Trù phú Chư Sê
Được đăng : 03/11/2016
Ngã ba Cheo Reo, nơi giao điểm hai quốc lộ 14 và 25, bây giờ là khu vực dân cư khá sầm uất. Dọc hai bên quốc lộ đang mọc lên nhiều ngôi nhà hiện đại, ẩn mình bên những vườn tiêu xanh bạt ngàn. Ðó là một phần của Chư Sê hôm nay.
Vùng đất mầu mỡ
So với nhiều địa phương khác trên địa bàn tỉnh Gia Lai, huyện Chư Sê có nhiều lợi thế để phát triển cây công nghiệp dài ngày, trong số này, phải kể đến hai loại cây trồng chủ lực là hồ tiêu và cao-su. Chỉ tính hồ tiêu, đến nay, trên địa bàn huyện đã có gần 3.000 ha, cho sản lượng hằng năm 12.000 tấn, bảo đảm chất lượng để xuất khẩu và là cây trồng đem lại hiệu quả cao cả về kinh tế lẫn tính ổn định lâu dài, giúp người dân không chỉ xóa đói, giảm nghèo, mà còn vươn lên làm giàu chính đáng. Ðã có nhiều hộ làm giàu từ cây hồ tiêu với mức thu nhập bình quân hơn 300 triệu đồng/năm; cá biệt, có hộ thu nhập gần một tỷ đồng. Ông Nguyễn Văn Khoa, quê ở xã Mỹ Tài, huyện Phù Mỹ, lên xã Nhơn Hòa lập nghiệp từ năm 1976, với hai bàn tay trắng. Gom góp số vốn ít ỏi được 1,5 triệu đồng, ông mua nhà và thuê hai sào đất trồng lúa. Năm 1987, ông chuyển sang trồng 70 trụ tiêu trong vườn, may sao được giá, ông quyết định đầu tư trồng thêm 2.000 trụ tiêu... và cho đến nay, vườn tiêu của nhà ông với gần 5.000 trụ, mỗi năm cho thu nhập hơn 800 triệu đồng. Ông Nguyễn Văn Chiến, ở tổ 2, thị trấn Chư Sê, quê ở Thừa Thiên - Huế vào Chư Sê những ngày đầu làm ăn rất khó khăn và tích cóp được ít vốn, ông bắt đầu trồng hồ tiêu và cà-phê. Ðến năm 2004, ông chính thức thành lập trang trại gồm bốn ha với 1.400 trụ tiêu, 3.000 cây cà-phê và nuôi gần 700 con lợn, chưa kể cửa hàng bách hóa ở trung tâm huyện. Năm 2005, mặc dù giá nông sản thấp, ông vẫn thu lãi 700 triệu đồng... Không chỉ có đồng bào Kinh biết làm ăn, đồng bào dân tộc thiểu số ở đây cũng bắt kịp và vươn lên trở thành những tấm gương điển hình về vượt khó làm giàu để cộng đồng noi theo, như: Anh Ra Lan Kót, làng Tao, xã Ia Phang, có 2.000 trụ tiêu, mỗi năm thu năm tấn tiêu hạt, cộng với số tiền thu được từ 1,5 ha ruộng nước, ba ha ngô lai, mỗi năm, gia đình anh thu 100 triệu đồng. Kpă Phái, làng Del, xã Ia Glai, trồng 2.100 cây cà-phê, 500 trụ tiêu, gần 400 cây điều, thu nhập hằng năm hơn 100 triệu đồng. Chị Nay H'Jui, xã Ia Hrú, với 2.000 trụ tiêu, một ha cà-phê, một ha ngô lai, sắn đã cho gia đình chị thu nhập 100 triệu đồng/năm. Ngoài trồng hồ tiêu xuất khẩu, Chư Sê còn là địa phương đi đầu tỉnh Gia Lai về phát triển các loại cây công nghiệp dài ngày và ngắn ngày như: cao-su với 8.164 ha sản lượng 7.000 tấn mủ/năm; cà-phê 11.000 ha, sản lượng xuất khẩu hằng năm lên đến 20.000 tấn; ngô lai 4.000 ha, cho sản lượng hằng năm 22.000 tấn; bông vải 1.000 ha. Những năm qua, nhờ khai thác các thế mạnh, tiềm năng sẵn có trên địa bàn nên các lĩnh vực nói chung, ngành nông nghiệp và dịch vụ nói riêng của Chư Sê có bước phát triển mạnh mang lại hiệu quả cao, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế từ 8% năm 2002 lên 11,75% năm 2005. Trong đó nông nghiệp tăng 8,4%, công nghiệp xây dựng tăng 23,2 %, thương mại - dịch vụ tăng 30%, quy mô nền kinh tế tăng gấp 1,78 lần. Ðến nay, 20 xã, thị trấn và 95% số thôn, làng có đường ô-tô; 100% số xã có điện sinh hoạt và điện thoại; 91,5% số thôn, làng có điện lưới quốc gia, 90% số hộ được dùng điện. Tỷ lệ đói nghèo trong toàn huyện hiện chỉ còn 11,7% (theo tiêu chí cũ).
