00:00 Số lượt truy cập: 2691677

Vĩnh Long tìm hướng đi mới cho hàng nông sản 

Được đăng : 03/11/2016

Người tiêu dùng luôn đòi hỏi người sản xuất làm ra hàng hóa chất lượng cao, đặc biệt là hàng thực phẩm, vì nó có liên quan trực tiếp đến sức khỏe và sự phát triển của con người. Nông dân và các cơ sở sản xuất hàng nông sản ở tỉnh Vĩnh Long đã sớm "đi tắt đón đầu" nhu cầu chính đáng này. Tuy nhiên trong bước đi ấy họ cũng gặp không ít trắc trở.


Từ rau truyền thống, lên rau an toàn, đến chuẩn GAP

Thạc sĩ Nguyễn Văn Liêm, Chi cục phó Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Vĩnh Long, cho biết: Trước năm 2003, qua kiểm nghiệm trên rau màu sản xuất trong tỉnh có đến 30% số mẫu còn tồn dư thuốc bảo vệ thực vật và hàm lượng đạm nitrat vượt quá quy định. Theo kiểu trồng rau truyền thống, nông dân thường phải sử dụng nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) để phòng trừ sâu bệnh, trung bình từ 6 đến 9 lần/vụ. Năm 2000, Chi cục BVTV Vĩnh Long được Sở Khoa học-Công nghệ và Môi trường (nay là Sở KHCN) giao đề tài nghiên cứu sản xuất RAT trên cơ sở phát triển IPM trên cây rau. Ðề tài nghiên cứu đã cho kết quả bất ngờ: Hơn 46% số người được hỏi không biết gì về khái niệm RAT, 50% số người không biết gì về dư lượng thuốc BVTV trên rau. Ðiều đó cho  thấy đa số người dân chưa được biết gì về RAT, hoặc hiểu biết một cách lờ mờ, không chính xác.

Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa tiến bộ KHKT vào đồng ruộng, Chi cục BVTV Vĩnh Long đã mở nhiều lớp IPM trên rau màu và những mô hình sản xuất RAT. Chi cục BVTV đã triển khai thực hiện dự án "Cung ứng giống và chuyển giao khoa học công nghệ phát triển RAT" trên quy mô lớn nên đã giúp nông dân thay đổi dần tập quán sử dụng nhiều thuốc BVTV mà thay vào đó là kỹ thuật sản xuất RAT nên đã hạn chế dần tình trạng ngộ độc thực phẩm do ăn rau xanh có dư lượng thuốc BVTV và những chất gây nguy hiểm khác. Năm 2005 dự án thực hiện hơn 1.000 ha RAT và  năm 2006 có khả năng thực hiện gần 1.500 ha.

Theo giới thiệu của Thạc sĩ Nguyễn Văn Liêm, chúng tôi đến tham quan HTX  Rau an toàn Phước Hậu, thuộc xã Phước Hậu, huyện Long Hồ. Ông Trần Văn Sáu, Chủ nhiệm HTX Rau an toàn Phước Hậu, cho biết: HTX được thành lập từ năm 2003. Hiện tại, HTX có 31 xã viên, với 15 ha đất chuyên trồng rau. Ngoài ra, có gần 200 hộ quanh vùng cũng liên kết với HTX để trồng RAT với diện tích hơn 100 ha. Bình quân mỗi ngày, vùng rau Phước Hậu cung cấp ra thị trường khoảng 5 tấn rau, với 23 chủng loại rau ăn lá và một số củ quả theo mùa. Từ khi thành lập HTX cho đến nay, Chi cục BVTV và Sở KHCN đã tổ chức 33 cuộc tập huấn về trồng RAT cho hơn 500 lượt người tham dự. Từ đầu năm 2007, HTX được chọn thực hiện dự án trồng rau theo Chương trình GAP. Theo dự án này, 15 nông dân trong HTX được tập huấn lấy mẫu đất, mẫu nước gửi đi phân tích tìm hàm lượng các chất độc hại và vi sinh...Nếu như các mẫu này đạt tiêu chuẩn, thì RAT của HTX sẽ được cấp giấy chứng nhận rau sạch theo tiêu chuẩn GAP (có thể xuất sang thị trường châu Âu).

Chúng tôi ra khu sản xuất RAT của HTX. Chị Tám Nga (người trồng rau) nói, trồng rau thì tốn nhiều công chăm sóc, nhưng nếu trúng giá thì cũng thu khá nhiều tiền. Tuy nhiên giá rau lên xuống cũng rất thất thường, nếu dự đoán sai, có khi giá rớt thì lỗ vốn. Ðặc biệt là trồng RAT phải đầu tư nhiều thì còn lỗ nặng hơn.

