00:00 Số lượt truy cập: 3227665

Tiền Giang: Phát triển cây đậu tương trên đất lúa tại Cái Bè 

Được đăng : 03/11/2016
Thực hiện chủ trương chuyễn đổi cơ cấu cây trồng những năm gần đây nông dân huyện Cái Bè tỉnh Tiền Giang rất chú trọng trồng hoa màu dưới chân ruộng cho hiệu quả kinh tế cao. Trong đó trồng đậu nành (hay còn gọi là đậu tương) luân canh trên nền đất lúa là một mô hình rất triển vọng vừa giúp cho nông dân tăng thu nhập vừa cải tạo đất làm tiền đề cho vụ lúa đạt năng suất cao.


Hằng năm nông dân huyện Cái Bè tỉnh Tiền Giang chọn vụ Xuân hè làm vụ chính cho việc sản xuất cây đậu nành. Bởi vào vụ này thời tiết khô hanh không thích hợp với cây lúa nhưng đối với đậu nành thì phát triển tốt.Tính trong năm 2006 vừa qua toàn huyện Cái Bè đã xuống giống gieo sạ hơn 500ha đậu nành, tập trung nhiều ở các xã Tân Hưng, An Thaí Trung, Đông Hòa Hiệp... Tuy chưa phải là mô hình phổ biến rộng rãi nhưng cây đậu nành đã cho những tín hiệu vui có khả năng nhân rộng theo phương thức hai vụ lúa một vụ màu.

Xã Tân Hưng là địa phương có số diện tích trồng cây đậu nành vụ Xuân hè cao nhất của huyện Cái Bè. Toàn xã có 600 ha đất lúa thì có hơn 500 ha đất trồng luân canh lúa với đậu nành. Qua tìm hiểu nông dân Tân Hưng cho biết trồng đậu nành thật ra "dễ ăn" hơn trồng lúa. Vì cây đậu nành không đòi hỏi kỷ thuật cao, rất ít sâu bệnh, phân bón, thuốc và thời gian thu hoạch ngắn .Tính từ khi gieo sạ đến khi thu hoạch khoảng 2,5 tháng. Vả lại các loại cây họ đậu như đậu nành có vai trò cải tạo, làm tăng độ phì nhiêu cho đất rất cao. Số diện tích sau khi trồng đậu nành chuyển qua trồng lúa rất đạt năng suất. Chính vì nhưng ưu điểm này nên diện tích đất lúa luân canh với cây đậu nành ngày càng nhân rộng ở huyện Cái Bè. Ông Nguyễn văn Hai bí thư Đảng uỷ xã Tân Hưng cho biết: "thời gian gần đây mô hình lúa và cây đậu nành luân canh đã trở thành đặc trưng riêng của vùng đất Tân Hưng. Bởi hai loại cây này phương thức sản xuất tương tự nhau chỉ khác nhau ở điểm: cây lúa thì ưa nước còn cây đậu nành thì "sợ" nước do đó vụ Xuân hè trồng đậu nành rất hợp".

Được biết năng suất đậu nành ở Cái Bè nhưng năm qua luôn đạt ở mức từ 90-100 giạ hạt/ha và giá bán ra từ 4.000đ-8.000 đ/kg, có thời điểm hút hàng giá tăng hơn 1000đ/kg. Anh Phạm văn Lành một nông dân nhiều năm gắn bó với cây đậu nành ở ấp 1 xã Tân Hưng thổ lộ: "trồng đậu nành rất dễ ăn, trước đây gia đình tôi trồng chỉ một vụ Xuân hè hiện nay thì trồng luôn cả vụ Đông Xuân để bán giống với giá cao gấp 2 lần. Ở thời điểm này giống bán được hơn 10.0000 đ/kg. Nếu tính một ha đất ruộng trồng đậu nành sau gần 3 tháng thì có nguồn lãi hơn 10 triệu đồng. Hơn nữa đất trồng đậu nành rồi trồng lúa hè thu rất tốt. Cây lúa có khả năng thoát khỏi các loại bệnh thường gặp do ngộ đậu hữu cơ hay thiếu độ màu mỡ".

Ở vụ Đông Xuân này Tân Hưng cũng là xã duy nhất của huyện Cái Bè duy trì được diện tích khoảng 4 ha đậu nành. Đây cũng là năm đầu tiên mà một số nông dân vùng này chuyển vụ lúa chính sang trồng đậu nành. Anh Lê Văn Cẩn ấp 4 xã Tân Hưng bày tỏ: "sợ lúa bệnh vàng lùn , lùn xoắn lá chuyễn qua trồng đậu nành thử nghiệm nhưng cũng thấy khả quan quá. Ở vụ Đông Xuân này cây đậu nành phát triển tốt và giá rất cao, thậm chí không đủ hạt để bán do nhu cầu giống cho vụ đậu nành Xuân hè sắp tới".

Cái ưu điểm của cây đậu nành còn là việc bảo quản sau thu hoạch rất dễ dàng. Hạt đậu nành nông dân có thể "dựa lại" như lúa trong nhiều tháng để chờ giá cao.Sau khi thu hoạch cây đậu nành còn có thể làm thức ăn cho gia súc hay làm chất đốt rất tiện ích. Theo ông Cao Văn Sáu trưởng phòng nông nghiệp huyện Cái Bè thì chủ trương của huyện là sẽ nhân rộng mô hình trồng hai vụ lúa một vụ đậu nành. Đặc biệt vụ Xuân hè năm 2007 này đậu nành sẽ tiếp tục nhân rộng ra vaì trăm ha ở các xã khác như: An Thái Trung, Mỹ Đức Tây, Đông Hòa Hiệp. Về đầu ra của cây này cũng không sợ vì Công Ty chăn nuôi tỉnh Tiền Giang cũng có nhu cầu rất lớn để mua đậu nành chế biến thức ăn cho gia súc…"

Một cái khó khăn mà nông dân Cái Bè thường gặp phải khi bắt tay vào vụ trồng đậu nành là giá hạt giống rất khan hiếm. Từ trước giờ tới vụ là nông dân phải qua tỉnh Vĩnh Long hay Đồng Tháp để mua giống với giá rất cao. Vì địa phương chưa chủ động được nguồn giống nên chất lượng giống đậu nành ra sao cũng chưa biết được. Tại địa phương đến thời điểm này vẫn chưa có đại lý chính thức nào thu mua sản phẩm này mà nông dân phải bán cho thương lái các nơi luôn bị tình trạng ép giá. Những tồn tại này nếu được khắc phục, giải quyết thì cây đậu nành ở Tỉnh Tiền Giang ngày càng được nông dân tin cậy và nhân rộng trên nền đất lúa.