00:00 Số lượt truy cập: 2670996

Tôm sú nuôi bị chết hàng loạt: Cảnh báo nguồn cung con giống kém chất lượng 

Được đăng : 03/11/2016
Hiện tượng tôm sú nuôi bị chết hàng loạt tại Trà Vinh, rải rác ở Sóc Trăng đang gây khó khăn cho người nuôi. Nếu không được xử lý kịp thời, sẽ còn ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất chất lượng của vụ tôm năm nay. Theo phân tích, đánh giá của ngành chức năng, xem ra hệ quả tôm nuôi bị chết không chỉ có nguyên nhân về thời tiết…

Tôm chết do nắng nóng?

Hiện tượng tôm sú nuôi bị chết đã xuất hiện trên địa bàn tỉnh Trà Vinh từ những ngày sau Tết Nguyên đán và kéo dài cho đến nay. Mặc dù ngay từ đầu vụ, ngành chức năng đã tăng cường công tác kiểm tra, kiểm dịch các cơ sở ương dưỡng, vận chuyển tôm giống vào địa bàn tỉnh, nhưng số lượng được kiểm dịch chiếm tỷ lệ quá nhỏ so với lượng tôm giống hiện có. Qua kiểm dịch 129,8 triệu con tôm sú giống sản xuất trong toàn tỉnh và 87,98 triệu con nhập ngoài tỉnh, đã có gần 40 triệu con bị nhiễm bệnh và được tiêu hủy.

Huyện Duyên Hải là vùng trọng điểm nuôi tôm sú và người nuôi tôm ở đây đã có nhiều năm kinh nghiệm, nhưng tình trạng tôm chết cũng thường xuyên xảy ra. Theo đánh giá của ngành chức năng, ngoài nguyên nhân do nguồn cung con giống kém chất lượng, nguy cơ tiềm ẩn của tình trạng tôm chết hiện nay còn do nhiều hộ nuôi tôm chưa tuân thủ thời gian cải tạo ao hồ, vẫn còn tình trạng thả tôm trước lịch thời vụ, khi có tôm chết lại thả nước ra sông rạch.

Theo thống kê từ Sở Thủy sản tỉnh Trà Vinh, đến cuối tháng 3 - 2007, toàn tỉnh có gần 16.000 hộ thả nuôi gần 1,1 tỉ con tôm sú giống trên 15.456 ha mặt nước. Qua điều tra, đã có 1.788 hộ bị thiệt hại với 117.965.000 con trên 2.390 ha mặt nước, tôm từ 30 - 45 ngày tuổi bị chết nhiều nhất. Trong số này, huyện Duyên Hải có 97 triệu con tôm của 1.377 hộ bị thiệt hại, tập trung nhiều vào số tôm thả nuôi theo hình thức quảng canh cải tiến. Phần lớn tôm nuôi bị chết do bệnh đầu vàng, đốm trắng.

Theo nhận định của các nhà chuyên môn, với thời tiết phức tạp như hiện nay, nhiều khả năng tôm nuôi sẽ tiếp tục chết trong vài ngày tới. Anh Lưu Lữ Hùng, ở xã Dân Thành, huyện Duyên Hải, cho biết: “Nếu nói về chất lượng con giống thì chúng tôi chỉ biết tin tưởng vào các cơ sở mình mua, với mắt thường người dân không thể nào biết được tôm nào là sạch bệnh”. Đầu vụ, anh Hùng đã thả 70.000 con giống, tôm bệnh chết, anh mất trắng. Bây giờ anh chỉ mong có vốn cũng để tiếp tục nuôi tôm.

Đến thời điểm này, tỉnh Sóc Trăng đã có gần 170 ha mặt nước nuôi tôm bị thiệt hại trong số gần 11.000 ha thả nuôi. Trong đó, diện tích thả nuôi trước lịch thời vụ bị thiệt hại 89 ha và địa phương có diện tích thiệt hại nhiều nhất là huyện Mỹ Xuyên 87 ha. Mặc dù tỷ lệ thiệt hại không nhiều như vụ nuôi năm trước, nhưng nhiều người lo ngại đây sẽ là nguy cơ phát tán mầm bệnh cho cả vụ nuôi. “Con giống thả nuôi sớm không đảm bảo chất lượng và môi trường nhiệt độ chưa ổn định là hai nguyên nhân chủ yếu làm diện tích nuôi bị thiệt hại” - Thạc sĩ Phạm Hữu Lai, Phó Giám đốc Sở Thủy sản tỉnh Sóc Trăng cho biết. Ngoài ra, nhiệt độ tăng lên quá cao làm biến động các yếu tố môi trường gây sốc tôm nuôi, độ mặn ngày càng tăng cao trong cái nóng gay gắt làm cho ao tôm thất thoát nhiều nước, tăng độ mặn so với mức ở ngoài sông... cũng là những nguyên nhân gây nên tình trạng tôm nuôi đầu vụ bị thiệt hại.

