00:00 Số lượt truy cập: 3229312

Trà Vinh nổ lực: Cơ giới hoá trong thu hoạch lúa! 

Được đăng : 03/11/2016
Thực hiện Nghị Quyết HĐND tỉnh Trà Vinh về chính sách hỗ trợ lãi suất vay cho nông dân mua máy, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp, tỉnh Trà Vinh sẽ chi đến 40 tỷ đồng trong 3 năm (2009 - 2012) để hỗ trợ lãi suất tiền vay cho các hợp tác xã, trang trại, nông hộ mua 130 chiếc máy gặt liên hợp (GĐLH), nhằm nâng tỷ lệ diện tích thu hoạch lúa bằng cơ giới lên từ 30 - 35%. Song đến nay tiến độ triển khai thực hiện còn chậm, trong khi nhu cầu thực tế còn rất lớn…!

Hướng đi đúng!

Ông Nguyễn Văn Khoa- Quyền Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Càng Long, cho biết: “Từ đầu năm 2009, huyện được sự hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về triển khai đề án hỗ trợ đầu tư máy gặt đập liên hợp, máy sấy lúa phục vụ sản xuất lúa trên địa bàn tỉnh, đến nay huyện Càng Long đầu tư mới được 14 máy, trong khi nhu cầu đầu tư máy gặt đập liên hợp và máy sấy phục vụ thu hoạch lúa cho nông dân trên địa bàn huyện còn rất lớn, nên hiện nay huyện đang khẩn trương lập đề nghị xin hỗ trợ thêm 9 máy nữa, đồng thời tiếp tục điều tra nhu cầu số lượng máy để tiếp tục đề nghị hỗ trợ cho nông dân. Tuy số tiền mua sắm máy lên đến 160 - 200 đồng/chiếc, nhưng với hiệu quả từ việc máy gặt thay nhân công là khá lớn, giúp cho nhà nông tăng thêm thu nhập và hiệu quả từ khâu thu hoạch lúa. Nắm bắt được nhu cầu sản xuất, đến nay nhiều hộ gia đình và hợp tác xã trên địa bàn huyện Càng Long đầu tư mua được 48 chiếc máy gặt đập liên hợp (GĐLH), 8 chiếc máy gặt xếp dãy (MGXD). Điển hình như HTX nông nghiệp Đại Phúc, xã Bình Phú, huyện Càng Long, khởi xướng phong trào cơ giới hoá trong tỉnh, bằng việc đầu tư mua 3 chiếc máy GĐLH trị giá hơn 500 triệu đồng về thu hoạch lúa; HTX Đại Phát cũng mua 03 chiếc máy gặt đập liên hợp; nông dân các xã Bình Phú mua 5 máy GĐLH, xã Huyền Hội mua 03 máy GĐLH và 6 máy gặt xếp dãy; xã An Trường A mua 11 máy GĐLH…, nhờ đó đã giúp cho nhiều nông dân thu hoạch lúa bằng máy GĐLH nên giảm đáng kể chi phí sản xuất, góp phần nâng cao hiệu quả trong sản xuất cho nông dân”.

            Ngoài chính sách hỗ trợ của ngành nông nghiệp trong việc đầu tư mua sắm máy GĐLH, tại huyện Cầu Kè, trong 2 năm 2007-2008, được dự án Nâng cao Đời sống của Tổ chức Oxfam Qué Bec (Canađa) và nguồn vốn của Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư Quốc Giá hỗ trợ mua 13 máy gặt đập liên hợp, 6 máy gặt xếp dãy, nhưng cũng mới đáp ứng được khoảng 10% diện tích lúa được thu hoạch bằng máy. Nhận định và đánh giá về hiệu quả đầu tư hỗ trợ mua máy gặt đập liên hợp phục vụ thu hoạch lúa, ông Nguyễn Hoàng Tranh - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cầu Kè, cho biết: “Do nhu cầu cơ giới hoá trong thu hoạch lúa của nông dân còn rất lớn, nên Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Cầu Kè khẩn trương phối hợp các ngành chức năng của tỉnh, các ngân hàng thương mại lập các dự án hỗ trợ đầu tư vốn cho nông dân mua mát gặt đập liên hợp phục vụ sản xuất; đồng thời phối hợp các cơ quan chuyên môn tổ chức các cuộc hội thảo trình diễn mô hình cơ giới hoá vào sản xuất tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận và vận hành các máy gặt đập liên hợp, máy gặt xếp dãy, kể cả trong công tác bảo trì, sửa chữa máy trong thời gian hoạt động”

