00:00 Số lượt truy cập: 2677394

Vấn đề lưu ý trong nuôi tôm he chân trắng 

Được đăng : 03/11/2016
Năm 2009 kế hoạch nuôi tôm he chân trắng của cả nước là 20.000 hecta. Đến hết tháng 8 đã thả giống được trên 15.400 hecta, tập trung ở Quảng Ninh và các tỉnh Nam Trung bộ là nơi có nguồn cung cấp giống và vùng nuôi phù hợp.

Kết quả nuôi ở các tỉnh ven biển phía Nam chưa tốt; ở các tỉnh miền Trung nuôi trên các ao đầm cửa sông thường bị thất thu, nhưng nuôi trên vùng cát, vùng cao triều khả quan hơn có nhiều mô hình rất tốt; ở các tỉnh phía Bắc tương đối tốt. Nhìn chung nuôi tôm he chân trắng có nhiều triển vọng.

Theo báo cáo và kiểm tra sản xuất ở các địa phương cho thấy hiện nay còn một số tồn tại. Đó là tình trạng ao đầm nuôi không đảm bảo kỹ thuật, nguồn nước bị thiếu và ô nhiễm, sử dụng con giống giá rẻ trôi nổi không đảm bảo chất lượng, lạm dụng quá mức hóa chất, chế phẩm xử lý môi trường.

Hiện nay, diện tích tôm he chân trắng bị thiệt hại là 2.188 ha bằng 14,2% diện tích đã thả nuôi. Địa phương bị thiệt hại nhiều nhất là Khánh Hòa với 1.500 ha/3.100 ha, chiếm tới 48% diện tích nuôi. Trong khi đó, địa phương nuôi tôm he chân trắng nhiều nhất là Quảng Ninh với 4.050 ha, diện tích tôm bị thiệt hại là 232 ha, chỉ chiếm 5,7%. Người dân nơi đây mua tôm giống, thức ăn và được hướng dẫn kỹ thuật từ các nhà cung cấp Trung Quốc, khi thu hoạch mới trả tiền. Nhiều hộ dân có mua giống của Cty Bim sản xuất tại chỗ, Cty Việt Anh từ miền Trung đưa ra cũng cho kết quả tốt. Năng suất nuôi tôm he chân trắng cao hơn nhiều so với tôm sú, lợi nhuận tính trên đơn vị diện tích khá hấp dẫn nên toàn bộ diện tích đã được chuyển sang nuôi tôm he chân trắng.

Một số điển hình nuôi tôm he chân trắng có kết quả rất tốt. Ông Trương Hữu Phiếu - Quản đốc của Cty TNHH Thông Thuận phụ trách vùng nuôi ở khu Núi Cầu, xã Phước Thể, huyện Tuy Phong, Bình Thuận cho biết, Cty nuôi trên diện tích 150 ha, năng suất 20 tấn/ha đã thu hoạch 1 vụ được 3.000 tấn và đang nuôi tiếp vụ thứ hai, dự kiến năm nay thu 4.000 tấn. Ao nuôi ở đây nước sâu 2,0-2,2 mét, nguồn giống do Cty sản xuất, dùng chế phẩm sinh học Bacillus xử lý môi trường khi thu hoạch đáy ao rất sạch, màu trắng, không có bùn đen, không có mùi hôi, cỡ tôm thu hoạch 55 con/kg, bán giá 55.000 đồng/kg, lãi 25.000 đồng/kg.

Hộ ông Nguyễn Văn Đại ở xã Diễn Thịnh, huyện Diễn Châu, Nghệ An đã nuôi liên tục trong 2 năm đều trúng mùa với mật độ thả 90-100 con/m2, ao sâu 1,8 m, nuôi 75-85 ngày, luân canh 2 vụ/năm đạt năng suất 7-8 tấn/ha/vụ. Trong khi nuôi tôm sú ở đây chỉ nuôi được 1 vụ, năng suất bình quân 1,8-2,0 tấn/ha. Cty cổ phần nuôi trồng thủy sản Thuận Thiện Phát ở Hải Phòng nuôi hơn 10 ha mới thu hoạch được gần 200 tấn đạt năng suất 18,7 tấn/ha, ao sâu 1,5-1,8 mét, sản phẩm bán tươi sống cho các thị trường nội địa giá bình quân 71.000 đồng/kg, tỷ suất lợi nhuận 60%, thu lãi gần 7 tỷ đồng.

