Một số yêu cầu chung đối với sản xuất hoa cúc cắt cành Nhà lưới Nhà lưới đạt tiêu chuẩn kỹ thuật mới đảm bảo chất lượng hoa cúc. Chiều cao ít nhất 3-4m, nhà lưới quá thấp sẽ làm tăng độ ẩm, dễ tạo ra hiệu ứng lồng kính và điều kiện phát sinh sâu bệnh. Nhà lưới cần được bao bọc xung quanh bằng lưới chống côn trùng, đảm bảo độ thông thoáng và lưu thông không khí. Chuẩn bị đất Chọn đất thịt nhẹ, tơi xốp, thoát nước tốt. Đất nên phơi khoảng 7-10 ngày sau mỗi vụ trồng. Đất được cày sâu 40-50cm, tơi nhỏ, khử tuyến trùng bằng Ethoprophos 10% (2-3kg Mocap hạt 10%/1.000m2), khử vi khuẩn bằng Calcium hypochlorite (3kg/1.000m2) hoặc xử lý xông hơi bằng Metyl bromide. Lên luống cao, rộng 1,2m, bằng phẳng, tưới ẩm trước khi trồng. Chiếu sáng bổ sung Dùng bóng đèn 20W, khoảng cách giữa các bóng là 200x 250cm, độ cao của bóng so với mặt đất là 150cm. Thời gian chiếu sáng bổ sung khoảng 4-5 giờ/ngày tuỳ từng giống, thời tiết và mùa trong năm. Vào mùa hè, thời gian chiếu sáng bổ sung là 4 giờ/ngày, mùa đông là 5 giờ/ngày. Thời gian bắt đầu chiếu sáng bổ sung tốt nhất từ 22 giờ đến 2 giờ sáng. Giống C05.1 sinh trưởng khoẻ, đạt chiều cao cần thiết sau trồng nhanh nên chỉ chiếu sáng bổ sung 15-20 ngày. Cây giống Để sản xuất hoa cúc cắt cành đạt chất lượng cao, cây giống phải được sản xuất từ vườn cây mẹ trẻ, sạch bệnh và đồng đều về kích thước (12-13cm). Cây được trồng với mật độ 35.000-40.000 cây/1.000m2. Tưới nước Nước tưới phải đảm bảo sạch, cách ly với nguồn rác thải, nếu cần phải xử lý trước khi dùng. Hệ thống tưới: Cần trang bị hệ thống tưới và chế độ tưới nước phù hợp với các giai đoạn sinh trưởng và phát triển của cây. Ngay sau khi trồng, trong thời kỳ cây con nên duy trì ẩm độ đất 70-80%. Giai đoạn sau, khi cây đã bén rễ và cứng cáp, duy trì ẩm độ 60-70%. Tưới nhỏ giọt là phương pháp tốt nhất đảm bảo ẩm độ đất, cung cấp đủ nước cho cây mà không tạo độ ẩm không khí cao, dễ phát sinh sâu bệnh. Cây mới trồng trong 10 ngày đầu cần tưới nước 2 lần/ngày vào sáng sớm và chiều mát, giúp cây bén rễ nhanh. Cây trồng sau 10 ngày, tưới nước tuỳ theo mùa trong năm, mùa nắng cần tưới 2-3 ngày/lần, mùa mưa 4-5 ngày/lần. Tưới nước vào buổi sáng để tránh ướt lá, hạn chế sự phát triển của nấm bệnh. Phân bón Lượng phân cần bón cho 1000m2: phân chuồng 4-5m3; vôi: 100-150kg; phân hữu cơ vi sinh 30kg; magiê sulphat 3kg; phân hoá học 25kg đạm - 15kg lân - 20kg kali. Lượng phân hoá học trên là lượng nguyên chất, có thể điều chỉnh tuỳ theo độ phì sẵn có của đất. Khi bón có thể sử dụng phân đơn (urê, kali, lân) hoặc hỗn hợp NPK, DAP, SA, Nitrophoska, Ca(NO3)2. Phương pháp bón Bón lót toàn bộ phân chuồng, vôi, phân vi sinh, magiê sulphat, supper lân (không bón vôi chung với phân chuồng, lân và các phân hoá học khác). Lượng N:P: K còn lại chia cho 3 lần bón vào các giai đoạn 15, 30 và 45 ngày sau trồng. Bổ sung thêm phân bón lá và vi lượng bằng cách phun Atonik, Miracle, Ba lá xanh, Tinh phân cá định kỳ 10-12 ngày/lần hoặc khi phát hiện cây có các biểu hiện thiếu vi lượng (phun lúc chiều mát và tưới rửa lá vào sáng sớm hôm sau để hạn chế sự phát triển của nấm bệnh, phun trước khi cây đóng nụ). Thu hoạch Thu hoạch khi trên cành nở 2-3 hoa, thu vào sáng sớm hoặc chiều mát. Trong những ngày mát trời thì có thể thu hoạch vào các thời điểm khác. Hoa sau khi cắt khỏi cây mẹ phải được cắm ngay vào nước có chất xử lý Flocare-NH và đưa vào nơi thoáng mát. Phân loại, đóng gói theo yêu cầu của khách hàng và đóng vào thùng carton khi vận chuyển đi xa. Nếu chưa vận chuyển ngay nên để hoa trong kho lạnh giữ nhiệt độ 3-4 độ C và cắm hoa trong dung dịch bảo quản Flocare-NH. Nếu vận chuyển xa nên vận chuyển bằng xe lạnh ở nhiệt độ 3-4 độ C hoặc vận chuyển vào ban đêm. |