            Theo Bà Lê Tuyết Hồng - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh, cho biết: sau hơn 7 tháng triển khai thực hiện đề án cơ giới hóa giai đoạn năm 2009 - 2012, có 44 hộ đăng ký hỗ trợ mua máy gặt đập liên hợp, 01 máy gặt xếp dãy và 8 máy sấy lúa. Ngành nông nghiệp phối hợp chặt chẽ với các ngân hàng xem xét và đầu tư được 26 máy gặt đập liên hợp và 9 máy sấy lúa cho nông dân các huyện Càng Long, Châu Thành, Cầu Kè. Như vậy, đến nay tỉnh Trà Vinh có 60 máy gặt đập liên hợp, 40 máy gặt xếp dãy và 9 máy sấy lúa đáp ứng được khoảng 9-10% nhu cầu thu hoạch lúa bằng cơ giới của tỉnh. Mỗi năm nông dân trong tỉnh sản xuất 3 vụ lúa chính: đông-xuân, hè-thu và thu đông - mùa, với tổng diện tích khoảng 223.000 ha, sản lượng lúa thu hoạch trên 1 triệu tấn/năm, nên việc thực hiện cơ giới hóa trong khâu thu hoạch lúa bằng các phương pháp thủ công làm thất thoát hơn 10% sản lượng, ước tính nhà nông ở Trà Vinh thiệt hại khoảng 150 tỷ đồng/năm. Đây là hướng đi đúng mà trong thời gian qua ngành nông nghiệp tỉnh Trà Vinh tập trung phối hợp các ngành, các cấp và các địa phương triển khai thực hiện và giải ngân vốn dứt điểm cho  giai đoạn 2009 – 2010.

            Nhà nông “mê” máy gặt đập liên hợp!

Qua thực tế cho thấy điệp khúc thiếu nhân công trong khâu thu hoạch lúa những năm gần đây, do có sự chuyển dịch mạnh mẽ lao động nông nghiệp sang công nghiệp nên ở khu vực nông thôn thường thiếu hụt nguồn lao động. Cứ vào mùa lúa chín rộ, nông dân trồng lúa ở ĐBSCL thường xuyên gặp phải tình trạng thiếu công nhân thu hoạch làm cho giá thuê nhân công cắt lúa tăng vọt,…

            Theo tính toán của nhiều nông dân, hiện giá cắt lúa thủ công từ 120.000 đến 140.000 đồng/công, cộng thêm công thu gom, máy suốt (1giạ lúa/công) lên đến 290.000 - 300.000 đồng/công, trong khi thu hoạch bằng máy chỉ tốn 200.000 đồng/công, lợi hơn 90.000 -100.000 đồng/công nên nhiều nông dân rất mê máy gặt đập liên hợp.

Tại huyện Cầu Ngang - Nông dân Nguyễn Văn Lừa “đại gia” trồng lúa giỏi, vụ lúa hè thu 2008 canh tác 12 ha, đến khi lúa chín dù đã chạy đôn, chạy đáo nhiều ngày tìm thợ gặt, nhưng vô ích. Bí quá, ông Bảy Lừa lặn lội lên tỉnh thuê chiếc máy GĐLH đưa về cắt lúa. “Bảy Lừa” là người đầu tiên đưa chiếc máy gặt đập liên hợp về cánh đồng này. Ông phân tích: “Công suất thu hoạch nhanh từ 3-5 ha/ngày (tương đương 80 - 120 công nhân cắt lúa); tỷ lệ hao hụt thấp từ 1% đến 3%, trong khi thu hoạch thủ công hao hụt đến 7%-10%, lợi hơn thu hoạch thủ công từ 60.000 -100.000 đồng.

            Theo các chuyên gia kinh tế và các nhà khoa học đánh giá, một chiếc máy GĐLH có thể thay thế cho 1.500 lao động trong một năm với chi phí bình quân 1,8 đến 2 triệu đồng/ha, trong khi thu hoạch bằng thủ công phải mất từ 2,6 - 3 triệu đồng/ha, (từ gặt, thu gom, suốt,…).

Nghị quyết của HĐND tỉnh kỳ này nâng tỷ lệ cơ giới hoá trong khâu thu hoạch đạt 30 - 35% diện tích trồng lúa của tỉnh, giảm tỷ lệ tổn thất lúa trong khâu thu hoạch xuống còn 3 - 4%, nâng tỷ lệ lúa được làm khô bằng máy sấy đạt khoảng 20% sản lượng lúa của toàn tỉnh vào năm 2012. Như vậy vấn đề hỗ trợ nông dân đẩy nhanh tiến độ tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất chính là điều căn cơ nhất để khắc phục tình trạng thiếu lao động cho những vụ sản xuất lúa trong thời gian tới ở Trà Vinh.

            Hiện nay nông dân Trà Vinh đã cơ giới hoá nhiều công đoạn canh tác từ khâu làm đất, gieo sạ, bơm tưới nhưng khâu thu hoạch lúa thì vẫn chủ yếu dựa vào sức người. Cơ giới hoá khâu thu hoạch lúa đang là vấn đề bức bách, nhưng với giá bán một chiếc máy GĐLH từ 160-200 triệu đồng trở lên đã vượt quá xa tầm tay nông gia. Việc đẩy nhanh tiến độ trong cơ giới hoá để đạt được mục tiêu của Nghị quyết HĐND tỉnh đến năm 2012 là điều mà ngành chức năng cần quan tâm suy ngẫm.