Vĩnh Long: Phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, hội nhập
Được đăng : 03/11/2016
Vĩnh Long nằm ở trung tâm Đồng bằng sông Cửu Long với 147.520ha đất tự nhiên, trong đó diện tích đất nông nghiệp là 119.659ha. Được bao bọc bởi 2 con sông Hậu Giang và Tiền Giang nên Vĩnh Long có nguồn nước ngọt dồi dào quanh năm, nhiều vùng đất màu mỡ, trù phú, thuận lợi cho phát triển nông nghiệp. Phóng viên báo Kinh tế nông thôn đã có cuộc trao đổi với ông Trương Văn Sáu, Phó chủ tịch UBND tỉnh về chủ trương phát triển nông nghiệp của tỉnh. Ông Sáu cho biết:
Cũng như các địa phương trong vùng ĐBSCL, Vĩnh Long có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển nông nghiệp, có những đóng góp quan trọng vào tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh. Năm 2009, tổng giá trị sản phẩm của tỉnh đạt 7.011 tỷ đồng, tăng 13 lần so với năm 1992. Trong đó, giá trị sản xuất nông nghiệp - thủy sản đạt 5.816 tỷ đồng, gấp 16 lần so với năm 1992; công nghiệp đạt 4.693 tỷ đồng, tăng gấp 90 lần; thương mại - dịch vụ đạt 2.583 tỷ đồng, tăng gấp 21 lần; kim ngạch xuất khẩu 281,3 triệu USD, tăng gấp 10 lần; tổng thu ngân sách đạt 1.552,5 tỷ đồng, tăng gấp 12 lần; thu nhập bình quân năm 2009 đạt 17,1 triệu đồng/người, tăng gấp 32 lần so với năm 1992.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh luôn duy trì ở mức cao, đặc biệt là giai đoạn 2006-2009, đạt bình quân 11,32%/năm; dự kiến năm 2010, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 11,19%. Đây là giai đoạn tăng trưởng kinh tế cao nhất trong 35 năm qua.
Hầu hết các ngành kinh tế có bước phát triển mạnh. Trong lĩnh vực nông nghiệp, do tích cực ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất và có cơ cấu thời vụ, cây trồng, vật nuôi thích hợp nên có bước phát triển vượt bậc: giá trị thu nhập đạt trên 92 triệu đồng /ha/năm, tăng gấp 43 lần so với năm 1992. Trong đó thủy sản, đặc biệt là nuôi cá tra xuất khẩu, phát triển khá mạnh. Năm 2009, sản lượng cá tra đạt 120.000 tấn, chiếm trên 10% giá trị sản xuất ngành nông nghiệp - thủy sản, trong khi sử dụng diện tích nuôi rất ít, chỉ chiếm 0,3% diện tích đất nông nghiệp.
Giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng cũng liên tục tăng nhờ phát triển các khu, cụm công nghiệp; tăng cường thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước; phát triển thêm nhiều doanh nghiệp, trong đó giá trị sản xuất của Khu công nghiệp Hòa Phú đã chiếm gần 30% giá trị sản xuất công nghiệp. Các lĩnh vực khác như thương mại - dịch vụ cũng có bước phát triển khá.
Nhờ đó, Vĩnh Long có nhiều điều kiện xây dựng hạ tầng phục vụ cho sản xuất và đời sống nhân dân, giao thông nông thôn, điện, trường học, trạm y tế ngày càng hoàn thiện.
Ông có thể cho biết các mục tiêu kinh tế của tỉnh trong năm 2010?
Chúng tôi xác định, nông nghiệp vẫn là ngành kinh tế mũi nhọn, chiếm 48,45% trong cơ cấu nền kinh tế. Để đạt được điều đó, chúng tôi tiếp tục thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng - vật nuôi, phát triển nuôi cá tra trong vùng quy hoạch.
Do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế, tài chính thế giới, nên 2 năm gần đây, tốc độ tăng trưởng công nghiệp - xây dựng và thương mại có phần chậm lại, làm ảnh hưởng đến sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế chung nhưng vẫn theo đúng định hướng, tăng dần tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ trong cơ cấu nền kinh tế.
Riêng mục tiêu thu nhập bình quân đạt 1.000 USD/người vào năm 2010, chắc chắn sẽ đạt và vượt chỉ tiêu đề ra.
Được biết, Vĩnh Long đề ra mục tiêu “Vì một nền nông nghiệp bền vững trong hội nhập và phát triển”. Vậy tỉnh sẽ thực hiện những giải pháp gì để đạt được mục tiêu này, thưa ông?
Để thực hiện mục tiêu “Vì một nền nông nghiệp bền vững trong hội nhập và phát triển”, chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện những giải pháp trọng tâm sau:
Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh việc liên kết vùng ĐBSCL trong sản xuất nông nghiệp.
Thứ hai, tổ chức lại sản xuất nông nghiệp, từng bước hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung với quy mô từ trung bình đến lớn, đặc biệt là sản xuất những mặt hàng nông nghiệp có thế mạnh của tỉnh, của vùng.
Thứ ba, phát triển hệ thống thủy lợi theo hướng tưới tiêu đa mục tiêu, vừa phục vụ trồng lúa, màu, vừa nuôi trồng thủy sản.
Thứ tư, ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ, nhất là công nghệ sinh học vào sản xuất giống cây trồng, vật nuôi, từng bước nâng cao chất lượng hàng hóa nông nghiệp theo tiêu chuẩn khu vực và quốc tế.
Thứ năm, kiện toàn hệ thống khuyến nông, bảo vệ thực vật, thú y theo hướng tăng cường năng lực dự báo và phòng bệnh.
Thứ sáu, tăng cường cơ giới hóa khâu thu hoạch, làm đất tại các vùng sản xuất rau màu, cây ăn trái tập trung, nâng cao năng suất lao động, giảm chi phí sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng trong chế biến thực phẩm, lương thực và nuôi trồng thủy sản.
Thứ bảy, tăng cường xây dựng và quảng bá thương hiệu sản phẩm nông nghiệp chủ lực.
Thứ tám là đặc biệt lưu ý đến liên kết 4 nhà trong sản xuất nông nghiệp.
Xin chân thành cảm ơn!