Gỡ rối cho người nuôi tôm

Chú Tô Văn Triều, nông dân ở ấp Bình Hòa II, xã Gia Hòa II, huyện Mỹ Xuyên, nói : “Nhiều người cứ ham thả nuôi sớm, trong khi độ mặn chưa ổn định, môi trường chưa tốt mà mua “tôm yếu” về thả sớm làm sao sống nổi. Lịch thả nuôi đã khuyến cáo lâu rồi, nhưng tụi tui bây giờ phải lo xử lý ao vuông cho kỹ mới được, môi trường nước ổn định mới thả nuôi và phải chọn cho được con giống tốt nữa”. Lịch thả nuôi tôm chính vụ ở Sóc Trăng được ngành thủy sản khuyến cáo từ ngày 7-2-2007. Tuy vậy, trước hiện tượng tôm sú nuôi ở một số nơi bị chết hàng loạt và trong tình hình thời tiết còn nhiều bất lợi như hiện nay, nhiều ngư dân đang tỏ ra thận trọng khi bước vào vụ nuôi.

Để gỡ rối cho người nuôi tôm, ngành thủy sản Sóc Trăng đang tập trung nhiều giải pháp nhằm hạn chế thấp nhất tình trạng tôm nuôi bị thiệt hại. Trong đó, đặc biệt chú trọng việc quản lý con giống, từ khâu nhập giống, kiểm tra mầm bệnh và quá trình ươm tại các trại. “Quan trọng nhất là người nuôi phải chọn được con giống tốt. Bà con mình đã được trang bị kiến thức tốt rồi, bây giờ phải phát huy trong việc chọn lựa con giống. Các địa phương phải chung tay trong việc quản lý các hộ có diện tích nuôi bị thiệt hại. Phải ngăn chặn việc xả nước thải từ các ao nuôi có tôm chết ra môi trường bên ngoài làm ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng đến các hộ xung quanh” - Thạc sĩ Phạm Hữu Lai nhấn mạnh. Hiện nay, ngành thủy sản tỉnh cũng đang theo dõi chặt chẽ nguồn nước từ các tuyến kinh để cung cấp cho hệ thống kinh cấp 2 trong các vùng nuôi, nhằm tránh tình trạng ô nhiễm nguồn nước làm thiệt hại tôm nuôi.

Bà Nguyễn Thị Thu, Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh huyện Duyên Hải (Trà Vinh), cho biết: “Vốn cho vay phát triển nuôi thủy sản chiếm 85% doanh số cho vay hàng năm của huyện. Đối với ngân hàng huyện chỉ cho các hộ nuôi tôm vay cải tạo ao hồ, mua thức ăn, còn vốn mua giống thì người dân tự bỏ ra. Trường hợp tôm bị chết, đến cuối vụ cán bộ ngân hàng xác định thiệt hại, người dân mới được khoanh nợ, gia hạn nợ để tiếp tục được đầu tư vào vụ sau. Trước đây, Ngân hàng cùng với lãnh đạo địa phương, đại diện nông dân tham quan các mô hình nuôi thủy sản có hiệu quả cao ở ĐBSCL. Qua đó, chúng tôi dự kiến sẽ tổ chức tập huấn cho các hộ nuôi tôm phát triển các mô hình nuôi cá kèo, cua... trong ao sau vụ tôm để bà con tăng lợi nhuận”.

Nhằm giảm bớt rủi ro cho người nuôi tôm trên địa bàn huyện trong thời gian tới, đồng chí Lê Trọng Vũ, Chủ tịch UBND huyện Duyên Hải (Trà Vinh), cho biết: “Chúng tôi đã chỉ đạo ngành chuyên môn cử cán bộ, kỹ sư thủy sản bám sát các vùng nuôi bị thiệt hại để đánh giá nguyên nhân tôm chết. Đồng thời, khuyến cáo bà con ở các vùng, đặc biệt đối với những nơi có tôm bị chết phải tuyệt đối chấp hành nghiêm vấn đề xét nghiệm tôm giống. Bởi qua theo dõi các năm, việc xem xét, lựa chọn con giống kỹ lưỡng sẽ góp phần giúp người nuôi hạn chế thiệt hại”.