Chưa hết bàng hoàng vì những thiệt hại do mưa lũ gây ra, người nuôi cá Hà Nội lại đang phải đối mặt với nhiều khó khăn trên con đường khôi phục và tái sản suất. Nóng bỏng nhất vẫn là vấn đề con giống.
Đã gần một tháng trôi qua kể từ khi cơn mưa "thế kỷ" chấm dứt, tại nhiều địa phương có diện tích nuôi thủy sản lớn, không khí vẫn vắng vẻ, đìu hiu.
"Ngâm" ao chờ... vụ mới
Phương Tú được coi là một trong những vựa cá lớn của huyện Ứng Hoà. Theo thống kê của UBND xã Phương Tú, mùa vụ 2008, toàn xã có 442,3 mẫu ao nuôi cá của 241 hộ. Trong đó, riêng thôn Ngọc Động, diện tích ao nuôi là 212,7 mẫu, chiếm gần 50%. Khi chúng tôi về, các khu vực ao nuôi ở Ngọc Động hầu như đã rút hết nước. Người dân bắt đầu dọn vệ sinh ao và gia cố lại những đoạn bờ bị sạt lở. Ông Chu Ngọc Inh, cán bộ kế hoạch trạm giao thông thuỷ lợi xã Phương Tú cho biết, toàn bộ diện tích ao cá của Phương Tú đều bị ngập nước. Đáng lo ngại nhất là trong số diện tích ao cá bị ngập nước ở Phương Tú, một phần không nhỏ là những ao nuôi cá giống. Riêng thôn Dương Khê đã có hơn 20 hộ nuôi cá giống cung cấp cho các hộ trong xã và khu vực lân cận. "Nước rút đã được hơn chục ngày nay nhưng các hộ vẫn chưa thể thả vụ mới vì chưa có cá giống. Một số nơi có bán nhưng giá đôn lên cao quá nên không thể mua được. Hiện tại tất cả các ao nuôi ở Phương Tú đều vẫn đang giữ nguyên hiện trạng" - ông Inh nói. Cũng theo ông Inh, chủ trương của UBND xã Phương Tú là chỉ đạo bà con tập trung nạo vét, làm vệ sinh ao cá để chờ vụ sang năm (tháng giêng năm sau) mới thả vụ mới.
Tại vùng thuỷ sản Chuyên Mỹ (xã Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên), ông Dương Văn Lang, chủ nhiệm HTX thống kê: "Chúng tôi có tất cả 431 ha ao cá ở vùng nuôi thuỷ sản và 16 ha ao của các hộ trong làng. Tất cả đều bị tràn bờ. Các năm trước, trung bình mỗi năm vùng thuỷ sản Chuyên Mỹ cung cấp ra thị trường gần 400 tấn cá. Năm nay thì hơn 50 chủ trang trại phải "khóc ròng". Có người lỗ hàng tỉ đồng". Ông Lang cũng bỏ ngỏ khả năng tái thả cá mới sau lũ của vùng thuỷ sản Chuyên Mỹ: "Hiện tại vẫn chưa có hộ nào thả cá mới. Một phần do dân cụt vốn. Phần nữa cá giống đang khan hiếm và giá tăng cao nên bà con không đủ lực để đầu tư tiếp. Chúng tôi cũng khuyến cáo bà con không tiếp tục thả ngay vụ mới mà chờ đến đầu vụ sang năm. Từ giờ đến cuối năm, bà con nên tập trung vào công tác vệ sinh, gia cố bờ bao. Ai còn sót cá thì tiếp tục nuôi vỗ chờ bán vào dịp Tết".