Ðịnh hướng cho tương lai
Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch UBND huyện Chư Sê Nguyễn Dũng cho biết: Xác định rõ các thế mạnh, tiềm năng còn khá lớn, trong định hướng sắp tới, huyện sẽ tập trung đầu tư phát triển các lĩnh vực chế biến sản phẩm xuất khẩu, như: Cà-phê, hồ tiêu, đá gra-nít, thức ăn gia súc; đầu tư làm thủy điện vừa và nhỏ; phát triển các loại hình du lịch sinh thái với phương châm gắn kết năm nhà: Nhà nông, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà nước và nhà tín dụng. Ngoài khu công nghiệp đã được tỉnh phê duyệt, với diện tích 51,1 ha, huyện tập trung đầu tư cho hai vùng kinh tế động lực là Nhơn Hòa và Bờ Ngoong, thành lập thị trấn Nhơn Hòa, Ia Le và các trung tâm cụm xã ở Bờ Ngoong, Ia Ko để có sự đầu tư thỏa đáng, phù hợp sự phát triển chung của cả vùng. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 13 doanh nghiệp có cơ sở sản xuất, kinh doanh đi vào ổn định. Ðể khai thác tiềm năng, thế mạnh sẵn có, những năm qua, huyện chú trọng việc mời gọi các nhà đầu tư bằng các chính sách ưu đãi hợp lý, cơ chế thông thoáng, cho nên đã thu hút được một số nhà đầu tư đến từ nhiều địa phương như: Công ty cổ phần dịch vụ - xuất nhập khẩu Phú Nhuận (TP Hồ Chí Minh) đầu tư xây dựng nhà máy chế biến tiêu sạch xuất khẩu hiện đại, công suất 5.000 tấn/năm; Nhà máy chế biến bông sợi vải (Tổng Công ty bông Việt Nam) công suất 15.000 tấn/ năm;... Từ các nguồn lực nêu trên, huyện đã thu hút hơn 480 tỷ đồng để đầu tư cho xây dựng kết cấu hạ tầng như điện thắp sáng, đường giao thông; đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến mủ cao-su, cà-phê chất lượng cao, bông, tiêu sạch, thủy điện nhỏ... Nhờ sản xuất phát triển, thu ngân sách của huyện hằng năm đều tăng. Năm năm qua, thu ngân sách tại địa phương luôn bảo đảm ở mức hơn 154 tỷ đồng, chỉ đứng sau TP Plây Cu.
Chủ tịch UBND huyện cho biết thêm, những năm qua, huyện đã xúc tiến việc tạo dựng thương hiệu riêng cho hồ tiêu. Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, Viện Khoa học - Kỹ thuật nông, lâm nghiệp qua khảo sát thực tế ở Chư Sê đã đánh giá bước đầu: Ở Chư Sê diện tích vườn tiêu dưới 5 tuổi chiếm số lượng khá lớn, năng suất bình quân đạt từ năm đến sáu tấn/ha. Về chất đất, độ màu mỡ, các nhà chuyên môn cho rằng, rất phù hợp để phát triển cây tiêu Chư Sê thành vùng nguyên liệu tập trung chất lượng cao. Cho đến nay, quá trình xây dựng thương hiệu "Hồ tiêu Chư Sê" đã được các bên liên quan hoàn tất và đăng ký với Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam, sắp tới, thương hiệu "Hồ tiêu Chư Sê" sẽ chính thức được công bố, mở ra triển vọng mới cho người sản xuất; đồng thời khẳng định một thế mạnh về phát triển kinh tế của Chư Sê.
Cách TP Plây Cu 38 km, Chư Sê có hệ thống giao thông khá thuận tiện, nơi tiếp giáp giữa hai quốc lộ 14 và 25. Do vậy, trong tương lai gần, nơi đây sẽ là trung tâm nối các vùng kinh tế thành phố, đô thị lớn ở cao nguyên như TP Plây Cu, Buôn Ma Thuột (Ðác Lắc), Tuy Hòa (Phú Yên). Một Chư Sê phát triển trù phú với một sắc thái, dáng vẻ đô thị riêng đang dần hiện hữu.