00:00 Số lượt truy cập: 3228831

Trung Tú ngày mới 

Được đăng : 03/11/2016
Trung Tú (huyện Ứng Hòa) những ngày thu lịch sử, địa bàn trung tâm của Khu Cháy Anh hùng giờ đang trên đà “thay da đổi thịt”. Một sức sống mới đang hiện hữu, sinh sôi trên vùng đất trũng với biết bao điều đáng nói.


Tuyến tỉnh lộ 75 qua xã đang được nâng cấp, hoàn thiện; khu đồng trũng giờ đã là cả một vùng chuyển đổi cho hiệu quả cao; thôn Cao Xá đang chuẩn bị đề nghị UBND tỉnh công nhận làng nghề; thôn Dũng Cảm, địa phương từng là “điểm nóng” rất phức tạp giờ cũng đã sang một trang mới. Tất cả đang tạo nên những bước đi vững chắc trong sự nghiệp CNH - HĐH nông nghiệp, nông thôn ở Trung Tú.

Chợ Cháy, ngôi chợ mới được đầu tư xây dựng tuy chưa thật khang trang, hiện đại như những chợ trung tâm các vùng đô thị nhưng vẫn là niềm tự hào của người dân Trung Tú. Cảnh bán, mua tấp nập. Rồi quần áo, đồ điện, xe đạp... xếp ngang dọc trong những gian hàng, những ngôi nhà dọc hai bên “phố làng”. Một sức sống mới của vùng quê sung túc đang hiện hữu là minh chứng sinh động lời đồng chí Nguyễn Hải Truyền, Chủ tịch UBND xã: Trung Tú đi lên bằng sự phát triển toàn diện, từ chuyển đổi mô hình sản xuất nông nghiệp với vùng sản xuất đa canh; phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp làm đồ mộc cao cấp, khảm trai mỹ nghệ, mây, tre, giang đan, đẩy mạnh thương mại, dịch vụ và cả xuất khẩu lao động. Chưa phải là xã thực sự giàu có, nhưng nếu so sánh nền kinh tế của Trung Tú hôm nay với gần chục năm trước thì đó đã là sự cố gắng, nỗ lực vượt bậc của một địa phương vùng Khu Cháy vốn thuần nông, còn nhiều khó khăn.

Câu chuyện dồn điền đổi thửa, phát triển “làng lính đa canh” ở Trung Tú nhắc lại giờ vẫn như một điều không tưởng với nhiều người. Với 631,8ha đất canh tác của 1.735 hộ, 7.129 khẩu sản xuất nông nghiệp, trước đây ở Trung Tú, bình quân mỗi hộ có tới 10 - 14 thửa ruộng ở nhiều vị trí khác nhau. Ruộng đất manh mún, hiệu quả sản xuất không cao là đòi hỏi tất yếu dẫn đến việc dồn điền, đổi thửa. Từ thành công mô hình điểm ở thôn Thanh Hội năm 2003, Trung Tú bắt tay vào triển khai mạnh ra toàn xã trên cơ sở chấp hành đúng chủ trương, kế hoạch của lãnh đạo huyện Ứng Hòa cũng như bàn bạc dân chủ trong tập thể, nhân dân địa phương. Một đề án chuyển đổi thích hợp theo hướng: Bình đội chênh lệch diện tích, chênh lệch sản lượng, giữ nguyên số khẩu nhận ruộng, mỗi hộ gia đình chỉ còn 1 - 4 thửa, ưu tiên hộ gia đình chính sách được nhận ruộng gần, tốt, tạo điều kiện cho những hộ họ hàng, tâm đầu ý hợp nhận gọn vùng... được đề ra. Kết quả thật bất ngờ, cả 8 thôn trong xã từ chỗ có 17.148 ô thửa đã giảm xuống còn 6.496 ô thửa, 126ha được quy hoạch gọn vùng chuyển đổi sang mô hình sản xuất đa canh.

Trong những ngày sôi động dồn điền đổi thửa ấy, chất lính ở Trung Tú được phát huy, đi đầu trong phong trào chuyển đổi mô hình trang trại vùng ruộng trũng. Hội Cựu chiến binh xã đã mạnh dạn huy động hội viên cùng nhau “ra đồng dựng làng lính”. Những khu “làng lính đa canh” đã ra đời trên cánh đồng thôn Thanh Hội với diện tích hơn 30 ha của 35 hộ gia đình cựu chiến binh cùng nhiều khu của các thôn khác trong xã. Điển hình “làng lính đa canh” ở Trung Tú đã được giới thiệu trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng Trung ương, của tỉnh.

Nhưng, cũng vào giữa thời điểm đó, “điểm nóng Dũng Cảm” với những bất ổn, sai phạm của “trưởng thôn” Mai Văn Úc và đồng bọn bùng phát. Nhờ sự quyết tâm, vào cuộc của các cấp ủy Đảng, chính quyền và những người dân chân chính, trật tự, kỷ cương ở Dũng Cảm đã được xác lập trở lại. Mai Văn Úc cùng những cá nhân có sai phạm phải ra trước vành móng ngựa nhận những bản án đích đáng. Quá trình hồi sinh của thôn Dũng Cảm cũng thật nhanh. Cuối năm 2005, Dũng Cảm hoàn thành dồn điền đổi thửa, địa phương ổn định trở lại, phong trào xây dựng đời sống văn hóa, phát triển kinh tế lại khởi sắc. Bên trang trại lúa - cá - vịt - lợn

của gia đình ngay nơi đầu làng Dũng Cảm, Trưởng thôn Nguyễn Khắc Thuật phấn khởi cho biết: Hai vụ lúa rồi, thôn đều đạt năng suất cao nhất ở xã, thôn cũng có hơn 20 hộ phát triển mô hình sản xuất đa canh đạt giá trị tới 50 - 60 triệu đồng/ha canh tác, việc đối chiếu công nợ, thu hồi nợ đang từng bước hoàn thành.

Cùng với phát triển kinh tế nông nghiệp, ngành nghề nông thôn cũng đang dần bám hộ, bám làng ở Trung Tú. Thôn Cao Xá tiếp thu nghề khảm trai từ Chuyên Mỹ (Phú Xuyên) đến giờ đã có hơn 60% số hộ gia đình làm nghề, tạo nên những sản phẩm đồ mộc, khảm trai mỹ nghệ hấp dẫn. Một lớp học nghề đan guột tế do ngành Lao động Thương binh xã hội tỉnh cùng một doanh nghiệp ở Phú Túc (Phú Xuyên) tổ chức vừa hoàn thành, hứa hẹn tạo việc làm hiệu quả cho người dân lúc nông nhàn. Bên cạnh đó, hơn 200 con em trong xã đi xuất khẩu lao động cũng mang lại nguồn thu nhập đáng kể, tạo động lực cho Trung Tú vươn lên. Đợt tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng vừa qua, Trung Tú có hàng chục em trúng tuyển.

Sức vươn của Trung Tú hôm nay chính là nhờ tinh thần đoàn kết, qua thử thách càng gắn kết hơn, giúp chính quyền, đoàn thể và nhân dân Trung Tú cùng quyết tâm vì sự ổn định và phát triển. Một thời kỳ mới, một khí thế mới đang mở ra với công cuộc xây dựng kinh tế, văn hóa, xã hội. Người người, nhà nhà, các xóm, thôn ở Trung Tú đang cùng thi đua thực hiện mục tiêu: “Xây dựng Trung Tú giàu đẹp, văn minh” trở thành điển hình nông thôn mới./.