00:00 Số lượt truy cập: 3229529

Vạn Ninh (Khánh Hòa): Tôm trắng đỏ thân… người dân đỏ mắt 

Được đăng : 03/11/2016

Sau những vụ mùa nuôi tôm sú thất bát, mấy năm gần đây, toàn bộ diện tích ao đìa nuôi trồng thủy sản ở huyện Vạn Ninh được người dân chuyển đổi sang nuôi tôm thẻ chân trắng. Tuy lợi nhuận không cao như tôm sú, nhưng ranh giới giữa chuyện được mùa hay mất mùa vì đại dịch vẫn chưa rõ ràng nên người nuôi tôm cũng tạm yên lòng khi chọn nuôi tôm thẻ chân trắng. Thế nhưng, khi vụ nuôi tôm năm 2009 chỉ mới bắt đầu được hơn một tháng, toàn bộ diện tích 400/450 ha ao đìa nuôi, tôm đã bị chết trắng vì bệnh đỏ thân, tổng thiệt hại ước tính gần 24 tỷ đồng. Đây được xem là cơn đại dịch lớn nhất từ trước tới nay kể từ khi người dân Vạn Ninh bắt đầu nghề nuôi tôm.


Giàu nghèo lận đận theo tôm

Bắt đầu nghiệp nuôi tôm từ năm 1991, anh Nguyễn Văn Ẩn (thôn Hải Triều, xã Vạn Long, huyện Vạn Ninh) được xem như “lão làng” trong nghề nuôi tôm ở địa phương. Nhờ nuôi tôm, có một thời gian, anh Ẩn trở thành triệu phú, nhưng cũng vì con tôm mà gia đình anh đã tán gia bại sản. Còn nhớ cách đây hơn 10 năm, khi phong trào nuôi tôm sú đang thời hoàng kim, chỉ cần trúng một vụ tôm, anh Ẩn đã có trong tay hàng chục triệu đồng, thậm chí hàng trăm triệu đồng. Nhờ nuôi tôm, anh đã tậu được nhà cửa khang trang, mua sắm đầy đủ các tiện nghi đắt tiền, thậm chí chỉ 2 vợ chồng nhưng trong nhà có tới 3 chiếc xe máy xịn, trị giá hàng chục cây vàng. Từ năm 2000 đến nay, cùng với sự thoái trào của con tôm sú, dịch bệnh triền miên vì ô nhiễm môi trường, chất lượng tôm giống không đảm bảo, anh Ẩn và những người nuôi tôm ở Vạn Long liên tiếp phải gánh chịu những mùa vụ thất bát. Chỉ trong vòng 5 năm, từ năm 2000 - 2005, từ một đại gia có trong tay tiền tỷ, anh Ẩn bỗng chốc trắng tay vì nuôi tôm thua lỗ, bao nhiêu vốn liếng, tài sản đều đội nón ra đi, đất đai, nhà cửa, tài sản… đều phải bán đi để lấy tiền trả nợ. Thời gian này, do không còn khả năng tái sản xuất, nợ nần chống chất, anh Ẩn đành bỏ xứ lên Đắc Nông đi làm thuê cuốc mướn, vợ con cũng phải sang tá túc bên ngoại. Thế nhưng, đi làm thuê chưa được một năm, anh Ẩn vội vàng khăn gói về quê vì được bạn bè thông tin nuôi tôm thẻ chân trắng đang thắng lớn. “Bén duyên” với tôm thẻ chân trắng, 3 năm liên tiếp (2006 - 2008), anh Ẩn trúng liền mấy vụ tôm. Tuy lợi nhuận không cao bằng con tôm sú, nhưng bấy nhiêu đó cũng giúp anh trả gần hết số nợ đã vay trước đó. Vụ tôm năm nay, với 6.500m2 diện tích, anh quyết định đầu tư lớn khi thả tới 40 vạn tôm Post giống. Với số lượng lớn như vậy, nếu thắng vụ này, anh Ẩn sẽ trả hết số nợ còn lại và còn một số vốn kha khá để tiếp tục tái sản xuất. Hy vọng là thế, nhưng sau gần 2 tháng thả nuôi, khi gần đến kỳ thu hoạch thì tự dưng tôm nổi trắng đìa rồi chết sạch. Sốt ruột, anh Ẩn gắng gượng vay mượn anh em, bạn bè, tiếp tục thả nuôi 40 vạn tôm giống lần thứ 2. Thế nhưng, vừa thả được 20 ngày thì toàn bộ số tôm này cũng “ra đi” vì dịch, khiến anh một lần nữa lâm vào cảnh trắng tay. Mấy ngày nay, anh Ẩn cứ như người mất hồn, hết đi ra lại đi vào, buồn bực trong lòng. Không có việc gì làm, anh lại ra trại tôm, sửa sang, vệ sinh lại ao đìa, chờ mai mốt hết dịch để tiếp tục thả nuôi. Ngoài nghề nuôi tôm, vợ chồng anh không có thu nhập gì thêm để lo cho cuộc sống và mấy đứa con đang tuổi học hành. Không giấu nổi nét lo lắng hằn trên khuôn mặt đen sạm bởi nắng và gió biển - anh buồn bã tâm sự: “Còn gì đâu nữa hả chú, nhà cửa cũng tiêu hết rồi, không liều mạng nuôi tiếp thì đào đâu ra tiền để trả nợ. Sau hơn 18 năm gắn bó với con tôm sú, tôm thẻ chân trắng, được cũng nhiều, mất không phải là ít, thế nhưng chuyện dịch bệnh khiến cho toàn bộ diện tích nuôi tôm ở trong xã cùng lúc mất trắng thì đây là lần đầu tôi chứng kiến”.

