Những năm gần đây, đã có khá đông nông dân tỉnh Vĩnh Phúc đã sử dụng biện pháp gieo thẳng trong canh tác lúa cho hiệu quả kinh tế cao. Phương pháp này đã giúp nông dân địa phương dần xoá bỏ tập quán cấy lúa^ từ ngàn đời nay, thay bằng gieo thẳng với ưu điểm là đỡ tốn công cấy, thời gian sinh trưởng và phát triển được rút ngắn khoảng 10 - 12 ngày, giảm được lượng lúa giống, đưa năng suất lên cao hơn từ 10 - 15%.
Nhờ thời gian sinh trưởng và phát triển rút ngắn nên có thể bố trí vụ tiếp theo thuận lợi hơn hoặc nếu có rét đậm, rét hại, có thể lùi thời điểm xuống giống từ 15 - 25 ngày mà vẫn không ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của cây lúa. Ở Vĩnh Phúc, đã có 47 điểm người nông dân bàn bạc, gom mặt bằng ở những cánh đồng cùng chân ruộng để cùng làm đất, cùng gieo một loại lúa cho tiện chăm bón, phòng trừ sâu bệnh, thu hoạch cùng lúc; số diện tích này đã lên gần 700 ha.
Để việc gieo thẳng lúa hiệu quả, Trung tâm khuyến nông xây dựng mô hình ứng dụng giàn kéo tay trong gieo hạt. Trong hai vụ vừa qua đã có trên 200 ha ứng dụng phương pháp này ở các huyện Yên Lạc, Vĩnh Tường, Bình Xuyên đều thể hiện rõ ưu việt của cách làm này. Sử dụng giàn kéo sẽ làm quá trình gieo hạt nhanh hơn 1,5 lần, hàng lúa thẳng, rãnh thoát nước thẳng, mật độ đồng đều, tiết kiệm được lượng thóc giống tới 20%, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc chăm bón. Tính ra, mỗi sào Bắc Bộ ứng dụng cách làm này cho lãi tới 159.600 đồng so với việc cấy lúa như tập quán bình thường. Giàn kéo được chế tạo theo nguyên tắc lắp các trống có chứa hạt giống vào một trục nằm ngang, lắp càng kéo để người kéo dọc theo mặt ruộng. Các trống được mở lỗ tuỳ theo mật độ định trước để có kích thước chung cho hàng cách hàng, cây cách cây. Khi được kéo, các trống quay tròn, đến lỗ nào được mở thì hạt giống được tra xuống ruộng. Giá mỗi giàn kéo là 700.000 đồng. Hiện trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có 60 giàn kéo nhưng qua đợt tham quan đầu bờ đã có thêm 200 chủ hộ đăng ký mua giàn kéo./.