Cá giống: đắt và khan hiếm
Đó là khẳng định của hầu hết những chủ nuôi cá giống ở Hà Nội. Ông Nguyễn Văn San, chủ một cơ sở sản xuất cá giống lớn ở Dương Khê, Phương Tú dự đoán rằng: "Phải một thời gian khá dài, các cơ sở nuôi cá giống mới lấy lại được năng lực sản xuất ban đầu". Riêng ở Phương Tú, đợt lụt vừa rồi toàn bộ các hộ nuôi cá giống đều trắng tay. Cơ sở cá giống của ông San được đánh giá vào loại nhất nhì huyện Ứng Hoà. Các quy trình đều được khép kín, từ khâu nuôi cá đẻ đến ươm cá bột và cá giống các loại. Mỗi năm ông San cung cấp 120 triệu cá giống ra thị trường. Ông là đầu mối cung ứng chính cho những hộ nuôi cá ở Ứng Hoà và các huyện lân cận, "Vụ lụt vừa rồi tôi mất 750 cặp cá bố mẹ (hơn 50%), ngoài ra hơn 20 vạn cá giống cũng đi mất. Tôi đang vỗ béo số cá bố mẹ còn lại để chuẩn bị cho đẻ vụ mới. Nhưng chắc chắn lượng cá giống năm nay sẽ khan hiếm" - ông San khẳng định. Ông Vũ Đình Chuyền, giám đốc công ty cổ phần chăn nuôi Tiên Phương (xã Tiên Phương - Ứng Hoà) cũng đang trong quá trình "gây" lại đàn cá giống, nhưng ông cũng đang gặp rất nhiều khó khăn. Ông Chuyền cho biết, ông có 3 ao nuôi cá giống với tổng diện tích 14.364 m2. Đợt lũ vừa rồi, ao cá giống nhà ông cũng chịu chung số phận với toàn vùng. Cá trong ao đi gần hết. Cách đây ít hôm, ông Chuyền đến Công ty thuỷ sản Thanh Thùy (Thanh Oai) để mua cá giống về ươm nhưng giá cả lên cao quá nên ông chỉ dám mua với số lượng ít: "Tôi thường hay mua cá bột ở đấy về ươm. Trước đây giá một kilôgam cá trôi là 25 ngàn. Nhưng hôm nọ tôi đến mua, giá đã lên đến 50 ngàn/kg. Vì thế tôi chỉ dám mua tạm hơn chục cân về nuôi. Giá cao thế, người nuôi cá chúng tôi làm sao kham được". Ông Chuyền thông tin thêm rằng, ông cũng đã gọi điện đến Bộ Thuỷ sản liên hệ mua giống nhưng cán bộ ở đấy nói rằng không có.
Cần gấp thuốc khử trùng
Hiện tại các hộ nuôi cá đều đang gấp rút làm vệ sinh ao nuôi để chuẩn bị cho vụ mới. Nhưng tình hình chung là lượng thuốc khử trùng vẫn còn quá ít. Ông Nguyễn Văn Ứng, chủ nhiệm HTX Dương Khê (Phương Tú) đề nghị rằng, cần cấp thêm vôi bột và thuốc khử trùng cho các hộ nuôi cá: "Chúng tôi vẫn chưa nhận được nguồn thuốc hỗ trợ ở trên. Người dân vẫn phải chủ động đi tìm mua nhưng giá cao mà khó kiếm. Thôn Dương Khê chúng tôi là thôn chuyên kinh doanh cá giống. Đối với các hộ nuôi cá giống thì việc vệ sinh ao là rất quan trọng. Vì cá giống vốn yếu, sức đề kháng kém nên dễ mắc bệnh". Ông San cũng bày tỏ nỗi lòng: "Đến bây giờ tôi vẫn đang "ngâm" ao, chưa dám có động tĩnh gì cho vụ cá đẻ mới vì chưa làm vệ sinh ao được. Chúng tôi đang rất cần thuốc khử trùng vệ sinh ao để chuẩn bị cho vụ mới. Nếu không kịp thời cho cá đẻ, e rằng sẽ không kịp có cá giống cho vụ mới. Chỉ hơn 2 tháng nữa thôi là vụ nuôi cá mới đã bắt đầu rồi".