Chết một vùng tôm

Ghi nhận của chúng tôi tại cánh đồng tôm ở thôn Hải Triều, Vạn Thọ…, hầu hết các trại tôm đều vắng bóng người, cửa đóng im ỉm, guồng máy vứt chỏng chơ, lác đác đâu đó có vài người đang đi kiểm tra, vệ sinh lại ao đìa để chuẩn bị cho vụ thả tôm mới. Dẫn chúng tôi đi dạo một vòng quanh cánh đồng tôm Hải Triều, anh Võ Tám, Chủ tịch Hội Nông dân xã Vạn Long cho biết: “Xã Vạn Long có hơn 450 hộ làm nghề nuôi tôm. Vụ tôm 2009, toàn xã thả nuôi 90 ha tôm thẻ chân trắng, sau hơn một tháng phát dịch, toàn bộ diện tích thả nuôi đều bị chết trắng, tổng thiệt hại ước tính hơn 4,5 tỷ đồng. Trong đợt dịch bệnh này, ngoài một số ít hộ nuôi sớm, tôm gần đến kỳ thu hoạch nên bán được với giá từ 25 - 30 ngàn đồng/kg, số còn lại đều trắng tay. Tuy nhiên, có không ít hộ, tuy tôm đã lớn, nhưng vì không có người thu mua nên phải đi bán rong với giá 15 - 18 ngàn đồng/kg; thậm chí còn phải thuê người về lột vỏ đem phơi để dành ăn dần và bán cho các hàng hải sản khô ở chợ”.

Theo người nuôi, để nuôi thành phẩm 1 tấn tôm, chi phí tương đương với 1 tấn thức ăn. Hiện nay, giá 1 tấn tôm thẻ chân trắng chỉ bán được từ 45 - 50 triệu đồng, trong lúc đó chi phí tiền thức ăn, tiền giống, thuốc men, dầu nhớt… đã ngót nghét gần 35 triệu đồng. Đó là chưa kể, nếu xảy ra dịch bệnh thì người nuôi tôm coi như trắng tay. Anh Trần Thừa, một người nuôi tôm ở đây tâm sự: “Mấy năm qua, anh em tụi tui thua lỗ liểng xiểng. Phần do môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng, con giống thả xuống cùng một kích cỡ nhưng khi thu hoạch có đủ hạng cân. Còn lứa nào tạm thu được lại dính phân trắng, đỏ thân, đen mang… nên giá bán ra rất thấp, lợi nhuận không cao. Khổ nỗi, nếu nó mất đồng loạt thì đã đành, đằng này thi thoảng lại có một số người nuôi trúng nên càng làm bà con hăng hái hơn, vô tư thả; thậm chí quên cả mối lo bệnh dịch đang rình rập. Nói thật, những người nuôi tôm như tui đều nợ nần chồng chất. Vay khoản nọ, mượn khoản kia, nhưng nếu trời thương trúng vài vụ tôm thì cũng trả được hết nợ”.

Không riêng Vạn Long, hiện người nuôi tôm ở các xã Vạn Phước, Vạn Thọ, Vạn Thắng, Vạn Hưng… cũng lao đao không kém. Đến thời điểm này, có 400/450 ha tôm thẻ thân trắng bị chết, tổng thiệt hại ước khoảng 24 tỷ đồng. Đây được xem là đại dịch lớn nhất từ trước tới nay kể từ khi người dân Vạn Ninh bắt đầu nghề nuôi tôm. Theo phản ảnh của người nuôi, dịch tôm xảy ra trên địa bàn huyện vào khoảng đầu tháng 4, sau khi dịch tôm xuất hiện, người dân đã báo với chính quyền địa phương và cơ quan chức năng. Tuy nhiên, đến nay chưa có cơ quan chức năng nào về kiểm tra, lấy mẫu và khuyến cáo cách điều trị bệnh dịch cho người nuôi tôm.

Anh H., một người nuôi tôm ở xã Vạn Thắng tâm sự: “Làm nghề này chỉ trông vào hên xui. Mấy năm trước, tui thua lỗ liên tục, nợ nần chồng chất. Năm ngoái, tui may mắn trúng được 2 vụ, đầu năm nay cũng được vài chục triệu nên mới trả hết nợ. Nếu không thì có bán nhà, tui cũng không đủ trả nợ, không biết vợ chồng con cái phải đi đâu mà kiếm sống”. Không phải ai cũng may mắn như anh H., hầu hết người nuôi tôm ở Vạn Thắng mấy năm nay đều bị thua lỗ, có người từ đầu năm đến nay đã phải thả tôm từ 2 - 3 lần. Sở dĩ họ vẫn phải tiếp tục nuôi, dù biết xác suất thắng là rất thấp; nếu không làm vậy thì các con nợ lại tới đòi ráo riết. Theo tìm hiểu của chúng tôi, hầu hết những người nuôi tôm ở Vạn Ninh đều phải vay nợ ngân hàng. Tuy nhiên, do chưa trả hết nợ nên họ không được tiếp tục vay vốn. Chính vì thế, để có vốn đầu tư, nhiều người phải chấp nhận vay tiền của các nhân với lãi suất từ 10 - 20%/tháng.

Mùa tôm mới bắt đầu, được mùa hay thất bát thì chuyện thắng - thua từ con tôm vẫn chưa đến hồi kết thúc. Giữa cảnh hoang tàn, đâu đó ở các cánh đồng tôm ở Vạn Ninh còn sót lại một vài guồng máy đang xới tung bọt nước trắng xóa. Đây cũng chính là niềm hy vọng mong manh cuối cùng của những người nuôi tôm thẻ chân trắng…