00:00 Số lượt truy cập: 2692174

Vĩnh Phúc khởi động chương trình cây ăn quả 

Được đăng : 03/11/2016
Cũng như nhiều tỉnh trung du, miền núi khác, Vĩnh Phúc có nhiều diện tích phát triển cây ăn quả. Tuy nhiên, phần lớn diện tích này là vườn tạp, hiệu quả kinh tế thấp. Với mục tiêu tái thiết nông nghiệp, vừa qua, UBND tỉnh và ngành nông nghiệp mạnh dạn triển khai dự án phục hồi và phát triển các vườn cây ăn quả với cách làm mới, khá bài bản và đồng bộ, số vốn đầu tư hàng chục tỷ đồng.



Từ một vườn tạp


Gần hai năm trước, khi quyết định phá bỏ một phần khu vườn rộng bốn ha cây ăn quả của mình, bác Nguyễn Văn Thú trải qua những giây phút đắn đo, suy tính. Bác Thú tiếc công sức đã bỏ ra từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước. Khu vườn nằm ven đường, vốn chỉ trồng bạch đàn, vải, nhãn, toàn những cây giống tự nhiên hoặc được cấp theo các chương trình như xóa đói, giảm nghèo, 327, phần lớn cho chất lượng, năng suất thấp. Khi tỉnh triển khai dự án trồng cây ăn quả, gia đình bác được Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ 350 cành măng giống Bát độ, đủ trồng một ha với giá ưu đãi 2.500 - 3.500 đồng/cành, trong khi giá thị trường lúc đó khoảng hơn chục nghìn đồng/cành. Theo tính toán, cứ sau ba năm trồng, măng Bát độ cho thu hoạch liên tục trong khoảng 10-15 năm. Mỗi gốc măng có chừng 4-5 cây măng, bình quân cho 10 - 20 kg măng/gốc, bán được khoảng năm mươi nghìn đồng. Cùng với trồng măng, những cây vải cũ cũng được vợ chồng bác phá bỏ, thay bằng vải giống Lục Ngạn. Hiện nay toàn vườn có khoảng 300 cây, trong đó gần 100 cây đã cho thu hoạch, đem lại hiệu quả kinh tế khá cao. Năm 2006, bác Thú được Trung tâm kỹ thuật rau, hoa, quả tỉnh giúp đỡ cải tạo miễn phí vườn xoài cũ bằng giống Ðài Loan. Trong số hàng chục cây xoài cũ, chỉ có vài cây giống ngoại được bác trồng từ năm 1999 là sai quả, có cây cho đến hai tạ quả/năm, còn lại chủ yếu là xoài chua, năng suất thấp. Công việc cải tạo vườn xoài được làm theo hai cách. Hoặc cưa gốc xoài cũ để ghép mắt tạo mầm hoặc trồng cây giống ghép mắt. Ðến cuối năm 2006, nhiều cây xoài đã bắt đầu tạo tán. Theo tính toán, sau hai năm, xoài bắt đầu cho thu hoạch với năng suất khoảng 40 - 50 kg quả/cây.


Mặc dù mới đang ở giai đoạn đầu tái thiết vườn cây, chưa cho thu hoạch ổn định nhưng năm 2006, bác Thú ước tính cũng thu được 10 - 15 triệu đồng/ha. Gia đình còn nuôi gần chục con bò, 700 con gà trứng, nhưng bác Thú vẫn khiêm tốn "Phải vài năm nữa mới có thể nói đến chuyện làm giàu. Thị trường bấp bênh lắm. Giá như ngành nông nghiệp nước ta có được thêm những giống cây ăn quả chín sớm, chín muộn thì tốt biết bao".


Góp sức với nông dân


Ở Vĩnh Phúc, những hộ dân có diện tích và điều kiện trồng cây ăn quả như bác Thú khá nhiều. Tiềm năng phát triển cây ăn quả ở Vĩnh Phúc khá lớn. Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Quang Hùng, toàn tỉnh có khoảng 10 nghìn ha đất có thể trồng cây ăn quả, đến năm 2000 mới chỉ có 7.500 ha có cây, đến hết năm 2006 mới chỉ có hơn 9.000 ha. Theo thống kê, 55% diện tích này là các giống không hiệu quả, chỉ có tác dụng phủ xanh là chính, quả có năng suất, chất lượng thấp do người dân tự trồng từ những nguồn giống tự nhiên. Có thể khẳng định là mặc dù liên tục đầu tư và có tiềm năng, điều kiện phát triển cây ăn quả, nhưng để tìm ra loại cây chủ lực thì Vĩnh Phúc gần như không có. Nguyên nhân của tình trạng này là từ năm 2003 trở về trước, các nguồn vốn phát triển cây ăn quả thường được giao cho các huyện làm chủ đầu tư. Mỗi huyện có cách làm khác nhau nhưng nhìn chung là đưa vào trồng quá nhiều loại giống. Trong khi đó, chất lượng giống lại không quản lý được. Do chưa định hướng được thị trường cho nên xảy ra tình trạng trồng ồ ạt một số loại như nhãn, vải (tăng đột biến lên 2.500 ha). Quy trình kỹ thuật cũng không có đơn vị nào quản lý để thống nhất tài liệu hướng dẫn, chủ yếu cứ giao đất, giao cây cho người dân trồng. Còn hiệu quả thường chờ sau 3 - 4 năm, khi cây cho quả mới đánh giá được phẩm cấp và điều kiện sinh thái có phù hợp không. Nếu không phù hợp thì lại chuyển cây khác.


