00:00 Số lượt truy cập: 2678624

Thượng Vực: Nâng cao hiệu quả thu nhập trên đơn vị diện tích canh tác 

Được đăng : 03/11/2016
Thượng Vực là một xã vùng ven Đáy của huyện Chương Mỹ (Hà Tây) với 1.281 hộ, 5.596 khẩu phân bố tại 5 thôn. Xã có nghề mây, tre, giang đan nhưng phát triển nhỏ lẻ, người dân chủ yếu vẫn dựa vào sản xuất nông nghiệp, đời sống khó khăn thu nhập bình quân đầu người mới đạt 3,4 triệu đồng/người/năm 2006.









Bình quân diện tích đất canh tác ít (gần 1,5 sào/người) nên đẩy mạnh thâm canh tăng vụ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm nâng cao giá trị thu nhập trên đơn vị canh tác, là hướng phát triển trước mắt ở Thượng Vực.


Thượng Vực có gần 300ha đất canh tác, trong đó 234ha cấy lúa và 66ha đất bãi phát triển cây màu. Nhờ đất đai màu mỡ, hệ thống kênh mương, thủy lợi nội đồng đảm bảo nên cây trồng phát triển tốt, năng suất lúa đạt trên 200 kg/sào. Diện tích lúa gieo trồng đạt năng suất thấp, bấp bênh, xã đã rà soát và xây dựng kế hoạch chuyển đổi sang phát triển mô hình trang trại, vườn trại. Sau 2 năm thực hiện, đến nay, toàn xã đã có 12 mô hình kết hợp lúa - cá - vịt và trồng cây ăn quả (bưởi Diễn, chuối...) với tổng diện tích hơn 12ha, cho thu nhập trung bình từ 70-80 triệu đồng/hộ/năm. Từ hiệu quả thực tế đó, trong năm nay, xã tiếp tục chuyển đổi thêm 10ha kết hợp chăn nuôi và trồng cây ăn quả, tạo vùng nông nghiệp hàng hóa.


Bên cạnh nhân rộng mô hình trang trại, năm 2006, xã Thượng Vực đã xây dựng thành công cánh đồng 50 triệu đồng/ha với công thức luân canh: Ngô xuân - đậu tương hè - lạc đông tại vùng đất bãi (diện tích 10ha). Diện tích này trước đây chỉ phát triển luân canh 3 vụ ngô trong năm. Bà con nông dân đã quen với nếp sản xuất, canh tác cũ nên khi xã có chủ trương chuyển sang luân canh theo công thức mới không ít người còn chần chừ, băn khoăn. Để tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân, lãnh đạo địa phương cùng với cán bộ HTX đã họp mặt 200 hộ tham gia mô hình chuyển đổi, phân tích về hiệu quả công thức trồng mới; đồng thời mời cán bộ kỹ thuật của Trạm Khuyến nông huyện tới tập huấn, trang bị kiến thức chăm sóc cây trồng cho bà con. 2 buổi tập huấn đã thu hút 100% các hộ tham gia. Các bệnh thường gặp ở đậu tương, ngô, sâu cuốn lá, bệnh héo vàng, đốm lá hại lạc được các hộ dân nhận biết phòng, trừ bệnh bảo vệ cây trồng. Có kỹ thuật, bà con nông dân trong xã đã mạnh dạn thử nghiệm trồng luân canh theo phương thức mới; khi giống cây được chuyển về, cán bộ HTX nông nghiệp Thượng Vực đã trực tiếp đưa giống, vật tư cho hộ dân tới tận đầu ruộng, đồng thời hướng dẫn mật độ gieo trồng phù hợp đối với từng loại cây để đạt năng suất cao. Trong quá trình cây sinh trưởng, phát triển, cán bộ HTX thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, huy động 3 máy dã chiến bơm nước tưới dưỡng cho cây, đồng thời đầu tư gần 6 triệu đồng mua thuốc trừ sâu, cử người tới phun kịp thời tại các mảnh ruộng bị sâu hại. Dưới bàn tay chăm sóc của bà con nông dân và đội ngũ kỹ thuật HTX xã Thượng Vực, ngô xuân đã cho thu 14 triệu đồng/ha. Cây đậu tương hè với 2 giống DT 96, DT 84 đạt năng suất cao từ 90-100 kg/sào, thu 28 triệu/ha. Cây lạc đông gồm 4 giống mới, đạt bình quân 100 kg/sào, cho thu 30,8 triệu/ha. Như vậy tổng thu trên 1 ha canh tác chuyển đổi theo công thức luân canh mới tại xã Thượng Vực đã cho giá trị xấp xỉ 73 triệu đồng/ha, so với công thức luân canh cũ chỉ đạt 45 triệu đồng/ha, tăng gần 28 triệu đồng/ha.


Xây dựng thành công cánh đồng diện tích 10ha cho giá trị 73 triệu đồng/ha từ chuyển đổi đa dạng luân canh cây trồng đã góp phần nâng cao đời sống bà con nông dân xã Thượng Vực và hình thành phương thức giao trồng mới khoa học, hiệu quả để để nhân rộng trong xã. Xã Thượng Vực đã trở thành cơ sở cung cấp giống cho huyện. Để đáp ứng nhu cầu giống và nhân rộng mô hình, tăng giá trị trên 1ha canh tác, trong năm 2007, xã tiếp tục duy trì 10ha cũ và phấn đấu nâng tổng diện tích lên 15ha hiệu quả kinh tế cao.