00:00 Số lượt truy cập: 3229941

Vạn Ninh, Khánh Hòa: Nỗi lo tôm hùm rớt giá 

Được đăng : 03/11/2016

Sau Tết Nguyên đán Kỷ Sửu, giá tôm hùm bỗng dưng “tuột dốc” thê thảm. Giá tôm chỉ bằng 1/2 so với trước, khiến người nuôi tôm hùm lo lắng. Mấy năm qua, dịch “tôm sữa” làm người nuôi tôm hùm “thất điên bát đảo”, nhiều người trắng tay; nay, cảnh rớt giá càng làm người nuôi tôm thêm lo lắng. Bên cạnh đó, nghề nuôi tôm hùm đang phải đối mặt với nạn ô nhiễm môi trường ngày càng tăng.


° SỐT RUỘT VÌ GIÁ HẠ

Anh Nguyễn Thành Thang (Đầm Môn, Vạn Thạnh, Vạn Ninh) đưa tôi ra chiếc bè nuôi tôm hùm. Đã nhiều năm nay, anh Thang cùng một người anh hùn vốn nuôi chung. Theo anh Thang, nghề nuôi tôm hùm cũng giống đánh bạc. Năm nào được giá, tôm ít hao hụt thì thắng lớn; năm nào giá hạ, tôm chết nhiều thì lỗ nặng. Anh lo: “Năm nay giá tôm hùm thương phẩm chỉ bằng 1/2 năm ngoái, nhưng đã đến kỳ thu hoạch. Cứ đà này, có làm giỏi lắm cũng chỉ huề vốn…”. Sau Tết Kỷ Sửu, giá tôm chỉ còn 1/2 so với trước Tết. Tôm hùm loại 1 (hơn 1 con/kg) giá chỉ còn 0,6 - 0,7 triệu đồng/kg so với 1,1 triệu đồng/kg trước Tết; tôm hùm loại 2 hạ còn 0,5 triệu đồng so với 0,8 - 0,9 triệu đồng trước đây. Vụ này, hai anh em anh Thang thả 1.000 con, 12 tháng qua, tôm phát triển bình thường, đạt trọng lượng bình quân 5 - 6 lạng, tỉ lệ hao hụt 20%. Anh hy vọng sẽ thu hoạch khá, nhưng với đà này e rằng chỉ huề vốn.

Anh Thang lo một thì chị Phan Thị Nguyệt (Đầm Môn, Vạn Thạnh) lo gấp đôi bởi vụ này, chị Nguyệt thả nuôi đến 2.000 con tôm hùm. Đến giờ này, tuy dịch tôm sữa đã được khống chế nhưng vẫn chưa dứt hẳn, tôm vẫn còn rụng chân và chết rải rác. Chị Nguyệt sốt ruột: “Tuy vụ này mua con giống rẻ hơn nhưng giá mồi (thức ăn) lại cao (25 - 30 ngàn đồng/kg cua; 15 - 20 ngàn đồng/kg cá tạp), tôm nuôi hao hụt lớn (30 - 40%). Trong lúc đó, giá bán tôm quá rẻ chắc không có lời, thậm chí lỗ…”. Đến thời điểm này, chị đã “đổ” xuống bè tôm của mình hơn 500 triệu đồng; trong đó, tiền giống 240 triệu đồng, tiền thức ăn 200 triệu đồng, tiền thuốc men, thuốc bổ, dầu mực hơn 60 triệu đồng. Còn 4 - 6 tháng nữa là đến kỳ thu hoạch, không biết giá có được cải thiện?

Nghề nuôi tôm hùm lồng là nghề chính của người dân xã đảo Vạn Thạnh. Số hộ nuôi tôm hùm chiếm 70%. Trong đó, thôn Đầm Môn có số lượng lồng bè nhiều nhất (hơn 1.000 lồng). Những năm trước đây, khi chưa xuất hiện bệnh tôm sữa, nghề nuôi tôm hùm phát triển rất mạnh, nhiều người thu được tiền tỷ. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, nghề nuôi tôm hùm lao đao vì dịch bệnh, vì ô nhiễm và giá cả thất thường, khủng hoảng tài chính toàn cầu… là những nguyên nhân dẫn đến tôm hùm mất giá. Thị trường Trung Quốc lâu nay ưa chuộng tôm hùm cũng đã từ chối. Bởi vậy, tôm hùm càng rớt giá thê thảm.

° ĐỐI MẶT VỚI Ô NHIỄM

Ngồi trên chiếc thuyền thúng bơi ra bè tôm, tôi quan sát thấy có rất nhiều tàu bè đậu san sát trong vịnh. Dầu cặn chảy ra từ tàu thuyền loang loáng mặt biển. Mùi dầu bốc lên nồng nặc pha trộn với mùi nước biển tanh nồng. Đây đó, những bịch nilon, rác thải nổi lềnh bềnh. Chị Nguyệt cho biết, chỉ có con đường trước nhà chị là có xe rác thu gom, còn các tuyến đường khác trong thôn hầu như không có. Vì vậy, rác thải của các hộ dân cứ thế đổ xuống biển một cách vô tư. Với đà này, chẳng mấy chốc, vịnh biển đẹp trở thành nơi chứa rác.

Chị Nguyệt và anh Thang không hiểu vì sao thời gian gần đây tôm hùm nuôi chậm lớn. Trước kia, mỗi vụ nuôi chỉ khoảng 15 - 16 tháng là có thể xuất bán, tôm hùm đạt loại 1, còn bây giờ phải nuôi đến 18 tháng mới đạt loại 1, thậm chí có bè phải nuôi tới 20 - 24 tháng (!) Chưa hết, tôm không những nuôi chậm lớn mà còn hao hụt cao. Tuy dịch tôm sữa đã được khống chế nhưng tôm hùm vẫn còn chết lẻ tẻ.

Dịch bệnh tôm sữa phát triển cũng là do nạn ô nhiễm gia tăng. Bè nuôi tôm hùm san sát, thiếu quy hoạch. Tàu bè neo đậu chung chạ với bè nuôi. Việc đổ thức ăn tươi sống xuống biển, tôm hùm không ăn hết sẽ quay lại đầu độc môi trường. Chính nguồn thức ăn thừa là nơi phát sinh dịch bệnh.

Theo ông Đào Văn Lương, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vạn Ninh, hiện nay, ô nhiễm các vùng nuôi tôm hùm đã trở thành phổ biến. Đây là sự trả giá của việc nuôi bừa bãi, mất vệ sinh, không theo quy hoạch. Bài học tôm sữa là minh chứng cho ý thức kém của người nuôi trong việc thu gom rác thải, thức ăn thừa và gây ô nhiễm môi trường. Huyện Vạn Ninh đã công bố quy hoạch vùng nuôi, tổ chức nhiều đợt tuyên truyền phổ biến quy hoạch. Tuy nhiên, chế tài xử lý vẫn chưa có nên việc chấp hành quy hoạch của người nuôi tôm không nghiêm. Quản lý quy hoạch và xây dựng Hiệp hội người nuôi tôm hùm là điều cần làm trong thời gian tới để tránh hiện tượng nuôi bừa bãi và thiếu thông tin về thị trường.