Tiền Giang: trồng màu - mô hình sản xuất hiệu quả trong thời điểm dịch rầy nâu
Được đăng : 03/11/2016
Gần đây, trong khi nông dân đồng bằng sông Cửu Long điêu đứng vì nạn rầy nâu, vàng lùn, lùn xoắn lá gây hại trên cây lúa thì một bộ phận bà con với sự mẫn cảm của mình từ thực tiễn canh tác đã biết đi tắt đón đầu, tổ chức lại sản xuất một cách hợp lý vừa đạt hiệu quả cao, vừa tránh được thiên tai địch họa, đáng được nhân rộng thành phong trào. Một trong những nông dân tiêu biểu chính là anh Võ Thanh Quốc, năm nay 37 tuổi, cư ngụ tại ấp 2, xã Phú An, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang.
Xã Phú An vốn là vùng trọng điểm về sản xuất nông nghiệp của huyện Cai Lậy và đang bị điêu đứng vì dịch rầy nâu, vàng lùn, lùn xoắn lá trong các vụ sản xuất vừa qua. Riêng anh Võ Thanh Quốc có 8 công đất ruộng (8.000 m2) những năm trước quay 2 đến 3 vụ lúa năng suất cao mỗi năm. Nhận thấy việc sản xuất và quay vòng quá nhanh sẽ làm cạn kiệt tài nguyên đất anh quyết tâm tìm cách chuyển đổi cây trồng phù hợp ngay trên nền đất lúa. Trong năm 2006, anh Quốc đã mạnh dạn chuyển từ mô hình trồng độc canh lúa nước sang chuyên màu 3 vụ mỗi năm và đã thành công lớn.
Trao đổi với tôi bên chân ruộng vừa mới thu hoạch xong khổ qua vụ hè thu chính vụ và đang bắt tay vào làm thêm một vụ màu đón Tết Đinh Hợi sắp tới, anh Quốc hồ hởi cho biết: trong vụ đông xuân 2005 – 2006, anh trồng dưa leo thu hoạch đạt năng suất 3 tấn/công đất, giá bán 1.700 đồng/kg sau khi trừ chi phí còn lãi trên 27 triệu đồng. Sang vụ hè thu sớm, anh chuyển sang trồng bầu, năng suất đạt bình quân 2,6 tấn/công đất, bán với giá 1.800 đồng/kg, trừ đi chi phí còn lãi 34 triệu đồng. Sang vụ hè thu chính vụ anh Quốc lại quay qua trồng khổ qua đạt năng suất 2,5 tấn/công đất, sản lượng 20 tấn bán được giá 2.700 đồng/kg, sau khi trừ đi chi phí còn lãi 34 triệu đồng. Tính chung trong 3 vụ trồng luân canh màu trên chân ruộng anh Võ Thanh Quốc đạt lợi nhuận ròng 87 triệu đồng, mức thu nhập cao kỷ lục mà thời còn trồng độc canh cây lúa không thể có được, lại khỏi phải lo rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá.
Theo anh Võ Thanh Quốc, đưa cây màu xuống chân ruộng ngoài các yếu tố kỹ thuật, sự cần cù, chịu khó còn cần thiết phải biết tính toán trước thời cơ thị trường mang lại để tránh tình trạng được mùa mất giá, biết chọn lựa giống tốt, chất lượng cao, được người tiêu dùng ưa chuộng và tín nhiệm. Cụ thể các loại màu đưa xuống chân ruộng anh đều chọn các giống mới đã được xác nhận có nhiều ưu điểm, tùy từng thời điểm trong năm mà trồng loại màu nào, tăng cường bón thêm phân hữu cơ để tăng độ phì nhiêu cho đất canh tác đồng thời áp dụng qui trình canh tác theo ngưỡng an toàn, hạn chế phun thuốc trừ sâu hoặc bón phân hóa học một cách bừa bãi. Mô hình trồng chuyên màu dưới chân ruộng của anh Quốc là một điểm sáng trên đồng đất đang tiêu điều vì dịch bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá. Nó khẳng định rằng trong hoàn cảnh cực kỳ khó khăn, nếu nhạy bén người nông dân vẫn có thể tìm thấy lối ra ngay trên luống cày của mình.