Văn Phú: Bố trí cơ cấu cây trồng có giá trị hiệu quả cao
Được đăng : 03/11/2016
Đã từ lâu xã Văn Phú (Thường Tín) được coi là địa phương có sự chuyển dịch mạnh mẽ về cơ cấu cây trồng, đưa những loại cây có giá trị vào sản xuất, từng bước làm tăng hệ số quay vòng đất, nâng cao thu nhập trên 1 diện tích canh tác.
Có được kết quả trên là do sự mạnh dạn áp dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất của bà con nông dân, sự năng động sáng tạo của cán bộ HTX NN nhằm đưa nông nghiệp của xã tăng trưởng nhanh.
Do nằm liền kề với trung tâm của huyện Thường Tín đã tạo cho Văn Phú có những lợi thế chuyển dịch cơ cấu cây trồng, đưa những loại cây có giá trị vào sản xuất. Để tạo nên những thành công trong chuyển đổi, Văn Phú đã thực hiện dồn điền, đổi thửa (DĐĐT) tạo điều kiện cho việc sản xuất nông nghiệp (SXNN) của bà con nông dân được thuận lợi hơn. Văn Phú mạnh dạn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đặc biệt quan tâm đến phát triển giao thông nội đồng, kiên cố hóa kênh mương để phục vụ tốt việc tưới tiêu cho các vùng cao và vùng trũng. Đến nay, xã đã đầu tư đổ bê tông được 500m đường giao thông nội đồng, kiên cố hóa 3.024m kênh mương với kinh phí trên 1,2 tỷ đồng. Trước đây việc đưa nước về phục vụ sản xuất cho 300 mẫu ruộng vùng đồng cao phải mất vài ba ngày thì nay chỉ mất khoảng 30 tiếng, việc tưới tiêu đã trở lên thuận lợi hơn.
Từ năm 2003 đến nay, địa phương đã quy hoạch gần 30 mẫu ở những vùng đất trũng cấy lúa kém hiệu quả thuộc quỹ đất 2 sang mô hình trang trại chăn nuôi kết hợp trồng cây ăn quả (chủ yếu trồng đu đủ). Các mô hình trên thuộc các cánh đồng Đầm B, Đập Tây thuộc 2 thôn Yên Phú, Văn Trai, các mô hình được quy hoạch gọn vùng, gọn thửa, với 9 hộ tham gia đầu tư sản xuất. Sau 3 năm sản xuất các mô hình trên đã cho hiệu quả kinh tế cao hơn 2-3 lần so với cấy lúa, thu nhập bình quân của mỗi trang trại đạt từ 70-80 triệu đồng/ha/năm.
Nhờ chuyển đổi mô hình sản xuất đã mở hướng phát triển kinh tế mới, bình quân thu nhập đạt khoảng 38 triệu đồng/ha/năm, đặc biệt vùng trồng rau màu đạt khoảng 75 - 80 triệu đồng/ha/năm, giá trị SXNN chiếm 50% trong cơ cấu kinh tế của xã. Điểm nổi bật trong nông nghiệp của Văn Phú đó là bà con nông dân tích cực áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, cải tạo diện tích trồng những loại cây giá trị kinh tế kém. Hiện nay, trên đồng đất này đã xuất hiện những loại cây trồng cho giá trị kinh tế cao như: Súp lơ, bắp cải, su hào, cải canh, mướp và bầu. Các diện tích đất màu được bà con gieo trồng theo công thức luân canh mùa nào rau ấy để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Trên diện tích cấy 1 vụ bà con nông dân sẽ sau thu hoạch trồng 2 lứa su hào sớm, mỗi sào trồng 2.100 cây, sau hơn 1 tháng su hào cho thu hoạch. Đặc biệt, từ lâu Văn Phú đã được nhiều người trong và ngoài tỉnh biết đến là địa phương trồng bầu nổi tiếng. Bắt đầu từ tháng 12 âm lịch đến tháng 6 năm sau là mùa trồng bầu, trên cánh đồng của thôn Yên Phú luôn sôi động, từ sáng đến tối nhiều lái buôn ở địa phương và các nơi khác đến mua bầu để mang ra các thị trường Hà Đông và Hà Nội phục vụ người tiêu dùng. Hiện nay, xã có khoảng 169 mẫu trồng bầu chủ yếu ở thôn Yên Phú, bình quân mỗi sào trồng 50 gốc, cho khoảng 2.500 - 3.000 quả, năng suất khoảng 1,5 tấn 1 sào thu nhập 2,5 triệu đồng/sào/vụ. Năm 2006, HTX đã tổ chức được 2 lớp chuyển giao kỹ thuật phòng trừ bệnh phấn trắng trên cây bầu cho nông dân thôn Yên Phú.
Để chuyển thành vùng sản xuất chuyên canh mang tính đầu tư lớn, UBND huyện Thường Tín đã quyết định phê duyệt kế hoạch chuyển đổi khu đồng cao cấy lúa kém hiệu quả sang vùng sản xuất rau an toàn với diện tích 21,5ha tại khu đồng Lính, đồng Tổng, khu Đình Sau ở thôn Yên Phú. Khu chuyển đổi được chia ra làm 4 lô, theo đó các hộ có diện tích chuyển đổi được xây dựng hệ thống bể chứa nước sạch, nhà lưới. Phấn đấu phát triển khu vực trồng rau thành vùng sản xuất rau an toàn bền vững, từ hiệu quả của mô hình trồng rau sẽ làm điểm nhân ra diện rộng.