00:00 Số lượt truy cập: 3229932

Tôm chết hàng loạt ở Nam Định: Hậu quả của phong trào nuôi tự phát 

Được đăng : 03/11/2016
Người nuôi tôm ở các huyện Giao Thủy và Hải Hậu (Nam Định) đang trong cảnh lao đao do tôm bị dịch bệnh chết hàng loạt. Nguyên nhân là do tình trạng ô nhiễm vùng nuôi rất nặng nề, trong khi chính quyền không quan tâm quản lý để người dân nuôi tôm tự phát.



Nông dân ven biển Nam Định đang điêu đứng vì tôm chết hàng loạt.
 
Giàu vì tôm, đổ nợ cũng vì tôm

Đến đầm nuôi tôm ở các huyện ven biển của tỉnh Nam Định, đâu đâu cũng gặp sự buồn bã, lo lắng của người nuôi tôm. Tình trạng tôm chết nổi trắng mặt nước ở hầu hết các ao đầm diễn ra triền miên từ đầu năm đến nay, khiến nông dân thua lỗ nặng nề.
Ông Trần Văn Hiển, người có 6ha nuôi tôm ở khu vực Cồn Tàu, thị trấn Quất Lâm (Giao Thủy) cho biết, năm nay ông nuôi 2 lứa tôm đều bị lỗ, số tiền lỗ ước tính gần 2 tỷ đồng. Những năm trước đây, năng suất tôm nuôi đạt trung bình 15 tấn/ha, nhiều lứa đạt 16-20 tấn/ha, doanh thu 1,8-2 tỷ đồng, lợi nhuận tới 600 triệu đồng/ha. Thế nhưng năm nay, tôm nuôi cứ đến 30 -40 ngày sau khi thả giống là chết hàng loạt. “Hôm trước tôm vẫn còn bơi lội tung tăng, sáng hôm sau đã chết nổi trắng đầm. Điều đáng nói là, năm nay giá tôm tăng gấp đôi, đạt gần 200.000 đ/kg nên bà con chúng tôi càng thiệt hại nặng nề. Do dịch bệnh nên năng suất tôm thu hoạch chỉ được hơn 2 tấn/ha, bán được 350 triệu đồng, trong khi đó, chi phí đầu tư nuôi tôm rất lớn. Chỉ tính riêng tiền giống, tiền thức ăn cho mỗi hecta đã lên đến gần 800 triệu đồng, chưa tính đến tiền thau rửa đầm, thuê nhân công”, ông Hiển than thở.

Ông Nguyễn Trung Triều, Phó chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) Cồn Tàu cho hay, HTX có 200 hộ đã chuyển đổi từ làm muối sang nuôi tôm với diện tích hơn 100ha. Những năm trước, nghề nuôi tôm được coi là “siêu lợi nhuận”, mỗi hecta dù đầu tư ngót nghét tỷ đồng nhưng số tiền thu về vẫn gấp đôi. Năm 2013, tỷ lệ tôm chết lên đến 40% nhưng nông dân nuôi tôm toàn HTX vẫn thu tổng lãi 10 tỷ đồng. Năm 2014, tỷ lệ tôm chết lên đến 90% khiến hơn 80% số hộ bị thua lỗ, với tổng lỗ ước tính cả HTX khoảng 7 tỷ đồng; chỉ chưa đến 20% số hộ có lãi, nhưng những hộ này thu lợi nhuận cũng rất thấp, chỉ vài chục triệu đồng/ha. Hàng chục hộ nuôi tôm ở Quất Lâm đang lâm vào cảnh nợ nần chồng chất.

Theo ông Triều, việc sản xuất đều do xã viên tự quyết, mạnh ai nấy làm, HTX không có vai trò chỉ đạo, định hướng. Hiện, HTX chỉ cung cấp dịch vụ thủy lợi, hàng ngày khi thủy triều lên thì bơm nước từ biển và sông vào hệ thống mương dẫn đến các đầm tôm. Khi biết tình trạng dịch bệnh xảy ra, một số cán bộ Phòng Nông nghiệp và thủy sản của huyện đến, họ nói nguyên nhân là do nước biển và nước sông bị ô nhiễm. Nhưng HTX chỉ biết bơm nước, còn việc xử lý nước là do các hộ tự lo.

