00:00 Số lượt truy cập: 2692109

Tiền Giang: Làm giàu bền vững nhờ phát huy hiệu quả dự án ngọt hóa Gò Công 

Được đăng : 03/11/2016
Huyện Gò Công Đông nằm tuyến ven biển tỉnh Tiền Giang. Trước đây việc sản xuất trong huyện hết sức khó khăn, thường xuyên chịu cảnh thất bát mùa màng do nhiễm mặn, nhiễm phèn, thiếu nước bơm tát và hạn hán vào mùa khô. Tình trạng đó đã được cải thiện nhờ dự án thủy lợi ngọt hóa Gò Công đưa nguồn nước ngọt tưới mát ruộng đồng, mở ra triển vọng thâm canh, tăng vụ, tăng năng suất cây trồng.





Đáng chú ý khi dự án thủy lợi trên đi vào sử dụng góp phần tạo niềm phấn khích làm giàu bền vững trong nông dân. Bằng những cách làm sáng tạo trên cơ sở phát huy tốt tiềm lực lao động, đất đai sẵn có bà con xây dựng nhiều mô hình canh tác mới cho ra nông sản hàng hóa chất lượng cao đáp ứng nhu cầu thị trường.

Đơn cử như trường hợp anh Bành Văn Hồng cư ngụ tại ấp Xóm Dinh, xã Tân Đông (Gò Công Đông). Gia đình anh có 6 nhân khẩu canh tác 6.500 m2 lúa. Vài năm gần đây, nhận thấy độc canh cây lúa khó làm giàu, anh tận dụng nguồn nước ngọt từ các kênh mương thủy lợi đưa về mở mang thêm trồng rau màu, nuôi cá kết hợp chăn nuôi gà thả vườn và trồng lúa chất lượng cao để xuất khẩu. Anh đã đầu tư đào 400 m2 ao thả nuôi các loại thủy sản có giá trị kinh tế cao như: cá tai tượng, rô phi dòng gifl, cá điêu hồng.... Bên cạnh đó anh lên líp lập vườn trồng xơri trên diện tích 1.500 m2, phần còn lại luân canh màu – lúa theo cơ cấu mùa vụ thích hợp. Dưới tán vườn cây anh thả thêm 500 con gà tàu, gà nòi thả vườn. Nếu trước đây quanh năm suốt tháng chỉ chăm chắm vào hạt lúa hết sức bấp bênh thì hiện nay các nguồn lợi: lúa, màu, gà thịt, xơ ri, thủy sản... đã cho thu nhập ổn định ở mức từ 50 đến 60 triệu đồng/mỗi năm.

Nhạy cảm chuyển đổi sản xuất còn có các anh Đinh Văn Quang cư ngụ tại ấp Kênh Trên, xã Bình Ân, huyện Gò Công Đông. Có khác ở chỗ anh chọn trồng lúa kết hợp với lập vườn xơ ri, nuôi gà thà vườn và bò lai sind theo hướng trang trại đa canh. Gần đây, anh còn nuôi thêm cừu thịt cũng mang lại nguồn thu nhập khá. Anh Quang cho biết: ban đầu khởi nghiệp, anh chỉ có 2.400 m2 đất canh tác. Có nguồn nước ngọt từ dự án ngọt hóa Gò Công anh đã nhanh chóng chuyển từ làm lúa 1 vụ bấp bênh sang sản xuất mỗi năm 2 vụ lúa chất lượng cao, dành đất đào ao thả cá, nuôi thêm gia cầm cải thiện. Hàng năm có tích lũy từ thu nhập ban đầu anh tậu thêm đất đai lập vườn trồng cây ăn quả mở rộng sản xuất, khuếch trương chăn nuôi theo qui mô trang trại đa canh, đa con. Đến nay, anh đã sở hữu trong tay 2,24 ha đất canh tác trong đó có 1 ha đất ruộng còn lại là vườn trồng xơ ri và vài trăm con gà nòi thả vườn, hàng chục con bò lai sind, 14 con cừu (cả thịt và giống) trong chuồng. Anh Quang cũng là một trong những người đầu tiên trên vùng đất nhiễm mặn khi xưa nuôi bò lai sind và cừu qui mô lớn rất thành công. Trung bình mỗi năm nguồn lợi từ chăn nuôi và kinh tế vườn anh thu nhập 70 triệu đồng.

Cũng tại xã Bình Ân (Gò Công Đông) còn có ông Huỳnh Văn Na đi theo mô hình VAC mà trở nên khấm khá. Trước đây, ông có 1 ha đất trồng lúa nhưng gia đình rất khó khăn. Hưởng ứng chủ trương chuyển dịch cơ cấu cây trồng trong vùng ngọt hóa Gò Công, ông dành gần nửa số diện tích (4.200 m2) chuyển sang lập vườn trồng xơ ri, nuôi cá nước ngọt và làm chuồng nuôi dê. Phần còn lại ông chuyên sâu vào trồng các loại lúa đặc sản phục vụ xuất khẩu. Ông ước tính chỉ riêng 4.200 m2 chuyển đổi sản xuất kể trên mỗi năm cho thu nhập 50 triệu đồng tiền bán cá, xơ ri và dê thịt, dê giống.

Theo đánh giá của ngành nông nghiệp địa phương, nếu trước kia người dân miền đất mặn ven biển Gò Công quanh năm chăm chắm vào cây lúa, làm lụng vất vả vẫn không đủ ăn thì ngày nay, khi dự án ngọt hóa Gò Công phát huy hiệu quả đã thiết thực tạo nền tảng thúc đẩy chuyển đổi sang một nền nông nghiệp đa canh, đa con, chất lượng cao. Điển hình như những nông dân đi theo mô hình VAC bền vững đã kể ở trên. Không chỉ làm giàu cho bản thân mà bà con còn góp phần tạo thêm những nguồn hàng hóa mới phục vụ chế biến xuất khẩu như: gạo chất lượng cao, xơ ri, thủy sản hoặc đáp ứng thị trường trong nước như: thịt dê, thịt gia cầm, thịt cừu, thịt bò. Rõ ràng đây là một hướng đi mới đáng được khuyến khích trong sản xuất hàng hóa tại vùng ngọt hóa Gò Công hiện nay./.