00:00 Số lượt truy cập: 2675964

Tiềm năng xuất khẩu trái thanh long Bình Thuận 

Được đăng : 03/11/2016

Thanh long hiện nay là một loại quả đặc sản, một sản phẩm lợi thế của Bình Thuận được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng. Thanh long có giá trị xuất khẩu cao nhờ sự hấp dẫn về hình dáng, màu sắc, dinh dưỡng và hương vị.


Đặc biệt, trái thanh long Bình Thuận có đặc thù chất lượng: vỏ quả dày, khi chín màu đỏ tươi, có độ bóng cao, tai quả dày, cứng, chân tai rộng, thịt quả chắc, giòn, có vị ngọt, mùi thơm đặc trưng với hàm lượng chất dinh dưỡng cao. Trong 100 g thịt quả có chứa: Protein 0,89 g; Sắt 3,07 mg, Ma-nhê 31,61 mg; Canxi 17, 42 mg; Vitamin C 0,34 mg và Vitamin B3 là 0,95 mg.

Trái thanh long Bình Thuận được đăng bạ tên gọi xuất xứ hàng hoá tại Việt Nam và là sản phẩm thứ 4 của cả nước được trao quyết định đăng bạ xuất xứ hàng hoá, sau sản phẩm cà phê Đăklăk, bưởi Phúc Trạch và nước mắm Phú Quốc.

Vụ chính của trái thanh long từ tháng 3 đến tháng 8, nhưng hiện nay với kỹ thuật kích thích cho thanh long ra hoa trái vụ thì cây thanh long cho trái quanh năm. Sản phẩm thanh long tiêu thụ trong nước và xuất khẩu hiện nay chỉ ở dạng tươi. Hình thức bảo quản chủ yếu hiện nay là sử dụng nước Ozon để rửa trái hoặc tẩm sáp giữ tươi hoa quả, sau đó bảo quản bằng kho lạnh. Với điều kiện bảo quản tốt ở nhiệt độ 5 độ C, độ ẩm 90% kết hợp với kỹ thuật bao gói, trái thanh long có thể bảo quản tươi 40-50 ngày.

Diện tích và sản lượng thanh long tại Bình Thuận tăng đều trong những năm gần đây. Đến cuối năm 2006, diện tích trồng thanh long của tỉnh là 6.800 ha, với sản lượng 120.000 tấn, trong đó chủ yếu tập trung ở 2 huyện Hàm Thuận Bắc và Hàm Thuận Nam. Xuất khẩu trực tiếp của các doanh nghiệp trong tỉnh năm 2006 đạt 22.248 tấn, đạt trị giá 13,5 triệu USD.

Thị trường xuất khẩu chính của thanh long chủ yếu là các nước Châu Á, trong đó nhiều nhất là Đài Loan, Hồng Kông chiếm khoảng 60%, còn lại là Singapore, Malaysia, Trung Quốc. Tuy nhiên, qua các chương trình khảo sát, thị trường Trung Quốc tiêu thụ rất lớn sản lượng thanh long xuất khẩu của Bình Thuận nhưng chủ yếu là bán tại các tỉnh biên giới của Việt Nam và xuất sang Trung Quốc qua đường xuất khẩu tiểu ngạch.

Đối với thị trường Nhật Bản, thanh long Bình Thuận hiện nay chưa đăng ký tiêu chuẩn theo quy định của Nhật Bản nên chưa tiếp cận được thị trường này.

Trong khi đó, thị trường Châu Âu ngày càng được mở rộng, nhất là thị trường Đức, Hà Lan. Tại Bình Thuận, Hợp tác xã Thanh Long Hàm Minh đã được cấp chứng chỉ sản xuất thanh long sạch theo tiêu chuẩn Eurepgap. Nếu mô hình này được nhân rộng, thị trường xuất khẩu của trái thanh long Bình Thuận sẽ phát triển đáng kể, đặc biệt là tới các thị trường khó tính như Châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản...

Kim ngạch xuất khẩu thanh long của Bình Thuận (2004-2006)

Đvt: USD

TT

Thị trường

Năm 2004

Năm 2005

Năm 2006

Tổng số

6.569.600

10.435.600

13.587.030

1

Hồng Kông

2.473.100

3.238.500

4.247.280

2

Đài Loan

2.211.000

3.777.500

3.947.340

3

Malaysia

951.100

1.071.600

563.100

4

Singapore

636.900

1.110.400

1.780.030

5

Trung Quốc

159.500

126.600

337.330

6

Indonesia

-

-

54.160

7

Thái Lan

84.600

1.001.100

1.699.410

8

Các tiểu vương quốc Ảrập (UAE)

-

200

9.030

9

Đức

31.600

62.500

-

10

Hà Lan

21.800

47.200

892.960

11

Canada

-

-

54.980

12

Pháp

-

-

14.400

Dự báo đến năm 2010, xuất khẩu thanh long của Bình Thuận đạt 110.000 tấn, với kim ngạch bình quân hàng năm đạt từ 50-60 triệu USD. (Theo nguồn tin: Thông tin thương mại Việt Nam).