00:00 Số lượt truy cập: 3229320

Tiền Giang đẩy mạnh xuất khẩu nông sản hàng hóa có giá trị cao 

Được đăng : 03/11/2016

Là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có tiềm năng và thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, Tiền Giang đã có nhiều nỗ lực khai thác tốt tiềm năng đất đai, lao động, vươn lên trở thành một trong những địa phương xuất khẩu nhiều nông sản hàng hóa, thu hút ngoại tệ để xây dựng quê hương giàu mạnh và hội nhập.


Trái cây đặc sản, lương thực thực phẩm, thủy hải sản chế biến là những mặt hàng xuất khẩu quan trọng của Tiền Giang, hàng năm đóng góp tỉ lệ lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh. Trung bình mỗi năm, địa phương xuất khẩu được trên 214.000 tấn gạo, trên 5.300 tấn rau quả các loại, trên 138.000 tấn thủy sản chế biến thu về gần 300 triệu USD.

Ông Trần Quốc Bình, Phó Giám đốc Sở Công Thương Tiền Giang cho biết, từ đầu năm đến nay, tỉnh đã xuất khẩu trên 64.000 tấn thủy sản chế biến, trị giá 141,5 triệu USD, tăng 10,9% về lượng và 11,4% về trị giá so với cùng kỳ năm trước; xuất trên 111.000 tấn gạo, trị giá 51,4 triệu USD, trên 3.000 tấn trái cây các loại, thu về trên 3,7 triệu USD...

Lợi thế của tỉnh Tiền Giang là có vùng trồng cây ăn quả lớn nhất cả nước với gần 69.000 ha, sản lượng mỗi năm trên 1,2 triệu tấn, trên 70.000 ha đất trồng lúa mỗi năm 3 vụ cho sản lượng khoảng 1,3 triệu tấn/năm, vùng nuôi trồng thủy sản rộng trên 15.000 ha cho sản lượng nuôi trồng mỗi năm 136.600 tấn với các đối tượng nuôi chủ lực là cá tra, cá điêu hồng, tôm sú, tôm thẻ, nghêu... Để có nhiều nông sản hàng hóa chất lượng cao tham gia vào thị trường xuất khẩu, Tiền Giang chủ trương quy hoạch vùng sản xuất nguyên liệu tập trung gắn với chuyển giao khoa học kỹ thuật nông nghiệp, từng bước xác lập nền nông nghiệp hàm lượng công nghệ cao, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc...

Trên cơ sở đó, tỉnh khuyếch trương thế mạnh các loại trái cây đặc sản như: xoài cát Hòa Lộc, vú sữa lò rèn Vĩnh Kim, sầu riêng Ngũ Hiệp, sơ ri Gò Công, dứa Tân Lập, thanh long Chợ Gạo và bưởi lông Cổ Cò. Các chủng loại trái cây đặc sản kể trên đều đã được cấp nhãn hiệu hàng hóa tập thể. Đáng chú ý, Tiền Giang đã hình thành được vùng chuyên canh cây dứa với 14.500 ha, vùng vú sữa lò rèn 4.000 ha, sầu riêng 7.380 ha, thanh long 3.100 ha cung ứng nguồn nguyên liệu quan trọng phục vụ công nghiệp chế biến xuất khẩu tại địa phương.

Thực hiện các chính sách về hỗ trợ áp dụng Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản trên địa bàn nhằm tạo hành lang pháp lý thông thoáng để tổ chức thực hiện sản xuất theo hướng GAP, tỉnh đã triển khai gần 300 ha cây ăn trái sản xuất an toàn, chiếm 0,42% tổng diện tích cây ăn trái trong toàn tỉnh, trong đó đã được cấp chứng nhận trên diện tích 195 ha. Nhìn chung, trong thời gian qua, nhờ những nỗ lực cải thiện chất lượng cây giống, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong quá trình thâm canh, cải thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật cho vùng chuyên canh... đã giúp nông dân nâng cao được hiệu quả thâm canh, tăng năng suất và sản lượng, chất lượng cây ăn quả đặc sản. Thu nhập từ vườn quả đặc sản do vậy đạt rất cao, nhiều nhà vườn giỏi thâm canh đã đạt thu nhập từ 300 triệu đồng đến 400 triệu đồng/ha trở lên nhờ trúng mùa, trúng giá.

Đối với cây lúa, tỉnh có chủ trương triển khai thực hiện mô hình “Cánh đồng mẫu lớn” với vai trò cầu nối của ngành trong việc phát huy vai trò kết nối giữa sản xuất và tiêu thụ lúa gạo hàng hóa. Trong ba năm gần đây đã có gần 6.000 ha lúa được các doanh nghiệp đầu tư và bao tiêu sản phẩm, tạo tiền đề thuận lợi để tiếp tục nhân rộng mô hình liên kết 4 nhà một cách bền vững.

Thủy sản cũng là thế mạnh và nguồn hàng xuất khẩu quan trọng của tỉnh trong sản xuất nông nghiệp. Tiền Giang có lợi thế bờ biển dài trên 20 km, mạng lưới sông ngòi, kênh rạch chằng chịt thuận lợi phát triển nuôi thủy sản ở cả ba khu vực: mặn, lợ, ngọt với nhiều giống loài thủy đặc sản: tôm sú, tôm thẻ, nghêu, cua biển... Hiện mỗi năm tỉnh sản xuất 40.000 tấn cá da trơn, 17.000 tấn cá điêu hồng lồng bè, 16.000 tấn tôm sú và tôm thẻ, 22.000 tấn nghêu.

Theo ông Cao Văn Hóa, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, từ tiềm năng và lợi thế về nông nghiệp hướng đến xuất khẩu như trên, địa phương tập trung khắc phục các hạn chế, khiếm khuyết của phương thức sản xuất, làm ăn nhỏ lẻ, tích cực xây dựng vùng nguyên liệu xuất khẩu gắn với hình thành chuỗi sản xuất - chế biến - thương mại trong đó các doanh nghiệp giữ vai trò trung tâm trong mối liên kết 4 nhà chặt chẽ và hiệu quả.

Ông Cao Văn Hóa cũng cho biết, tỉnh triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ nông dân, hỗ trợ doanh nghiệp, phát huy kinh tế hợp tác trong sản xuất nông nghiệp đồng thời với kiện toàn cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất - tiêu thụ sản phẩm thuận lợi, dễ dàng... Trong đó, tỉnh ưu tiên việc quy hoạch ngành và sản phẩm ngành, tiếp tục đầu tư hạ tầng và hạ tầng kỹ thuật, hình thành chuỗi giá trị trong sản xuất và tiêu thụ, tiếp tục đưa công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật thâm canh vào chiều sâu. Tương lai tỉnh tập trung xây dựng và nhân rộng những mô hình sản xuất theo hướng GAP gắn với tăng cường xúc tiến thương mại cho các nông hải sản chủ lực....Tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2020, có 30% diện tích sản xuất theo hướng GAP.

Đây là con đường tất yếu nhằm nâng khả năng cạnh tranh nông sản Tiền Giang trên thị trường xuất khẩu, khẳng định các thương hiệu đặc sản của địa phương từ lúa gạo, trái cây cho đến thủy hải sản vốn nổi tiếng từ lâu và thiết thực. Theo ông Trần Quốc Bình, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang, trước mắt, trong năm 2014, địa phương phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu 1,17 tỷ USD trong đó riêng thủy hải sản chế biến nâng lên 142.000 tấn, kim ngạch 300 triệu USD; gạo 230.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu 110 triệu USD; 6.500 tấn rau quả chế biến các loại, kim ngạch 9 triệu USD./.