00:00 Số lượt truy cập: 2692219

Tp.HCM: Liên kết để sản xuất rau an toàn 

Được đăng : 03/11/2016

Theo thống kê, hằng năm, lượng rau tiêu thụ của Tp.HCM khoảng trên 400 ngàn tấn.


Hằng ngày có khoảng 1.200 tấn rau lưu thông trên thị trường thành phố, trong đó có 20% được sản xuất từ khu vực ngoại thành và 80% còn lại từ các tỉnh khác như Lâm Đồng, Tây Ninh, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu, Tiền Giang, Long An, Vĩnh Long...

Tuy nhiên, tình hình sản xuất và tiêu thụ rau còn nhiều hạn chế như manh mún, không đáp ứng nhu cầu thành hàng hóa cung cấp cho các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu mặt hàng rau quả. Chất lượng chưa cao, mẫu mã chưa đều, sản lượng rau an toàn có kiểm soát còn khá thấp. Quan hệ hợp tác 4 nhà còn lỏng lẻo. Người sản xuất quen với tập quán tự cung tự cấp, tiêu thụ nội địa qua hệ thống thương nhân tự phát, giá cả phụ thuộc vào từng buổi chợ.

Do vậy có khi giá cao với những chủng loại quý và có lúc rớt giá tồi tệ nếu gặp hàng thừa, dội chợ. Các chợ đầu mối rau tại Tp.HCM chưa được phát huy đúng như chức năng là thu mua, sơ chế và cung ứng cho siêu thị, cửa hàng hoặc các đơn vị có nhu cầu xuất khẩu, đồng thời là người đặt hàng cho nông dân sản xuất theo nhu cầu thị trường.

Trước thực trạng này, các thành phố và các tỉnh đã thống nhất thực hiện dự án “Tăng cường liên kết sản xuất - tiêu thụ rau an toàn tại Tp.HCM và các tỉnh lân cận”. Dự án gồm 9 tỉnh và thành phố là Tp.HCM, Lâm Đồng, Tây Ninh, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu, Tiền Giang, Long An, Vĩnh Long. Tháng 7/2005, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ký quyết định thành lập Ban chỉ đạo dự án. Thời gian thực hiện dự án từ 2006 đến 2010.

Tính đến nay, dự án bước đầu đã triển khai một số hoạt động như Tp.HCM đang xây dựng mô hình sản xuất rau theo tiêu chuẩn GAP ở xã Nhuận Đức và đang làm thủ tục đăng ký logo cho sản phẩm rau an toàn. Cục bảo vệ thực vật phối hợp với Công ty cổ phần thực vật An Giang tổ chức các lớp huấn luyện về sản xuất rau theo tiêu chuẩn GAP tại thành phố và các tỉnh.

Công ty TNHH một thành viên Bảo vệ thực vật Sài Gòn đồng ý tài trợ 450 triệu đồng cho hoạt động năm 2006-2007 để xây dựng mô hình sản xuất rau có chứng nhận sản phẩm tại các tỉnh, thành trong dự án. Chi cục bảo vệ thực vật Tp.HCM cùng 3 Công ty TNHH Quản lý và Kinh doanh chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn, Công ty TNHH Quản lý và Kinh doanh chợ nông sản Thủ Đức, Công ty Quản lý và Kinh doanh chợ Bình Điền thực hiện đề án “Quản lý dư lượng độc chất trong sản phẩm trồng trọt là thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm tại các chợ đầu mối nông sản trên địa bàn thành phố”.

Các đơn vị này kiểm tra thí điểm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong rau quả. Bước đầu xác định được mô hình quản lý, quy trình kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật đối với nguồn rau nhập vào chợ. Các đơn vị đã phát hiện, thông báo các lô hàng có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép. Tuy nhiên, đề án này còn gặp một số tồn tại như quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo thực hiện đề án chưa được trình duyệt nên sự phân công, điều hành thực hiện gặp trở ngại.

Trong năm 2007 này, Ban chỉ đạo liên kết trình UBND Tp.HCM thành lập Ban chỉ đạo và tổ tham mưu thực hiện Đề án kiểm tra dư lượng độc chất trên rau. Xây dựng và trình duyệt các tiểu dự án như đầu tư trang thiết bị cho 3 Công ty kinh doanh chợ trên. Đồng thời tổ chức hội thảo thống nhất mô hình tổ chức kiểm tra dư lượng thuốc trừ sâu trong sản phẩm trồng trọt đầu vào tại các chợ đầu mối. Định kỳ hàng tháng sẽ kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tại các chợ đầu mối.

Các tỉnh đang tiến hành xây dựng vùng rau an toàn nhưng còn lúng túng. Theo Ban chỉ đạo, nguyên nhân là do Cục Trồng trọt chưa triển khai cụ thể Quyết định số 04 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn như chỉ tiêu thẩm định nhiều thì tốn khoản kinh phí khá lớn cho công tác thẩm định vùng. Chưa cụ thể hoá công tác thẩm định vùng, phí thẩm định, cách triển khai công tác chứng nhận và thu phí chứng nhận sản phẩm rau an toàn... Các tỉnh đề nghị lập dự án riêng cho từng tỉnh, trên cơ sở đó thành lập dự án chung trình Bộ.

Đồng thời Cục Trồng trọt cần sớm hướng dẫn Quyết định 04 của Bộ để các tỉnh có cơ sở thực hiện. Điều quan trọng nữa là cần có tổ chức độc lập hợp tác tư vấn việc thực hiện tiêu chuẩn và chứng nhận sản phẩm theo GAP. Do nguồn hàng từ các tỉnh nên đề nghị Tp.HCM sớm có quy chế kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ hàng vào, sau đó nâng cấp việc kiểm tra dư lượng thuốc trừ sâu trên nông sản. Tp.HCM cần có trang thông tin về rau an toàn trên web Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tp.HCM.