Với chủ trương bám sát nội dung Nghị quyết, xây dựng chương trình hành động cụ thể, sát với thực tiễn địa phương, xác định rõ mục tiêu... nhờ vậy đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong sản xuất nông lâm nghiệp, nâng cao đời sống nhân dân, kết cấu hạ tầng nông thôn không ngừng được củng cố. Bước chuyển rõ nét nhất là cơ cấu kinh tế nông nghiệp đã giảm tỷ trọng trồng trọt, tăng tỷ trọng lâm nghiệp, chăn nuôi. Trong sản xuất lương thực, tiếp tục đưa các giống tiến bộ vào sản xuất và huyện đưa các bộ giống lúa mới SH2, TBR1 vào trồng thí điểm trên diện tích 40 ha tại địa bàn 6 xã đạt năng suất 75 tạ/ha; nhân rộng diện tích gieo trồng giống lúa chất lượng cao Shéng Cù. Vùng cánh đồng Mường Lò, tập trung xây dựng và phát triển sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao trên 1 ngàn ha. Đối với các xã vùng cao, mở rộng diện tích gieo cấy lúa từ một vụ lên hai vụ, đạt 780 ha (tăng 30 ha so cùng kỳ); vùng thấp chuyển từ sản xuất 2 vụ lên 3 vụ/năm, đạt 2.114 ha. Nét mới trong sản xuất nông nghiệp là huyện đã mạnh dạn thí điểm dồn điền đổi thửa tại thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ với có trên 100 hộ dân tham gia và đã thực hiện được 17 ha. Toàn bộ diện tích đất này, trước đây là các ô ruộng nhỏ của nhiều hộ dân, nay đã được các hộ dồn đổi cho nhau tạo thành thửa ruộng lớn, rất dễ cho việc đưa máy móc vào làm đất, thu hoạch, áp dụng các biện pháp thâm canh năng suất lúa và sản xuất các loại rau mầu vụ 3, tạo giá trị thu nhập trên 100 triệu đồng/ha. Bên cạnh đó, huyện còn tăng cường mở các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hàng ngàn hộ dân. Năm 2009, tăng cường 15 kỹ sư chuyên ngành trồng trọt, chăn nuôi cho các xã, củng cố nâng cao chất lượng đội ngũ khuyến nông cơ sở. Thực hiện hỗ trợ 95 tấn giống lúa, đậu tương, ngô, 8 máy gieo xạ và hàng tấn ni lon chống rét cho mạ. Bằng những giải pháp, hướng đi tích cực, sản xuất nông nghiệp Văn Chấn năm 2009 giành thắng lợi lớn với tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 52.429 tấn, tăng 2.072 tấn so với cùng kỳ, bình quân lương thực đạt 350 kg/người/năm. Khi nói về phát triển nông - lâm nghiệp trong thời gian qua, ông Nguyễn Hợp Đoàn - Phó chủ tịch UBND huyện phấn khởi cho biết: “Sản xuất nông nghiệp ở Văn Chấn đã và đang hình thành tương đối rõ nét vùng sản xuất tập trung và áp dụng các giống tiến bộ, chất lượng cao vào sản xuất. Trong vụ đông này, đã có 80% diện tích ngô được gieo trồng bằng giống tiến bộ, năng suất ước đạt không dưới 30 tạ/ha. Trong sản xuất chè, đã trồng cải tạo và thay thế trên 1000 ha bằng giống mới, chiếm 25% diện tích. Chăn nuôi phát triển mạnh, tốc độ tăng trưởng liên tục đạt từ 7 - 9%/năm. Hình thành và phát triển nhiều trang trại chăn nuôi gà, trâu, bò, lợn hàng hóa với quy mô lớn. Ở vùng cao đã chuyển đổi trên 500 ha ruộng kém hiệu quả sang trồng lạc, đậu tương mang lại giá trị kinh tế cao. Hình thành vùng sản xuất cây ăn quả hàng hóa trên 3.112 ha, sản lượng đạt trên 12 ngàn tấn”. Không chỉ có bước chuyển trong sản xuất nông – lâm nghiệp mà hạ tầng nông nghiệp, nông thôn cũng không ngừng được hoàn thiện. Hệ thống tưới tiêu ở Văn Chấn rất tốt. Toàn huyện hiện có 750 km kênh mương nội đồng, phần lớn đã được kiên cố hóa, chủ động nước tưới cho 85% diện tích 3 vụ thâm canh (riêng cánh đồng Mường Lò tưới đảm bảo 100% diện tích); 100% số xã có đường ô tô đến trung tâm xã. Các xã, thị trấn đã và đang quy hoạch mạng lưới giao thông nông thôn đạt tiêu chuẩn mặt đường rộng 3,5m; số hộ dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh tăng từ 52% năm 2005 lên 75% năm 2009; 31/31 xã, thị trấn và 95% số hộ dân được dùng điện lưới quốc gia. Vừa qua, trong chuyến kiểm tra việc triển khai, thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về “tam nông” tại huyện Văn Chấn, đồng chí Nguyễn Văn Ngọc – Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy đã đánh giá cao việc triển khai thực hiện Nghị quyết của huyện và cho rằng tất cả các vấn đề “tam nông” đang có chuyển biến tốt; sản xuất nông nghiệp đã có quy hoạch phát triển gắn với hàng hóa có năng suất, chất lượng, hiệu quả. Xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội ngày càng phát triển và huyện cần tiếp tục phát huy kết quả này. Mặc dù đã có những bước chuyển khá toàn diện nhưng Bí thư Huyện ủy – Dương Văn Thống cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong “tam nông” mà huyện cần tiếp tục khắc phục và tháo gỡ như: số hộ đói nghèo vẫn còn cao (21,8%); lao động dư thừa trong nông thôn lớn; giá trị sản xuất bình quân đầu người đạt thấp và số người tham gia sản xuất lại nhiều (bình quân chỉ có 400m2 đất sản xuất/hộ); sức cạnh tranh sản phẩm nông nghiệp kém, chưa đáp ứng được nhu cầu đòi hỏi ngày một cao của thị trường; kiến thức về khoa học kỹ thuật, trình độ lao động trong nông thôn còn nhiều hạn chế, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, sản xuất vẫn mang tính quảng canh, tự cung, tự cấp; kết cấu hạ tầng nông thôn đã được cải thiện nhưng vẫn còn thiếu và yếu, chưa đáp ứng được cho phát triển... Trong thời gian tới và những năm tiếp theo huyện sẽ tích cực phối hợp với các ngành chức năng, chính quyền cơ sở từng bước tháo gỡ, phấn đấu đến năm 2015 đưa “tam nông” lên một tầm cao mới.