Từ đầu năm 2004, khi ngành nông nghiệp tỉnh tổ chức rà soát diện tích cây ăn quả đã nhận thức ba vấn đề kìm hãm việc phát triển cây ăn quả. Ðó là các khâu giống, cách thức triển khai và kỹ thuật quá yếu. Khắc phục tình trạng này, tháng 8-2005, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh trình UBND tỉnh phê duyệt dự án cải tạo và phát triển giống cây ăn quả với mục đích lớn nhất là chủ động nguồn cung cấp giống cây chất lượng, thay thế toàn bộ giống cũ theo điều kiện sinh thái và nhu cầu thị trường. Tổng vốn cho dự án khoảng 20 tỷ đồng, trong đó gần tám tỷ do Nhà nước đầu tư, còn lại huy động nông dân đóng góp. Một lần nữa, bài toán vốn đã được ngành nông nghiệp giải quyết thông qua hình thức huy động sức dân kết hợp vốn Nhà nước.


Ðồng chí Phạm Ngọc Thanh, Giám đốc Trung tâm kỹ thuật rau, hoa, quả tỉnh (đơn vị được giao chủ đầu tư dự án) cho biết: Dự án tập trung một vườn nhân giống cây đầu dòng với diện tích3,5 ha để cấp mắt ghép; hai vườn ươm có thể sản xuất 7 - 8 vạn cây giống/ vườn/năm, trước mắt sẽ cải tạo và trồng mới 2.500 ha cây ăn quả (trong đó trồng mới 1.000 ha); xây dựng mỗi huyện hai mô hình vườn cây ăn quả mẫu có năng suất, chất lượng cao và gắn với tiêu thụ sản phẩm để bà con nông dân tham quan, học tập, đồng thời hoàn thiện quy trình bảo quản, chế biến một số loại quả chủ lực để chủ động tiêu thụ.


Chúng tôi đi thăm khu vườn thực nghiệm Kim Long tại huyện Tam Dương. Trên khu đất ruộng rộng hơn 10 ha giờ đã trở thành khu vườn khổng lồ với nhiều ô riêng biệt, gồm có 3,5 ha trồng giống gốc và các khu vườn ươm giống từng loại cây. Trong quý II năm nay khu vườn sẽ hoàn thành. Ðến cuối năm 2006, vườn đã "tích cóp" được 1.400 cây giống gốc đầu dòng của 12 loại cây ăn quả chính được xác định sẽ là những cây chủ lực. Số cây này do các viện nghiên cứu cung cấp và sưu tầm từ trong dân, trong đó triển vọng nhất là các giống bưởi Diễn, xoài Thái-lan, vải chín sớm Hông Long, hồng không hạt Hạc Trì...


Dù đang ở giai đoạn đầu triển khai chương trình cây ăn quả, song những gì Vĩnh Phúc đạt được đã bước đầu khẳng định hướng đi đúng đắn của chương trình. Dự án phát triển cây ăn quả của Vĩnh Phúc không dừng lại ở mục tiêu cải tạo vườn tạp mà còn là bước đệm để tỉnh phát triển chăn nuôi dưới tán các vườn cây ăn quả, hình thành những trang trại đa canh tổng hợp một mục tiêu dài hơn.


Trong thời gian tới, Vĩnh Phúc vận động các ngân hàng và các tổ chức tín dụng đầu tư cho nhân dân vay vốn dài hạn (đủ chu kỳ thu hoạch của cây ăn quả); xây dựng mạng lưới khuyến nông thông qua hình thành mạng lưới HTX, tổ dịch vụ kỹ thuật; xúc tiến và khuyến khích doanh nghiệp Nhà nước và tư nhân đầu tư hệ thống chế biến, tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả. Trong tương lai, Vĩnh Phúc sẽ hình thành các vùng hồng, xoài ở Tam Dương, Tam Ðảo, Lập Thạch; vùng bưởi, cam, quýt tại Mê Linh, Phúc Yên; vải, nhãn tại Lập Thạch... Hy vọng rằng, với chiến lược lâu dài và cơ chế, chính sách đầu tư hợp lý, vùng đồi núi Vĩnh Phúc sẽ trở nên trù phú nhờ những vườn quả ngọt.