Đã vào cuối vụ thu hoạch, nhưng trong các vườn, triền đồi từ Cát Thịnh, thị trấn Trần Phú, Minh An đến Nghĩa Tâm, Thượng Bằng La vẫn vàng rực một màu cam chín. Cam được mùa lớn, nhưng người trồng cam lại chẳng mấy ai vui, cam rẻ quá, rẻ đến mức bán không đủ tiền thuê hái, đã vậy mà cũng không có ai mua.
Nhằm từng bước chuyển dịch cơ cấu cây trồng, nâng cao giá trị trên mỗi ha đất canh tác, huyện Văn Chấn (Yên Bái) đã quy hoạch và phát triển vùng cam, quýt tạo khối lượng hàng hoá lớn thuộc 8 xã vùng ngoài. Cam, quýt được trồng tập trung ở thị trấn Trần Phú, Nghĩa Tâm, Thượng Bằng La. Khi mới đưa vào trồng cây cam, quýt đã giúp nhiều gia đình nông dân thoát nghèo và làm giầu. Nhà xây, xe máy cũng từ cam mà có, nhiều hộ gia đình có mức thu vài trăm triệu đồng/năm.
Hiệu quả kinh tế từ loại cây mới này đã rõ, thế là nhà nhà trồng cam, quýt, lợi nhuận từ loại cây trồng này đã là “đòn bảy” nhiều hộ nông dân nghèo.
Cứ vào cuối tháng 12 dương lịch là cả vùng lại nhộn nhịp lạ thường, xe lớn, xe nhỏ, xe thô sơ nối đuôi nhau đổ về thị trấn Trần Phú thu mua cam. Người trồng cam hả hê, nhà ít cũng bán được vài triệu đồng, nhà nhiều cả trăm triệu đồng. Chỉ tính riêng năm 2007, người dân vùng cam thu hái gần 20 ngàn tấn cam, bán với giá bình quân 5 ngàn đồng/kg cũng thu cả trăm tỷ đồng.
Bước vào năm 2008, mặc dù giá vật tư, phân bón tăng khá cao, song người dân vùng cam Văn Chấn vẫn dốc hầu bao mua phân về bón cho cam hy vọng vào một mùa bội thu. Nhiều gia đình huy động hết vốn liếng tích cóp cùng với vốn vay ngân hàng về mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật bón thúc cho cam và mở rộng diện tích trồng mới. Tuy khí hậu đầu năm khắc nghiệt, rét đậm, rét hại kéo dài, sâu bệnh hoành hành song với sự nỗ lực của bà con nông dân những vườn, đồi cam vẫn lên xanh tốt, đơm hoa, kết trái.
Người dân phấn khởi, trông đợi, chờ mong và dõi theo cam lớn từng ngày. Song dường như niềm vui đó lại không mỉm cười với những hộ trồng cam bởi giá cam rớt thảm hại.
Gia đình ông Phạm Thanh Hưng, đội 7 thị trấn Nông trường Trần Phú có trên 3.000 gốc cam, năm 2007 gia dình ông thu bán được trên 70 triệu đồng. Thu nhập từ trồng cam đã giúp gia đình ông cải thiện đáng kể cuộc sống gia đình. Tiếp tục đầu tư, mở rộng diện tích với mong muốn cây cam sẽ là cây chủ lực trong phát triển kinh tế của gia đình. Bao nhiêu vốn liếng sau vụ thu hoạch cam năm trước, ông dồn hết vào đầu tư cho năm tiếp theo, để rồi mong ngóng cuối cùng vào vụ cam rẻ như cho. Đầu mùa bán xô còn được trên 5.000 đồng/kg, sau đó giá cam cứ rớt giá xuống còn 3.000, 2.000 và đến nay xuống còn 1.500 đồng/kg hái bán tại vườn mà vẫn không có người đến mua. Nhìn những quả cam đã đến ngày thu hái mà vẫn nằm trên cây, ông Hưng lắc đầu ngao ngán.
Hiệu quả từ cam là không thể phủ nhận bởi nó đã làm thay đổi diện mạo cả một vùng quê nghèo xưa kia, thế nhưng một bài toán về chuyển đổi cây trồng cho các xã vùng ngoài của huyện Văn Chấn vẫn còn nhiều điều đáng phải bàn bởi việc phát triển tràn lan, thiếu quy hoạch.. Diện tích trồng cam tăng nhanh nhưng giống lại không được quan tâm dẫn đến chất lượng thấp, cam ăn chua, nhiều hạt, lại lắm sơ không đáp ứng được yêu cầu của thị trường, sản phẩm không có sức cạnh tranh.