Ông Hiển chia sẻ: Cái người nuôi tôm cần nhất lúc này là khoa học kỹ thuật. Giờ chúng tôi không biết hỏi ai để phòng chống dịch bệnh cho tôm. Không người làm dịch vụ thú y nào ở địa phương có kiến thức về bệnh tôm, nên đến mời họ đều từ chối. Cán bộ Phòng Nông nghiệp và thủy sản huyện, cán bộ khuyến nông cũng “mù tịt” kiến thức về lĩnh vực này. Mỗi vụ phải chi tới 60-80 triệu đồng tiền thuốc cho mỗi hecta mà vẫn không giải quyết được vấn đề.  “Ở đây có rất nhiều doanh nghiệp cung cấp vật tư, giống, thuốc, thức ăn cho các chủ hộ nuôi tôm. Khi bán họ đều hướng dẫn kỹ thuật, nhưng chúng tôi nuôi tôm vẫn chết. Mong ước lớn nhất của tôi cũng như mọi người nuôi tôm ở đây là, giá như có đơn vị, cá nhân hoặc doanh nghiệp nào đứng ra làm dịch vụ phòng chống dịch bệnh cho tôm. Chúng tôi sẵn sàng trả công 100 triệu đồng/ha cho người làm dịch vụ này (chưa tính tiền thuốc, hóa chất) nếu như họ đảm bảo tỷ lệ tôm chết dưới 20%”, ông Hiển nói.

Cần sự vào cuộc của nhà nước và doanh nghiệp

Ông Nguyễn Thế Lịch, Giám đốc Công ty cổ phần Khoa học và công nghệ AFP cho hay: Công ty chuyên cung cấp các chế phẩm vi sinh phòng chống dịch bệnh cho tôm và các hóa chất diệt trùng để xử lý nước đầm nuôi. Nhưng khi chào hàng, các hộ nuôi tôm đều nói: Nếu chỉ bán thuốc thì dân không mua nữa. Các ông hãy đến làm dịch vụ xử lý nước và phòng chống dịch bệnh, nếu đạt hiệu quả thì dân sẵn­ sàng trả tiền. Thấy đề nghị của bà con rất bức thiết và thực tế nên công ty đã chuyển hướng sang làm dịch vụ khoa học kỹ thuật, đảm nhiệm khâu phòng chống bệnh cho tôm, hiện đã ký kết với một số chủ đầm. Tuy vậy, ông Lịch bày tỏ: “Chỉ riêng khâu kỹ thuật cũng chưa đủ để giải quyết được vấn đề. Qua tìm hiểu, tôi thấy vấn đề cốt lõi là, tình trạng chỉ có chung một đường vừa cấp nước vừa thoát nước trong hệ thống đầm nuôi tôm ở Cồn Tàu đã khiến tình trạng ô nhiễm khó xử lý triệt để. Chỉ có một con sông Sò dẫn nước vào kênh, từ kênh chính lấy nước vào các hồ. Sau khi thu hoạch tôm, người ta bơm nước từ trong hồ cũng ra kênh đó khiến nước chứa mầm bệnh xả thẳng ra hệ thống. Tôi đã kiến nghị UBND thị trấn Quất Lâm cần phải quy hoạch kênh cấp và thoát nước riêng biệt. Mặt khác, HTX cần phải đóng vai trò lớn hơn trong nuôi tôm”.

Ông Nguyễn Doãn Lâm, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Nam Định cho biết, tình trạng tôm chết đang là vấn đề nan giải ở mọi khu vực nuôi tôm nước lợ trong tỉnh. Những năm gần đây, người dân ồ ạt chuyển đổi đất làm muối, đất trồng lúa sang nuôi tôm khiến môi trường bị ô nhiễm nặng nề. Diện tích nuôi tôm đang vượt ra khỏi tầm kiểm soát, đặc biệt là ở các xã, thị trấn như Giao Phong, Giao Xuân, Quất Lâm (huyện Giao Thủy), Hải Đông, Hải Lộc, Hải Lý, Hải Hòa (huyện Hải Hậu)... Dù thua lỗ, nhưng các hộ có tôm chết vẫn tiếp tục thả con giống để nuôi lứa khác vì thấy tôm đang được giá, nhiều hộ chấp nhận vay vốn để mua giống mới.

Tình trạng nuôi tôm thẻ chân trắng tự phát không chỉ diễn ra ở các huyện ven biển, gần đây, ở một số địa phương trên địa bàn tỉnh Nam Định xuất hiện việc người dân tự ý chuyển đổi từ nuôi cá nước ngọt sang nuôi tôm thẻ chân trắng do lợi nhuận cao. Hiện tượng nay diễn ra ở cả các huyện nằm sâu trong đất liền như Trực Ninh, Nam Giang, Xuân Trường. Tôm thẻ chân trắng vốn sống trong môi trường nước có độ mặn, bởi vậy khi nuôi trong môi trường nước ngọt sẽ đầy rủi ro. Bởi vậy, mới đây Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Nam Định đã có công văn đề nghị các đơn vị chức năng cùng phối hợp tập trung chỉ đạo chấm dứt tình trạng này. Theo đó, Nam Định chủ trương không nuôi tôm nước lợ trong vùng nước ngọt và thực hiện nuôi tôm nước lợ đúng theo Quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp, thủy sản và muối đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được UBND tỉnh phê duyệt. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý những vi phạm trong nuôi tôm, không để người dân tự ý chuyển đổi sang nuôi tôm thẻ chân trắng ở những vùng không nằm trong quy hoạch.
Chu Khôi