Thành luỹ của làng
Men theo triền đê sông Luộc thuộc địa phận xã Vĩnh Long, một màu xanh ngút ngàn hiện ra trước mắt tôi. Vùng đất bãi ven sông được phủ kín tre măng Bát độ.
Xã Vĩnh Long nằm dọc điểm xung yếu nhất của sông Luộc. Trước đây, người dân phải sống chung với lũ. Con đê không chống đỡ nổi nên mùa màng thất bát quanh năm. Đời sống của bà con rất khó khăn.
Năm 2002, Hội Chữ thập đỏ thành phố Hải Phòng có chương trình hỗ trợ trồng cây chắn sóng. Tre măng Bát độ được đưa vào trồng ở khu vực bãi ngoài đê thuộc địa phận xã Vĩnh Long với diện tích hơn 6 mẫu (1 mẫu =3.600m2). “Từ ngày vùng bãi được trồng tre măng Bát độ, chúng tôi yên tâm hơn nhiều. Bởi chúng góp phần chắn sóng, giảm tác hại đối với con đê”, ông Phượng phấn khởi nói.
Chị Hường đang chăm sóc ruộng rau, chỉ tay về phía khu trồng tre măng Bát độ nói: “Bãi đất này trước toàn cỏ dại, không canh tác được gì. Giờ đây, tre măng Bát độ đã phủ kín”.
Giàu lên từ măng tre Bát độ
Anh Nguyễn Đức Thạo ở thôn Lô Đông là một trong những người đầu tiên nhận thầu vùng bãi trồng tre măng Bát độ sau khi dự án bị phá sản do quản lý kém và sự thiếu ý thức của một số người dân. Khi đó không ai dám đứng ra thầu khu tre măng còi cọc. Vợ chồng anh cặm cụi đắp bờ bao, lấy bùn, bón phân… Qua bàn tay của anh, khu tre măng đã hồi sinh, phát triển xanh tốt. Năm 2005, do gia đình anh mở rộng diện tích trồng hoa nên nhượng lại cho gia đình anh Nguyễn Đức Cảnh thầu.
Vốn là nhân viên Hạt quản lý đê điều, anh Cảnh hiểu rõ lợi ích của việc trồng tre măng Bát độ đối với con đê. Lúc đó nhiều người đã ngăn cản anh. Bỏ ngoài tai, anh vẫn quyết tâm thầu lại. “Không có người quản lý, vùng tre măng đến gốc cũng chẳng còn”, anh Cảnh tâm sự. Để có kỹ thuật, anh tìm đến các mô hình trồng tre măng Bát độ có hiệu quả để học hỏi. Khi đã tích luỹ đủ kinh nghiệm, anh bắt tay vào làm. Sở hữu vùng trồng tre măng Bát độ 1ha, anh đào bỏ gốc còi cọc, nhập giống mới về trồng với mật độ 500 gốc/ha (18 gốc/sào). Khởi đầu khó khăn do vốn hạn chế, anh huy động thêm của gia đình và vay ngân hàng được 30 triệu đồng, thuê người nâng cấp bờ bao khoanh vùng, bơm bùn để có đất cho măng ăn. Năm 2006, gia đình anh thu được 15 tấn măng, lãi gần 50 triệu đồng. Tận dụng diện tích đất bãi rộng, anh nuôi gà, vịt, ngan, ngỗng… Mỗi năm nguồn thu từ chăn nuôi đạt gần 20 triệu đồng.
Cùng thầu diện tích tre măng Bát độ với gia đình anh Cảnh còn có gia đình các ông Trần Đăng Chiến, Trần Đăng Sung. ông Chiến chia sẻ kinh nghiệm: “Để tre ra nhiều măng, cần cắt tỉa cây nhỏ và cành, lá cách mặt đất 40-50cm cho thoáng gốc. Sau đó cuốc xới moi hết đất xung quanh cách gốc 40-45cm, chặt đứt toàn bộ vùng rễ ở độ sâu 20-25cm. Để đất khô khoảng 10 ngày, sau đó bón phân. Măng mọc cách mặt đất 5-10cm là thu hoạch”. Là vùng đất bãi phù sa nên măng mọc nhanh và to. Bình quân mỗi gốc cho thu hoạch 25-27kg măng. Nguồn thu từ măng Bát độ giúp gia đình ông Chiến, ông Sung thoát khỏi đói nghèo.