00:00 Số lượt truy cập: 3229806

Vĩnh Long: Tập trung đồng bộ các giải pháp thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp 

Được đăng : 03/11/2016
Thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng tăng trưởng bền vững, có khả năng cạnh tranh thông qua tăng năng suất, chất lượng và an toàn dịch bệnh, thời gian qua, tỉnh Vĩnh Long đã đạt được nhiều kết quả nhất định. Tuy nhiên, quá trình thực hiện tái cơ cấu ngành của tỉnh hiện vẫn còn nhiều trở ngại.

Ảnh minh họa (Nguồn: baovinhlong.com.vn)


Đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa trong thu hoạch lúa

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vĩnh Long, thời gian qua, ngành nông nghiệp tỉnh liên tục tăng trưởng cao, đa dạng hoá sản xuất và chuyển dịch cơ cấu theo hướng tích cực. Giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản giai đoạn 2008-2013 (theo giá cố định 2010) tăng bình quân 5,07%/năm. Về lĩnh vực trồng trọt, tỉnh đã xây dựng được các mô hình sản xuất lúa tiên tiến, hiện đại. Năm 2014, ước năng suất lúa bình quân đạt 6,03 tấn/ha, tăng 3,23% so với năm 2013. Sản lượng lúa hàng năm đều đạt trên 1 triệu tấn, góp phần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.

Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp tỉnh đã tiến hành xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng đồng ruộng theo yêu cầu bảo đảm tưới tiêu chủ động, phục vụ di chuyển của máy nông nghiệp và san bằng mặt ruộng. Thực hiện chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, bao tiêu sản phẩm, nâng cao hiệu quả sản xuất, giúp cho nông dân yên tâm đầu tư. Đồng thời đã triển khai thực hiện dự án cánh đồng mẫu lớn với diện tích 3.162ha; các huyện đã mở rộng thêm 5.830ha, nâng tổng diện tích cánh đồng mẫu toàn tỉnh lên 8.993ha.

Thực hiện tái cơ cấu, tỉnh không ngừng phát triển cơ giới hoá trong thu hoạch và sau thu hoạch lúa. Trong đó hỗ trợ nông dân mua các loại máy gặt đập liên hợp, máy cày,…Qua đó đã tạo được buớc đột phá, đẩy nhanh tiến độ thu hoạch với gần 80% diện tích lúa thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp, 50% sản lượng lúa hè thu thông qua sấy, góp phần giảm bớt thất thoát và tăng chất lượng lúa gạo. Đồng thời đã hình thành vùng luân canh màu trên đất lúa có quy mô lớn, tập trung, có thương hiệu như vùng trồng khoai lang tím Nhật với diện tích 11.050ha ở huyện Bình Tân, Bình Minh; vùng trồng rau xà lách xoong nổi tiếng ở xã Thuận An, huyện Bình Minh với diện tích 150ha.

Trên lĩnh vực chăn nuôi, toàn tỉnh có 182 trang trại, trong đó 65 trang trại chăn nuôi heo quy mô từ 100-4.000 con; 117 trang trại nuôi gà, quy mô 3.000 – 150.000 con. Về thủy sản, tỉnh đã xây dựng vùng nuôi cá tra với quy mô lớn, an toàn vệ sinh thực phẩm; hình thành được nhiều vùng nuôi cá tra xuất khẩu với sản lượng hàng năm trên 100.000 tấn, vùng nuôi cá điêu hồng trên sông với 700 lồng bè. Toàn tỉnh hiện có 90,65ha nuôi trồng thủy sản được chứng nhận các tiêu chuẩn quốc tế và tiêu chuẩn VietGAP.

Thường xuyên xảy ra tình trạng trúng mùa mất giá

Hiện tại, quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn. Cụ thể, giá cả thị truờng không ổn định, chi phí sản xuất tăng làm cho nông dân không dám mạnh dạn đầu tư hoặc mở rộng sản xuất. Tình trạng sản xuất trúng mùa, rớt giá, sản xuất theo phong trào cung vuợt cầu thường xảy ra, gây thiệt hại cho nông dân. Mô hình liên kết bốn nhà, nhất là tiêu thụ hàng hóa nông sản thông qua hợp đồng không duy trì lâu dài giữa nông dân và doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, tình hình dịch bệnh phát sinh gây hại luôn tiềm ẩn mối đe dọa trong sản xuất nông nghiệp như bệnh cúm gia cầm, bệnh tai xanh trên heo, lở mồm long móng trên gia súc. Đồng thời, chất lượng và khả năng cạnh tranh của nhiều loại sản phẩm thấp; diện tích sản xuất nhỏ, manh mún; ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất hạn chế đã làm cho giá thành sản phẩm cao, khó có sản phẩm có sản lượng lớn, thu hoạch tập trung và đồng đều kích cỡ.

Khoa học công nghệ phát triển chậm, chưa tạo bước đột phá trong nâng cao giá trị gia tăng trong sản phẩm. Một số lĩnh vực, công nghệ chưa tác động được nhiều như: rau, cây ăn quả, chăn nuôi. Việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh còn nhiều khó khăn do chưa có chính sách đủ mạnh để phát triển.

Chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm đang cản trở nông sản của tỉnh thâm nhập vào thị trường các quốc gia phát triển. Những bất cập trong quản lý chất lượng, cùng với sự manh mún của nhiều chuỗi cung ứng, khiến cho thu nhập của nguời nông dân vẫn thấp trong khi giá cả và khối lượng hàng hóa thương mại ngày càng cao.

Bên cạnh đó, kết cấu hạ tầng phục vụ cho bảo quản, chế biến như: kho hàng, sân phơi, bến bãi,...còn kém phát triển. Phần lớn nông sản đang được xuất khẩu ở dạng thô, sơ chế, giá trị gia tăng thấp, chưa có thương hiệu, mẫu mã bao bì chưa hấp dẫn.

Môi trường cạnh tranh quốc tế và trong nước ngày càng gay gắt, thị trường diễn biến phức tạp. Trong đó, suy thoái kinh tế vừa làm giảm sức mua tại các thị trường nhập khẩu nông sản chính của Việt Nam, vừa tạo ra xu hướng tăng cường bảo hộ mậu dịch, tăng hàng rào kỹ thuật đối với nhập khẩu nông sản để bảo vệ quyền lợi nông dân tại các nước đã phát triển. Từ đó đã gây thêm khó khăn cho việc tổ chức sản xuất, ra quyết định đầu tư để tạo việc làm và thu nhập của người dân.

Tập trung nuôi trồng thuỷ sản theo hướng công nghiệp

Nhằm giải quyết những khó khăn còn tồn tại, thực hiện hiệu quả tái cơ cấu ngành nông nghiệp, theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Văn Liêm, thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung vào thực hiện đồng bộ các giải pháp. Trong đó, tập trung sản xuất những loại rau màu cho hiệu quả kinh tế cao như khoai lang, đậu nành, bắp, hành lá,...Đầu tư và phát triển cây lâu năm theo hướng sản xuất hàng hoá, đảm bảo chất lượng, có khả năng cạnh tranh lâu dài với trái cây của các nuớc trong khu vực như: sầu riêng, buởi, cam sành, quýt đường,...

Bên cạnh đó, hình thành các vùng chăn nuôi tập trung tạo điều kiện tăng năng suất, cải tiến chất luợng; phát triển các trang trại chăn nuôi hoặc kết hợp chăn nuôi với trồng trọt và thuỷ sản có quy mô vừa trở lên và có tính ổn định lâu dài để cơ giới hóa ngành chăn nuôi. Tăng cuờng hiệu lực hoạt động thú y đảm bảo an toàn cho gia súc, gia cầm; xây dựng vùng nuôi an toàn. Tập trung đầu tư nuôi trồng thuỷ sản theo hướng nuôi công nghiệp, áp dụng các quy trình công nghệ cao, phù hợp với quy chuẩn quốc tế. Nghiên cứu nuôi một số thủy đặc sản có giá trị kinh tế cao (cá sóc, cá bông lau, chạch quê,...) và nhập nội các giống, chủng loại thủy sản mới. Đồng thời, đến năm 2020, phấn đấu có 30% sản lượng nông sản hàng hóa được sơ chế, chế biến. Riêng hai mặt hàng lúa – gạo và cá tra được sơ chế đạt 90%.

Mặt khác, thực hiện việc chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, thu hoạch, bảo quản và chế biến nông sản hàng hoá; ưu tiên công nghệ sinh học, công nghệ cao về giống cây con và áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất. Ưu tiên vốn cho các chương trình nghiên cứu và chuyển giao khoa học kỹ thuật, đào tạo nguồn nhân lực và lao động nông thôn.

Song song với đó, khuyến khích nông dân góp vốn, hình thành các trang trại, hợp tác xã, tổ hợp tác, vùng sản xuất lớn để ứng dụng khoa học kỹ thuật. Hỗ trợ các hợp tác xã, tổ hợp tác về điều kiện sản xuất nhằm đủ mạnh để thực sự là đối tác với các doanh nghiệp trong sản xuất, tiêu thụ nông sản. Đồng thời, tập trung đất đai có quy mô đủ lớn, ổn định, phù hợp với các mô hình sản xuất khác nhau của từng vùng, huớng tới một nền nông nghiệp hiện đại. Thêm vào đó, hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, bao gồm các khâu: đào tạo kỹ thuật mới, đầu tư trang thiết bị hiện đại, xây dựng vùng nguyên liệu nhằm khép kín từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.

Ngoài ra, tiến hành đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn đồng bộ và đảm bảo chất lượng để phục vụ sản xuất và đời sống theo các tiêu chí nông thôn mới; ưu tiên các công trình mang tính tạo động lực để phát triển kinh tế, xã hội như: giao thông, thủy lợi, điện, nước sạch, chợ,…Tập trung tăng cường và hoàn thiện hệ thống thủy lợi theo hướng phục vụ đa mục tiêu. Đặc biệt phục vụ cho chuyển dịch cơ cấu sản xuất, tăng thu nhập cho người nông dân và ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ sản xuất và đời sống nhân dân. Bên cạnh đó, thu hút đầu tư tái cơ cấu ngành nông nghiệp với các lĩnh vực trọng điểm khuyến khích như: nuôi trồng, chế biến nông lâm thủy sản; sản xuất giống nguyên chủng, giống xác nhận, giống cây trồng và giống vật nuôi mới./.