00:00 Số lượt truy cập: 3233869

Tôm nuôi ở Bạc Liêu chết hàng loạt, vì sao? 

Được đăng : 03/11/2016
Hơn một tháng qua, tình trạng tôm nuôi chết hàng loạt trên diện rộng, gây nhiều thiệt hại cho hộ nuôi tôm ở Bạc Liêu. Vì sao có tình trạng này và giải pháp nào khắc phục?

Người nuôi tôm khó khăn, điêu đứng !

Hiện nay, Bạc Liêu có gần 120 nghìn ha đất nuôi tôm, trong đó có gần 30% diện tích nuôi tôm sú công nghiệp, bán công nghiệp. Ðến cuối tháng 5, nhân dân trong tỉnh đã cơ bản thả tôm giống trên hầu hết diện tích.

Theo số liệu chưa đầy đủ, từ đầu tháng 4-2008 đến nay, toàn tỉnh có gần 30 nghìn ha tôm nuôi bị thiệt hại; trong đó có đến gần 20 nghìn ha bị thiệt hại từ 50% trở lên. Các địa phương như huyện Ðông Hải, Hòa Bình, Giá Rai, Phước Long, thị xã Bạc Liêu... bị thiệt hại  nặng, mỗi đơn vị có hơn 4.000 ha tôm bị chết. Ðáng lưu ý, toàn tỉnh có gần 930 ha đất bỏ hoang, do tôm nuôi bị chết nhiều lần, bà con không còn khả năng cải tạo đầm, mua tôm giống thả nuôi tiếp.

Trong khi đó, các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu đã tạm ngưng không cho những hộ nuôi tôm vay vốn sản xuất. Ðiều này làm cho hàng nghìn hộ nuôi tôm trong tỉnh, nhất là những hộ có tôm nuôi bị chết càng lâm vào cảnh điêu đứng, lao đao, đành "bó tay" ngậm ngùi nhìn đầm tôm bỏ hoang, vì không có vốn sản xuất!

Vì sao tôm nuôi ở Bạc Liêu chết hàng loạt trên diện rộng? Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, có nhiều nguyên nhân: do con giống bị nhiễm bệnh, môi trường nước, đất tại vùng đất nuôi tôm bị ô nhiễm nghiêm trọng; các cấp, các ngành, các hộ dân thiếu sự liên kết trong sản xuất; việc xử lý nước thải, ngăn ngừa dịch bệnh chưa đồng bộ, kéo theo đó là vòng luẩn quẩn giữa người xả nước thải ô nhiễm và người lấy nguồn nước phục vụ cho nuôi tôm...

Theo nhiều cán bộ thủy sản và người dân, nếu các khâu được thực hiện tốt, nhưng con giống không tốt thì cũng thất bại. Tại Bạc Liêu, mỗi năm cần 12-15 tỷ con tôm sú giống, trong khi đó, hơn 700 cơ sở sản xuất, kinh doanh tôm giống trong tỉnh chỉ đáp ứng khoảng 30% nhu cầu, vì vậy, 70% tôm sú giống phải nhập từ các tỉnh. Song, phần lớn các cơ sở sản xuất tôm giống trong tỉnh quy mô nhỏ, chưa thực hiện các quy trình sản xuất tôm giống sạch bệnh. Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, phát hiện, xử lý tôm giống nhập tỉnh còn nhiều bất cập.

Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hậu, huyện Hòa Bình, Trần Minh Trung khẳng định: "Hiện nay, trên địa bàn xã có không ít diện tích đất nuôi trồng thủy sản bị ô nhiễm rất nặng, chẳng những con tôm không thể sống được mà ngay cả con cá cũng không thể phát triển được trong môi trường ô nhiễm như vậy...".

Theo phân tích của một số cán bộ khuyến ngư ở huyện Hòa Bình, việc nuôi tôm thất bại là do người dân liên tiếp thả tôm nuôi trong nhiều năm liền, đất bị thoái hóa do không được cải tạo; đất và nước trong vùng nuôi tôm bị ô nhiễm nặng nề.

Trong quá trình nuôi tôm, nhiều hộ đã xử lý bằng các loại hóa chất với liều lượng cao, không tuân thủ các biện pháp an toàn kỹ thuật. Sau khi tôm nuôi chết hàng loạt trên diện rộng, người dân vội vàng thả lại con giống sau khi xử lý môi trường bằng các loại hóa chất cực mạnh, mà không thực hiện các khâu cần thiết như phơi đất, tháo nước..., làm cho đất ngày càng bị ô nhiễm nặng nề hơn...

Mô hình nuôi tôm bền vững

Từ "cái giá phải trả" cho việc nuôi tôm bị thất bại hàng loạt trên diện rộng, hiện nay, các cấp chính quyền, ngành nông nghiệp và nhiều hộ nông dân trong tỉnh Bạc Liêu đã rút ra bài học "xương máu", đã và đang đề ra nhiều giải pháp khắc phục, bước đầu đạt kết quả đáng ghi nhận.

Có thể nói, thị xã Bạc Liêu là địa phương đầu tiên trong tỉnh triển khai Ðề án nuôi tôm công nghiệp, bán công nghiệp bền vững. Ðề án này đang được thực hiện bước đầu đem lại kết quả rất đáng khích lệ. Thị xã hiện có gần mười nghìn ha nuôi tôm sú áp dụng theo mô hình nuôi tôm bền vững, cụ thể là các hộ nuôi tôm đã hạn chế việc sử dụng hóa chất trong nuôi tôm, thay vào đó là dùng chế phẩm sinh học (vi sinh). 

Bí thư Thị ủy Bạc Liêu, Võ Văn Dũng, cho biết: "Nông dân nuôi tôm theo phương thức mới này giảm được nhiều thiệt hại hơn so với nuôi theo tập quán cũ, năng suất thu hoạch cao hơn gấp nhiều lần so với trước. Ðặc biệt, trong quá trình thực hiện, bà con được cán bộ chuyên môn tập huấn về quy trình nuôi như: xây dựng và cải tạo ao nuôi, cách lấy nước và khử trùng nước trong ao, cách chọn giống và thả nuôi con giống... Nhiều nơi thực hiện thành công đề án nuôi tôm bền vững, điển hình như phường 8, phường Nhà Mát, xã Hiệp Thành... Ðây là mô hình làm ăn hiệu quả cao, mở ra triển vọng mới cho nghề nuôi tôm ở thị xã nói riêng và tỉnh Bạc Liêu nói chung...".

Hiện nay, không chỉ tại thị xã Bạc Liêu, các huyện như Hòa Bình, Ðông Hải, Vĩnh Lợi, Giá Rai, Phước Long..., chính quyền và ngành nông nghiệp các huyện đều chú trọng việc nuôi tôm bền vững. Các địa phương đang tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc giúp người nuôi tôm thực hiện tốt các điều kiện như: Chọn con giống tốt, kỹ thuật, kinh nghiệm, vốn; thủy lợi, nguồn nước sạch nuôi tôm..., nhằm áp dụng thành công các mô hình mới đem lại hiệu quả kinh tế và bền vững.