00:00 Số lượt truy cập: 2661704

Tiền Giang: Rệp sáp gây hiện tượng héo đầu lá cây dứa 

Được đăng : 03/11/2016

Tiến sĩ Nguyễn Văn Hoà, Trưởng Phòng Bảo vệ Thực vật thuộc Viện Nghiên cứu Cây ăn quả (NCCAQ) miền Nam (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho biết, qua khảo sát tại huyện Tân Phước, thuộc vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh cho thấy, trong số gần 11.000 ha dứa toàn huyện hiện có khoảng 8% diện tích bị rệp sáp tấn công, gây bệnh héo đầu lá cây dứa với các mức độ khác nhau. 


Theo Tiến sĩ Hoà, rệp sáp gắn liền với hiện tượng héo đầu lá mà Viện NCCAQ miền Nam gọi là "hội chứng héo đầu lá và rệp sáp", có thể nhận biết được: Lá từ màu vàng chuyển sang màu hồng hoặc nâu đỏ, dễ nhầm với triệu chứng dứa thiếu phân lân. Sau thời gian bệnh phát triển, vòng lá thứ 4 và thứ 5 bị mất sức trương nước và cong xuống, cây dứa chết. Qua giám định thực tế của Viện, rệp sáp có 3 loại (rệp sáp hồng, màu nâu đỏ và có đuôi dài) và tất cả loại này đều truyền bệnh cho cây dứa ở huyện Tân Phước. Vòng đời của rệp sáp từ 1,5 đến 2 tháng, khi chúng đẻ từ 20 đến 50 con rệp sáp con, vì vậy rệp sáp nhân mật số nhanh.

Cũng theo kết quả nghiên cứu cùng tài liệu tham khảo nước ngoài, rệp sáp tấn công dứa thì thiệt hại nhẹ, nhưng nếu kết hợp cả virút với rệp sáp tấn công, mức thiệt hại sẽ nặng. Chẳng hạn, một số nông dân thấy hiện tượng rệp sáp gây hại bèn nhổ bỏ cây dứa xuống mương liếp, một thời gian sau mang cây đã nhổ bỏ trồng lại; cây dứa phát triển tương đối tốt, vì loại trừ rệp sáp. Ngoài ra, nông dân không thấy rệp sáp di chuyển, nhưng sau lại truyền bệnh do kiến đen và kiến lửa "cõng" rệp sáp từ cây này sang cây khác. Hoặc mùa mưa, nước đọng lại ở phiến lá, khiến rệp sáp không phát triển; kiến sẽ cõng rệp sáp sang phiến lá gần cuống quả để gây hại.

Theo Tiến sĩ Hoà, để phòng trừ rệp sáp có hiệu quả, nông dân phải giải quyết rệp sáp và kiến. Đối với bệnh do virút gây hại, không thể loại trừ mầm bệnh, nhưng nông dân nên trồng mới và xử lý đất bằng một trong những loại thuốc trừ rệp sáp và kiến; đồng thời, xử lý giống bằng cách sử dụng thuốc pha dung dịch để nhúng hom dứa. Viện NCCAQ miền Nam khuyến cáo bà con nông dân nên trồng dứa giống sạch bệnh là an toàn.