Sản xuất hàng chất lượng còn lắm gian nan

Ông Trần Văn Hiền, Phó Chủ nhiệm HTX rau an toàn Phước Hậu, nói: Sản xuất RAT đã khó, mà khó khăn hơn là khâu tiêu thụ. Theo quy trình sản xuất RAT thì phải chọn lựa, sử dụng phân bón và thuốc BVTV đúng loại, đúng cách. Thường thì phải sử dụng thuốc BVTV vi sinh, giá luôn cao hơn các loại thuốc thông thường, làm tăng giá thành sản xuất. Ðể quảng bá thương hiệu của mình, HTX  liên kết với Ban quản lý chợ Vĩnh Long tổ chức 12 quầy bán RAT, bán với giá tương đương với rau trồng ở các nơi khác; nhưng người mua cũng chưa mặn mà với các quầy RAT cho lắm. Thật đau lòng khi nhà sản xuất cố công làm ra sản phẩm an toàn phục vụ người tiêu dùng, nhưng không được họ quan tâm. Trong khi tình trạng ngộ độc thực phẩm ngày một gia tăng. Ông Hiền cho biết, mỗi ngày sản xuất 5 tấn rau, nhưng chỉ mới vào các siêu thị, nhà hàng, nhà trẻ khoảng 5%. Số còn lại được tiêu thụ qua thương lái.

Trên các quầy hàng nông sản thực phẩm tươi sống trong các siêu thị, chúng tôi thấy có sản phẩm  gia cầm làm sạch Năm Thắng và trứng vịt Vĩnh Nghiệp đều có nguồn gốc xuất xứ từ các cơ sở sản xuất ở tỉnh Vĩnh Long. Ðến lò giết mổ gia cầm tập trung Năm Thắng, ấn tượng đầu tiên của chúng tôi là lò mổ rộng, thoáng và sạch sẽ. Từ khi dịch cúm gia cầm bùng phát, thực hiện theo khuyến cáo và hướng dẫn của chính quyền địa phương và cơ quan thú y, gia đình Năm Thắng đầu tư 700 triệu đồng xây lò giết mổ gia cầm tập trung này, với năng lực giết mổ khoảng 1 tấn gia cầm/giờ. Do đồng vốn có hạn, hầu hết các công đoạn trong quy trình giết mổ còn là thủ công; anh lo tập trung đầu tư vào khâu kiểm soát an toàn thực phẩm. Anh Năm Thắng cho biết, làm nghề giết mổ gia cầm lúc này gian nan lắm. Ðầu tư thì lớn, nhưng làm không có lãi gì đâu. Vì làm đúng quy trình để cho ra sản phẩm gia cầm sạch tốn nhiều loại chi phí làm đội giá thành lên cao lắm. Trong khi việc giết mổ gia cầm hiện nay chưa được kiểm soát chặt, sản phẩm gia cầm giết mổ không đúng quy trình, kể cả gia cầm sống vẫn còn được buôn bán khá phổ biến nên khó mà cạnh tranh được về mặt giá cả.

Ðến doanh nghiệp tư nhân Vĩnh Nghiệp, nơi chuyên sản xuất trứng vịt muối xuất khẩu, ông Ba Nghiệp, chủ doanh nghiệp tiếp chúng tôi mà đầy "tâm trạng". Ông cho biết, sản phẩm trứng vịt muối của ông đã xuất khẩu sang Hồng Công, Xin-ga-po hàng chục năm rồi. Doanh nghiệp của ông có đại lý thu mua trứng vịt khắp các tỉnh miền tây, hằng năm sản xuất hàng chục triệu trứng, xuất khẩu mang ngoại tệ về hơn 1 triệu USD. Trước đây, sản phẩm của ông xuất ra nước ngoài chỉ làm thủ tục kiểm vi sinh. Từ đầu năm đến nay ông đã ký hợp đồng với nước ngoài xuất 8 triệu trứng. Nhưng do bài báo nói rằng trứng vịt có chất sudan, nên từ đầu năm đến nay doanh nghiệp của ông xuất chưa được 1 triệu trứng. Do xuất khẩu hiện nay phải làm thêm thủ tục kiểm nghiệm sudan ở cả hai đầu. Thêm mỗi khâu thủ tục là lại thêm các chi phí. Những nhà sản xuất chân chính rất mong Nhà nước có chính sách hỗ trợ trong giai đoạn khó khăn này.