Phum sóc làng quê đang đổi thay từng ngày, hệ thống điện, đường, trường, trạm khang trang, hiện đại. Từ nguồn vốn Chương trình 135, xã đã ưu tiên đầu tư xây dựng hệ thống đường giao thông, thủy lợi giúp bà con phát triển sản xuất. Đồng thời lãnh đạo xã còn chú trọng chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho nông dân Khmer nghèo, đưa các giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao như xoài cát Hoà Lộc, lúa thơm, bò lai Sind vào sản xuất. Không những thế, mỗi hộ còn được vay 1 triệu đồng để mua phân bón. Chính sự đầu tư đúng hướng và nhiệt huyết của những nông dân tham gia dự án đã làm nên những thành công. Với ba mô hình: Cải thiện cơ cấu giống lúa, chất lượng giống, thuỷ lợi nội đồng, cơ giới hoá trong sản xuất; đa dạng hoá nguồn thu nhập trong hệ sinh thái vườn - ao - chuồng; thâm canh đa dạng hoá cây trồng, chỉ sau vài năm, các mô hình đã phát huy hiệu quả. Đại đức Lâm Nhum, chủ trì chùa Lao Dên bộc bạch: “Lúc đầu, khi triển khai các mô hình, người dân không mấy tin tưởng, nên việc vận động họ thực hiện theo dự án gặp rất nhiều khó khăn. Vậy mà chỉ sau một năm với hai vụ lúa, cây trồng, vật nuôi phát triển tốt, số hộ xin đăng ký tham gia dự án ngày càng tăng”. Phát huy thành quả từ dự án, cùng với các nguồn vốn lồng ghép từ Chương trình 135, với tính cần cù sáng tạo, bà con đã tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Hiện, trên 70% bà con nông dân Khmer khá thành thục các mô hình trên, góp phần giảm chi phí trong sản xuất mà năng suất vẫn tăng, đảm bảo chất lượng nông sản, lợi nhuận tăng 5-6 triệu đồng/ha. Riêng các mô hình VAC đã cho thu nhập 30-50 triệu đồng/ha/năm. Mô hình cá - lúa kết hợp với trồng màu dưới ruộng lúa cho thu nhập 60 triệu đồng/ha/năm. |