: Muốn hết đói, nghèo không phải đi học đâu xa mà học ngay ở các gia đình đảng viên trong bản mình.
Bằng lời nói và hành động cụ thể, đảng viên chi bộ bản Thùng Lùng đã đưa: Nghị quyết của chi bộ, nghị quyết của Đảng vào cuộc sống một cách sinh động, xây dựng niềm tin vững chắc giữa dân với Đảng.
Ông Xa Văn Đắng khẳng định, Nghị quyết của chi bộ phải đi đúng tâm tư, nguyện vọng, đúng với những vấn đề bức xúc của dân bản. Có như vậy, nghị quyết mới được dân đón nhận, biến thành hành động. Ông cho biết, một số nghị quyết của chi bộ như: nghiêm cấm khai thác, tàng trữ, vận chuyển lâm sản trái phép; cấm thả rông gia súc, gia cầm, thực hiện công tác phòng bệnh, làm 3 chuồng - 4 hố; toàn dân tham gia làm đường giao thông nông thôn; xóa đói, giảm nghèo, xoá nhà tạm... Nghị quyết ngắn gọn, cụ thể không cao xa với người dân và tính thuyết phục của Đảng phải bắt đầu từ mỗi đảng viên.
Thùng Lùng hôm nay đã khác xa những năm 90 của thế kỷ XX. Trong bản, mùa gặt cũng như tháng 3 - ngày tám không còn cảnh đứt bữa, không còn nhà tạm, không còn trẻ em thất học. Cái nhìn, việc làm của người dân đã vượt qua đỉnh núi Pu Canh. Cuộc sống vật chất, tinh thần được nâng lên, mức thu nhập bình quân đạt 3,2 triệu đồng/người/năm.