00:00 Số lượt truy cập: 2668117

Tiền Giang: Phát triển mạnh kinh tế trang trại 

Được đăng : 03/11/2016

Mấy năm gần đây, trong lĩnh vực nông nghiệp, do điều kiện dịch bệnh trên cây trồng vật nuôi có nhiều diễn biến phức tạp, để duy trì hoạt động sản xuất, nông dân tỉnh Tiền Giang đã nhanh chóng tìm ra những hướng sản xuất mới phù hợp với đặc điểm thổ nhưỡng, tập quán canh tác ở từng vùng, địa phương trong đó có phát triển mạnh kinh tế trang trại.


Toàn tỉnh Tiền Giang hiện có trên 2.200 trang trại, tăng 983% so với năm 2001, trong đó, số trang trại trồng cây lâu năm chiếm đa số với trên 41%, tiếp đó là trang trại nuôi trồng thủy sản chiếm trên 28%, còn lại là trang trại trồng cây hàng năm và chăn nuôi. Số trang trại trồng trọt tập trung ở các huyện phía Tây; trang trại thủy sản ở các huyện phía Đông và Thành phố Mỹ Tho; riêng trang trại chăn nuôi chủ yếu ở huyện Chợ Gạo. Các huyện có số trang trại nhiều như: Cai Lậy, Cái Bè và Gò Công Đông (chiếm trên 73% tổng số trang trại trong toàn tỉnh) với các hoạt động sản xuất chính như: trồng cây ăn quả, trồng lúa, rau màu, nuôi tôm, nghêu. Các huyện còn lại chiếm tỉ trọng từ 1,5% đến 8%. Riêng Thị xã Gò Công, do trong quá trình đô thị hóa và điều kiện sản xuất nông lâm thủy sản có phần hạn chế, nên không thể phát triển trang trại như các địa phương khác.

Hiện nay, đa số các trang trại trong tỉnh Tiền Giang đều hoạt động trong lĩnh vực nông ngư nghiệp dựa trên nền tảng kinh tế hộ là chính, do đó, về vốn cũng như lao động chỉ ở mức thấp, chủ yếu là của hộ chủ trang trại. Giá trị sản phẩm và dịch vụ nông lâm thủy sản bán ra bình quân/ trang trại là trên 236 triệu đồng, thu nhập trước thuế bình quân/trang trại là trên 70 triệu đồng. Về đất đai, ngoài các trang trại thủy sản và một số trang trại cây hàng năm đạt tiêu chí về qui mô diện tích, các trang trại khác, diện tích không lớn, mà chủ yếu do đạt tiêu chí giá trị sản lượng hàng hóa - dịch vụ.

Tuy nhiên, qua thực tế cho thấy, nếu xét về qui mô vốn đầu tư bình quân cho 1 trang trại ở Tiền Giang vẫn có sự chênh lệch. Trong đó, loại hình trang trại trồng cây hàng năm có số vốn đầu tư ít nhất, chỉ bằng trên 55% vốn đầu tư bình quân chung toàn tỉnh, nhưng hiệu quả đạt được tính trên 1 đồng vốn lại rất cao 0,44 lần; kế đến là cây lâu năm 69,6% với mức lãi 0,34 lần; ngược lại, trang trại chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản, tuy vốn đầu tư cao, nhưng hiệu quả thì thấp hơn (tương ứng 146,26% và 0,28 lần; 100,67% và 0,23 lần)./.