Khi nuôi tôm gặp rủi ro về dịch bệnh, điều đầu tiên người ta thường cho là do chất lượng giống không đảm bảo. Nhưng thực tế, các vấn đề cần đặc biệt lưu ý trong nuôi tôm he chân trắng không chỉ là chất lượng con giống, mà còn là ở khâu nắm bắt kỹ thuật nuôi, đây mới chính là yếu tố quyết định thành công.

Tại hội nghị quản lý về giống tôm do Cục Nuôi trồng thủy sản tổ chức ở Khánh Hòa, ông Nguyễn Danh Ngừ - Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản Quảng Ninh đã nhận xét, ao đầm như ở Khánh Hòa không thể nuôi được tôm he chân trắng đúng nghĩa, ao không đảm bảo, nước nông và ô nhiễm chắc chắn sẽ bị bệnh hoặc tôm không lớn được.

Ở chúng tôi ao phải làm sâu, bờ bê tông, người nuôi phải có khả năng đầu tư 1 tỷ đồng cho 1 ha mới nuôi được tôm he chân trắng. Khi kiểm tra vùng sản xuất tôm giống, ông Lâm, giám đốc Cty TNHH tôm giống Nguyễn Huy Lâm cho biết đã đi khảo sát vùng nuôi và sẽ không bao giờ dám bán tôm giống cho vùng Phú Yên hay vùng Bình Đại, tỉnh Bến Tre vì bán cho họ sẽ bị mang tiếng và mất uy tín. Ao ở đó rất nông, nuôi tôm he chân trắng sẽ bị chết, một số hộ còn sử dụng thuốc tím (KMnO4) để khử trùng ao, qua nhiều năm lượng mangan lưu tồn trong đất tăng lên dẫn đến nuôi tôm sẽ không lớn được. Muốn nuôi được ở những vùng này phải cải tạo đào sâu ao 2 mét, vét bỏ lớp bùn đáy và nạo bờ ao đã bị ngấm chất xử lý môi trường.

Qua nghiên cứu được biết, tập tính sống của tôm he chân trắng khác với tôm sú. Chúng không sống tầng đáy và vùi mình trong bùn như tôm sú mà bơi lội liên tục ở tầng nước giữa. Tôm rất phàm ăn, khi phát hiện thấy thức ăn thì cả đàn sẽ lao xuống đáy gắp thức ăn rồi lại bơi ngược lên gần giống như đàn cá bắt mồi. Nếu thiếu thức ăn chúng có thể tấn công ăn lẫn nhau hoặc ăn bùn đáy bẩn sẽ sinh bệnh. Do tôm sống ở tầng nước giữa nên có thể nuôi mật độ dầy bởi tầng nước này có lượng ô xy hòa tan cao hơn tầng đáy, các yếu tố môi trường ổn định chứ không phải là tôm he chân trắng chịu được ngưỡng ô xy thấp và môi trường khó khăn như nhiều người vẫn hiểu trước đây.

Theo kinh nghiệm của những cơ sở nuôi tôm chân trắng đạt kết quả tốt, những điều cần đặc biệt quan tâm là yêu cầu mức nước ao phải sâu từ 1,8-2,2 mét sẽ tạo được môi trường ổn định, sử dụng chế phẩm sinh học để làm sạch môi trường, đáy ao sạch không có bùn để giảm sự phân hủy hữu cơ làm tiêu hao ôxy và tôm dễ lấy thức ăn. Yêu cầu này rất phù hợp với loại hình nuôi tôm trên vùng cao triều hoặc trên vùng đất cát. Điều cần lưu ý là đáy ao phải cứng, nếu lót đáy thì trên lớp vải bạt không trải cát như phương thức nuôi tôm sú và phải thường xuyên xi-phông đáy. Ngoài ra còn phải có nguồn nước tốt, mua giống tốt ở những cơ sở có uy tín, thả đúng thời vụ, cho ăn đầy đủ, quản lý chăm sóc tốt.

Những nơi nuôi he chân trắng đạt kết quả thấp là do điều kiện nuôi không đảm bảo như vùng cửa sông, vùng hạ triều có chất đáy bùn sét, ao nông không xi-phông được đáy, nước ao nông, người dân chưa có kỹ thuật nuôi và thiếu hiểu biết về đối tượng này lại thả mật độ dầy, cho ăn không đủ, con giống không đảm bảo sẽ bị thất bại. Vì vậy trong chỉ đạo sản xuất cần lưu ý hướng dẫn kỹ thuật để người dân chọn đối tượng phù hợp với điều kiện thực tế.