Trà Vinh là tỉnh có số hộ chăn nuôi gia cầm tương đối nhiều (khoảng 45.000 hộ), với hơn 2,5 triệu con gia cầm; trong này chủ yếu là chăn nuôi vịt (trên 1,45 triệu con). Dịch bệnh luôn là một vấn đề được người chăn nuôi lo lắng hiện nay, nhất là dịch cúm gia cầm (H5N1) và để nghề chăn nuôi theo hướng sản xuất bền vững sẽ góp phần rất lớn trong việc tạo ra sản phẩm sạch, giá trị sản phẩm được nâng lên… từ đó người chăn nuôi mới có được hiệu quả kinh tế cao trong sản xuất.
Trong đầu năm 2010, mô hình “sản xuất trứng sạch” của DNTN Ba Huân (TP.HCM) triển khai thực hiện cho nông dân trong tỉnh tại các huyện Cầu Kè, Tiểu Cần, Cầu Ngang và Càng Long; có thể nói đây là một tín hiệu vui cho người chăn nuôi trong tỉnh. Qua trao đổi với anh Phạm Thanh Hùng, Phó GĐ DNTN Ba Huân, anh cho biết:
- Phương thức mà doanh nghiệp đầu tư cho nông dân thực hiện mô hình là doanh nghiệp sẽ thực hiện bao tiêu toàn bộ sản phẩm là trứng từ mô hình; trong này doanh nghiệp sẽ hỗ trợ cho nông dân vay vốn mua vịt giống và khi nào rớt hột sẽ thu hồi (trừ vào tiền con giống). Bên cạnh đó, người nuôi sẽ được doanh nghiệp tập huấn miễn phí về kỹ thuật chăn nuôi theo hướng sản xuất trứng sạch.
Việc sản xuất “trứng sạch” ở đây được hiểu theo nghĩa là không bị dịch bệnh, không bị ngấm nước, dính phân và đặc biệt là không có phôi (cồ). Trước mắt doanh nghiệp sẽ đầu tư 10 mô hình điểm nuôi vịt đẻ an toàn sinh học, qui mô mỗi mô hình từ 2.000 – 5.000 con vịt đẻ. Trong này, con giống sẽ sử dụng giống vịt Triết Giang và quy trình chăn nuôi vịt an tòan sinh học là đảm bảo việc thực hiện phòng ngừa cúm gia cầm (H5N1), kết hợp với việc chăn nuôi khép kín theo hình thức vịt – cá, vịt – lúa – cá… để thực hiện mô hình quản lý chăn nuôi vịt an toàn sinh học, người nuôi phải đảm bảo hệ thống chuồng trại, ao hồ, mương bao ngạn quanh ruộng lúa; đặc biệt là hệ thống lưới bao quanh khu vực chăn nuôi nhằm cách ly triệt để với nguồn gia cầm bên ngoài. Trong suốt quá trình nuôi, việc chăm sóc phải thực hiện đúng qui trình kỹ thuật do doanh nghiệp đã tập huấn cho nông dân. Với mô hình nuôi trên, người chăn nuôi gia cầm (vịt đẻ) sẽ mang lại lợi nhuận cao hơn so với nuôi đơn thuần một loại gia cầm như trước đây; các sản phẩm thu được từ mô hình nuôi kết hợp như sử dụng phân chuồng trong nuôi cá, tận dụng diện tích ruộng lúa để chăn thả vịt trên diện rộng có quản lý qua việc bao lưới; hạn chế rầy nâu và các loại gây hại khác cho lúa. Anh Phạm Thanh Hùng, Phó Giám đốc DNTN Ba Huân, cho biết:
- Với tiềm năng về chăn nuôi ở Trà Vinh hiện nay rất lớn, nông dân cũng có rất nhiều kinh nghiệm trong nuôi vịt đẻ ở những năm qua. Tuy nhiên để thực hiện tốt mô hình “sản xuất trứng sạch”, người chăn nuôi vịt ở Trà Vinh cần áp dụng đúng qui trình chăn nuôi an tòan sinh học mà Công ty sẽ kết hợp với Trung tâm khuyến nông – khuyến ngư Quốc gia hướng dẫn.
Trước mắt, công ty sẽ bắt tay triển khai thực hiện vào tháng 12/2009 và về hướng đầu tư lâu dài, khi mô hình thành công và được nhân rộng, công ty sẽ đầu tư và phát triển lớn trong việc xây dựng nhà máy chế biến trứng tại Khu công nghiệp Long Đức (TXTV).