00:00 Số lượt truy cập: 3227681

Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp 

Được đăng : 03/11/2016
Để giúp nông dân chuyển dần sang sản xuất hàng hoá, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm tăng nhanh năng suất, chất lượng cây trồng vật nuôi, Trung tâm Khuyến nông Quảng Ninh đang triển khai thực hiện nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao.




Các mô hình khuyến nông trồng trọt đã tập trung vào chuyển đổi cơ cấu giống, cơ cấu mùa vụ, trồng cây vụ đông với mục đích là hướng dẫn nông dân sử dụng các quỹ đất hợp lý tránh bất lợi về thời tiết. Năm 2006, Trung tâm đã thực hiện thành công mô hình đậu tương đông thiểu canh trên đất hai vụ lúa tại huyện Đông Triều với qui mô 39 ha. Đây là mô hình mới nông dân Quảng Ninh chưa quen làm vì vậy Trung tâm đã tổ chức chỉ đạo chặt chẽ, hướng dẫn kỹ thuật cụ thể, đặc biệt là kỹ thuật gieo, trồng và phòng trừ sâu bệnh. Qua tổng kết mô hình đã đạt năng suất từ 50-75 kg/sào, thu lãi từ 240.000-325.800 đồng/sào. Mô hình trồng ngô nếp MX2 vụ đông (trên diện tích cấy lúa mùa trung) ở Tiên Yên đạt 30 triệu đồng/ha, tổng 2 vụ lúa 1 vụ ngô đông giá trị đạt 55-60 triệu đồng/ha. Một trong những hoạt động nổi bật trong hoạt động khuyến nông năm 2006 đó là Trung tâm đã triển khai thành công mô hình vải chín sớm tại xã Phương Nam (Uông Bí). Đây là loại vải quả to có u cuống, cây sinh trưởng khoẻ, quả có vị ngọt, thơm, năng suất trung bình cây 20 tuổi đạt 89,8 kg/cây (12-16 tấn/ha), thời gian chín sớm hơn vải thiều 1 tháng vì vậy không bị rớt giá khi vào thời gian chính vụ. Giá trị kinh tế bình quân cây 3 tuổi đạt 42 triệu đồng/ha, cây 5 tuổi đạt 115 triệu đồng/ha, cây 10 tuổi đạt 220 triệu đồng/ha. Qua mô hình này đã tuyển chọn được giống vải chín sớm và được Bộ NN&PTNTcông nhận là giống quốc gia.

Là tỉnh công nghiệp, du lịch có thị trường tiêu thụ nông sản lớn thích hợp cho phát triển chăn nuôi vì vậy trong những năm gần đây các mô hình khuyến nông về chăn nuôi đã tập trung vào chuyển giao tiến bộ khoa học, giống mới có hiệu quả kinh tế cao. Những mô hình này góp phần thay đổi tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ, manh mún thành chăn nuôi hàng hoá, tập trung vừa có hiệu quả kinh tế cao, vừa hạn chế dịch bệnh, tạo nhiều sản phẩm đảm bảo an toàn, sạch bệnh. Nhiều mô hình triển khai thực hiện đã được đông đảo bà con nông dân học tập như: Mô hình nuôi lợn siêu nạc, cải tạo đàn bò vàng địa phương, nuôi gia cầm sạch bệnh. Trước nguy cơ dịch cúm gia cầm chưa thể khống chế được, Trung tâm đã xây dựng mô hình chăn nuôi gà đặc sản sạch bệnh qui mô 2.000 con tại Hoành Bồ. Đây là giống gà quí hiếm, trọng lượng trưởng thành trên 1,2 kg/con, chất lượng thịt thơm ngon, dễ nuôi, kháng bệnh cao. Mô hình đang thu hút sự quan tâm chú ý không chỉ của bà con nông dân trong vùng mà nông dân một số địa phương khác và các chủ trang trại chăn nuôi của Uông Bí, Đông Triều, Yên Hưng đã đến tìm hiểu và học tập làm theo.

Mặc dù diện tích đất rừng của tỉnh lớn nhưng những năm qua do tốc độ khai thác quá nhanh nên diện tích rừng tự nhiên bị suy giảm nhanh chóng. Để giúp cho bà con nông dân ở các xã vùng cao, các mô hình khuyến lâm đã tập trung thực hiện thành công việc chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trồng các loại cây lâm nghiệp có hiệu quả kinh tế. Trong năm 2006, Trung tâm đã dành gần 400 triệu để triển khai thực hiện 4 mô hình khuyến lâm thâm canh rừng chất lượng cao tập trung vào các loại cây đang có ưu thế trên thị trường, đó là: Dó bầu, lát Mexico, trám ghép, tre bát độ. Bước đầu các mô hình đang được bà con nông dân tham gia thực hiện tốt.

Các mô hình khuyến nông công nghệ cao được triển khai thực hiện trong thời gian qua đều phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế, tập quán canh tác của nông dân; góp phần xây dựng và hình thành vùng sản xuất tập trung chuyên canh, cung cấp nguyên liệu cho ngành Than và một số nhà máy, đảm bảo cung cấp sản phẩm nông sản cho nhu cầu tiêu dùng trong tỉnh. Cùng với việc đưa các mô hình trồng cây, nuôi con chất lượng cao về cho bà con nông dân học tập làm theo, các mô hình khuyến nông, khuyến lâm đều tính đến khả năng bền vững về sản xuất tức là mô hình được phát triển nhân rộng; chống thoái hoá đất và bảo vệ môi trường sinh thái; tăng thu nhập đảm bảo an ninh lương thực tạo việc làm cho nông dân. Đồng chí Nguyễn Trung Thành, Giám đốc Trung tâm khuyến nông tỉnh cho biết: Thực hiện chương trình CNH-HĐH nông nghiệp và nông thôn, năm 2007 này Trung tâm xác định nhiệm vụ trọng tâm là chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng tăng nhanh chất lượng và giá trị hàng hoá, gắn chuyển đổi cơ cấu mùa vụ đi liền với đổi mới cơ cấu giống cây trồng vật nuôi, gắn công nghiệp chế biến với thị trường tiêu thụ. Trước mắt hoạt động khuyến nông sẽ dành nhiều kinh phí cho việc xây dựng các mô hình khuyến nông công nghệ cao như: Vải chín sớm, nhãn chín muộn, các loại cây rau, hoa cao cấp, lúa chất lượng, ngô giống mới. Mô hình chăn nuôi tập trung phát triển đàn lợn thịt hướng nạc, lợn nái ngoại, nhím, dê, bò lai sin, cải tạo và vỗ béo đàn bò vàng. Mô hình lâm nghiệp chú trọng phát triển cây có giá trị kinh tế cao, cây đa tác dụng phù hợp với điều kiện sinh thái ở địa phương. Vận động nông dân ứng dụng cơ giới hoá trong khâu làm đất, chế biến nông sản, phát triển kinh tế trang trại đồi rừng, phát triển mô hình nông-lâm kết hợp.