00:00 Số lượt truy cập: 3231555

Tìm lối ra cho nghề sản xuất, chế biến nấm ở Đồng Nai 

Được đăng : 03/11/2016
Đồng Nai hiện có khoảng gần 1.400 hộ trồng nấm tại 26 xã, phường ở tất cả 11 huyện, thị xã, thành phố Biên Hòa, với các làng nghề trồng nấm nổi tiếng như Xuân Định (huyện Xuân Lộc), Xuân Bảo (huyện Cẩm Mỹ), Sông Trầu (huyện Trảng Bom) và thị xã Long Khánh, giải quyết việc làm thường xuyên cho cho hơn 10.000 lao động địa phương.

Bình quân mỗi năm các làng nghề trồng nấm sản xuất hàng chục ngàn tấn nấm tươi, trong đó nấm mèo (mộc nhĩ) chiếm đa số và đã xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Còn những loại nấm khác như nấm linh chi, bào ngư, kim châm, nấm rơm… được sản xuất nhỏ lẻ và tiêu thụ tại thị trường trong nước. Đặc biệt trong 2 năm trở lại đây, Trại nấm Cù Lao Phố ở thành phố Biên Hoà đã sản xuất thành công và cung ứng ổn định mỗi ngày khoảng 150 kg nấm bào ngư Nhật Bản cho các nhà hàng, siêu thị ở thành phố Biên Hoà và thành phố Hồ Chí Minh. Mới đây, trại nấm của chị Ngô Thị Thái ở xã Tây Hòa, huyện Trảng Bom lần đầu tiên trồng thành công loại nấm kim châm có nguồn gốc từ Trung Quốc và hiện mỗi ngày xuất xưởng từ 120 đến 150 kg nấm cho hệ thống siêu thị Metro và Co.op Mart với giá 50.000 đồng/kg, chỉ bằng 1/4 giá nấm nhập từ Trung Quốc, mở ra khả năng sản xuất và cung ứng số lượng lớn cho thị trường trong nước và xuất khẩu.

Tuy nhiên, đến nay nghề trồng nấm ở Đồng Nai vẫn mang tính tự phát, manh mún và chưa có thị trường ổn định. Tại thị xã Long Khánh - nơi có quy mô trồng nấm lớn nhất tỉnh với gần 400 hộ gia đình tham gia, sản lượng khoảng 30.000 tấn/năm. Tuy nhiên, sản phẩm nấm ở thị xã Long Khánh tiêu thụ còn bấp bênh là do chưa có thương hiệu, không tiếp cận được với những đơn vị trực tiếp xuất khẩu. Theo ông Bùi Quang Trung, một nhà sản xuất nấm lớn nhất tại Long Khánh, để giao dịch xuất khẩu phải có sản lượng vài ngàn tấn trở lên. Hàng đi mua gom để xuất khẩu thì không ổn định, đôi khi sẽ gặp tình trạng lúc nhiều, lúc ít hàng, không thể chủ động để ký hợp đồng với khách hàng. Bên cạnh đó, chất lượng hàng hóa cũng không đảm bảo, do mỗi người sản xuất theo một cách khác nhau.

Nhằm giải quyết những khó khăn cho người trồng nấm, Sở Khoa học và Công nghệ Đồng Nai phối hợp với thị xã Long Khánh mở các lớp tập huấn nuôi trồng nấm miễn phí cho người dân trên địa bàn tỉnh. Ngành Nông nghiệp đã có nhiều chương trình giúp người dân trồng nấm khắc phục các bệnh trên nấm hay mở rộng diện tích nuôi trồng. Tuy nhiên, theo các nhà nghiên cứu, để nghề nấm phát triển một cách bền vững, có những sản phầm đồng nhất và chất lượng, Đồng Nai cần có những giải pháp đồng bộ từ quy hoạch đến sản xuất ra những sản phẩm sạch. Người dân phải mạnh dạn mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư trang thiết bị phù hợp để tạo ra những sản phẩm đồng bộ, nên đa dạng hoá các chủng loại nấm và gây dựng một thương hiệu cho nấm. Bên cạnh đó, những hộ trồng nấm có điều kiện mở rộng quy mô sản xuất, chế biến cần được ưu đãi về đất, về nguồn vốn vay, đầu tư cơ sở hạ tầng, được hỗ trợ chính sách khuyến công, phí đào tạo nghề, truyền nghề và phát triển nghề cho lao động phục vụ nghề nấm, cung cấp thông tin, tư vấn, chuyển giao công nghệ, học hỏi kinh nghiệm, xúc tiến thương mại, phát triển thương hiệu, hỗ trợ việc liên kết, liên doanh, thành lập hiệp hội, nâng cao năng lực quản lý./.