Mặc dù từ đầu năm đến nay tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm có nhiều diễn biến phức tạp, nhất là từ tháng 3 khi bệnh tai xanh và bệnh lở mồm long móng ở gia súc đã xảy ra ở một số tỉnh lân cận.
Trước tình hình đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo các huyện, thành phố triển khai các biện pháp cấp bách nhằm tăng cường phòng, chống dịch cho đàn gia súc, gia cầm. Các địa phương cũng đã cử cán bộ bám sát cơ sở tiến hành kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh đến từng thôn, xóm, hộ chăn nuôi để chủ động phát hiện dịch bệnh khi mới phát sinh, huy động vật lực, nhân lực thực hiện các biện pháp khoanh vùng dập dịch. Ngoài ra, các địa phương cũng đã thực hiện tốt việc tổ chức vệ sinh tiêu độc, khử trùng chuồng trại, tăng cường sức khỏe cho vật nuôi khi thời tiết chuyển mùa. Các địa phương đã tiến hành tiêm phòng vắc xin 4 bệnh đỏ cho lợn, tụ huyết trùng cho đàn gia súc và hoàn thành tiêm vắc xin cúm đợt 1 cho đàn gia cầm. Chính vì vậy, đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh vẫn được duy trì, phát triển tốt.
Tính đến nay, toàn tỉnh có khoảng 16,7 ngàn con trâu, 152,9 ngàn con bò (đàn bò sữa có khoảng 2,9 ngàn con), đàn lợn là 1,22 triệu con và đàn gia cầm là 10,19 triệu con, tăng 5,9%, trong đó đàn gà đạt 7,15 triệu con tăng 8,87% so với cùng kỳ. Có thể nói ngành chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đang ngày càng phát triển mạnh, chiếm tỷ lệ lớn trong cơ cấu nông nghiệp, giải quyết việc làm cho nhiều lao động nông thôn, tăng thu nhập cho người lao động. Điều đáng mừng là tuy chăn nuôi lớn nhưng xu hướng chăn nuôi nhỏ lẻ trong nông hộ ngày càng giảm, chăn nuôi tập trung mang tính sản xuất hàng hóa, quy mô trang trại ngày càng phát triển để đáp ứng với nền kinh tế thị trường.