"Hợp duyên" với thành phố hoa
Khi chúng tôi hay tin thì 6 loại nho đặc chủng (nhưng rất khó trồng) là Syrah, Merlot, Cabernet, Caladoc, Alphonese la vallée và Muscat d'alexandri đã "định cư" trên diện tích 12 ha ở xã Tà Nung (TP Đà Lạt, Lâm Đồng) được gần 4 tháng. Đây là kết quả mang tính đột phá của Công ty TNHH nho Đà Lạt, liên doanh giữa Công ty cổ phần rượu bia Đà Lạt (Đà Lạt Beco) và Công ty SCEA De La Cote (Pháp).
Chỉ cách trung tâm TP Đà Lạt khoảng 25 km, nhưng con đường đến với trang trại nho này lại khá gian nan. Có đoạn chỉ chừng 4 km nhưng phải vượt đến 4 con dốc dựng đứng. Đồi đất tại tiểu khu 161 dấu vết san ủi vẫn còn mới nguyên, nhưng trên đó đã có đến 45 ngàn gốc nho xanh mơn mởn bám rễ đâm chồi. Dạo quanh trang trại một vòng, ông Trần Phú Lộc tự tin: "Đến lúc này đã khẳng định cây nho Pháp định cư được ở đây rồi".
![]() Khi ở trong vườn ươm, những cây nho này đã cho trái - Ảnh: G.B |
Tháng 12.2007, 50 ngàn cành nho đã được nhập từ Pháp về Đà Lạt và được đưa vào nhà kính chăm sóc, đến tháng 3.2008 mới chính thức đưa ra trồng. "Toàn bộ quy trình kỹ thuật, chăm sóc, bón phân, phòng trừ sâu bệnh đều do ông Daniel quyết định. Cây nho trồng ở Tà Nung không những có tỷ lệ cây chết thấp (chỉ 5%, so với tỷ lệ chết bên Pháp đến 10%), mà còn có tốc độ tăng trưởng gấp đôi so với trồng bên Pháp", ông Lộc cho hay.
Triển vọng rượu vang chất lượng cao
Theo ông Daniel, ở Pháp cây nho ngủ đông mất 6 tháng nên thu hoạch chỉ được 1 vụ/năm, tuổi thọ của cây khoảng 50 năm, còn ở Tà Nung nhiệt độ rất tốt (ngày nóng đêm lạnh), nên 1 năm có thể thu hoạch 2 vụ dù tuổi thọ của cây chỉ còn khoảng 20 năm. "Hiện chúng tôi đang nghiên cứu thêm về thị trường, sẽ phấn đấu trồng hơn 100 ha diện tích nho ở đây", ông Daniel cho biết. |
Lâu nay nguyên liệu chính để làm rượu vang Đà Lạt là nho ở Ninh Thuận và trái cây đặc sản ở địa phương. Điều này theo ông Lộc thì giống như "lấy nếp nấu cơm" nên không thể có được rượu vang chất lượng cao đạt tiêu chuẩn quốc tế. "Nếu nhập khẩu nguyên liệu thì lại không thể nhập nước cốt nho nguyên chất mà chỉ có thể nhập nước cốt nho đã cô đặc (qua chế biến) nên chất lượng không thể đảm bảo hoàn toàn, hơn nữa nhập trái nho thì dễ hỏng và chi phí lại cao", ông Lộc cho biết. Phương án nhập nguyên liệu không khả thi nên tốt nhất là trồng cây nho đặc chủng này ngay trên đất Đà Lạt.
Dự kiến, đầu năm 2009 trang trại nho này sẽ cho thu hoạch lứa đầu tiên và đến cuối năm 2009 sẽ có mẻ rượu vang đầu tiên. Năm đầu tiên năng suất đạt khoảng 10 tấn/ha, đến năm thứ 3 trở đi năng suất ổn định khoảng 30 tấn/ha. Khả năng cạnh tranh của loại rượu vang này khả quan vì chi phí đầu tư thấp.