00:00 Số lượt truy cập: 3235578

Vĩnh Phúc khôi phục và phát triển làng nghề 

Được đăng : 03/11/2016
Khắc phục tình trạng các làng nghề đang bị mai một dần, tỉnh Vĩnh Phúc đã xây dựng chương trình khôi phục và phát triển làng nghề theo hướng sản xuất thủ công mỹ nghệ và làm hàng xuất khẩu.

Tỉnh Vĩnh Phúc có hơn 100 làng nghề truyền thống nổi tiếng như: rèn Lý Nhân, gốm Hương Canh, đá Hải Lựu, mộc Thanh Lãng, đan lát Triệu Ðề và đúc nồi Tam Ðồng. Làng nghề Vĩnh Phúc một thời bị mai một dần do cơ chế quản lý bao cấp, và khi mở cửa, hàng ngoại tràn vào làng nghề càng lao đao.
Ðứng trước tình trạng này, tỉnh Vĩnh Phúc đã xây dựng chương trình khôi phục và phát triển làng nghề theo hướng sản xuất thủ công mỹ nghệ và làm hàng xuất khẩu.
Làng nghề làm đá dân dụng ở xã Hải Lựu, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc đã vào TP Ðà Nẵng mời nghệ nhân làm đá mỹ nghệ Nguyễn Sang ra mở lớp dạy nghề tạc đá mỹ nghệ cho thanh niên. Ðược nghệ nhân Nguyễn Sang dạy nghề tạc đá mỹ nghệ, các em đã nắm bắt được quy trình tạc đá mỹ nghệ rất nhanh.
Chỉ sau ba tháng học nghề, những thanh niên ở làng đá Hải Lựu đã tự tay phá đá tạo hình làm thành những sản phẩm đá mỹ nghệ như: sư tử, lân, nghê và các tượng phật a di lặc, tượng thần nữ Chăm-pa không thua kém gì so với đá mỹ nghệ ở Ðà Nẵng.
Ðến nay, làng nghề đá Hải Lựu được khôi phục với hơn 500 lao động. Hai công ty TNHH Thanh Sơn và Tiến Thành chuyên sản xuất đá mỹ nghệ phục vụ cho nhu cầu nội địa và xuất khẩu sang các nước Bắc Âu, Bắc Mỹ đem về cho làng đá Hải Lựu hàng trăm tỷ đồng/năm.
Cùng với việc khôi phục được làng nghề đá Hải Lựu, Vĩnh Phúc còn khôi phục được làng nghề mộc Thanh Lãng, huyện Bình Xuyên, tuyển chọn thợ mộc khéo tay của làng mộc Thanh Lãng đưa sang để học nghề mộc mỹ nghệ ở làng mộc Ðồng Kỵ, tỉnh Bắc Ninh.
Lớp thợ mộc trẻ ở làng nghề mộc Thanh Lãng còn phối hợp những thợ mộc già để phục chế lại các họa tiết hoa văn ở những đình làng bị hư hỏng, đồng thời làm được nhiều kiểu cổ phục vụ cho khách hàng trong và ngoài tỉnh. Bình quân mỗi năm làng mộc Thanh Lãng đạt doanh thu hơn 100 tỷ đồng từ sản xuất nghề mộc.
Làng gốm Hương Canh huyện Bình Xuyên cũng có thời gian bị sản xuất gạch ngói lấn át. Với nguồn kinh phí từ khôi phục và phát triển làng nghề, Vĩnh Phúc đã mở lớp dạy nghề sản xuất gốm mỹ nghệ cho 35 học viên ở làng gốm Hương Canh.
Vận dụng phương châm "Vừa học vừa làm" học viên lớp gốm mỹ nghệ ở gia đình chị Thanh Nhạn, đã sản xuất được gốm mỹ nghệ như gạch hoa văn, ngói mũi hài và các tượng phật được khách hàng gần xa ưa chuộng. Từ sản xuất đồ gốm mỹ nghệ, nghề gốm ở Hương Canh đã tiến tới sản xuất gốm trang sức xuất khẩu sang Nhật Bản và Bắc Mỹ đem lại doanh thu cao gấp 4,5 lần so với sản xuất gốm tiêu dùng nội địa.
Bên cạnh việc khôi phục và phát triển những làng nghề trên, Vĩnh Phúc còn đón các nghệ nhân ở làng nghề đan lát Khả Ðào, tỉnh Hà Tây và làng nghề đan lát Ngọc Ðồng, tỉnh Hà Nam lên mở lớp dạy nghề mây tre đan xuất khẩu cho hơn 5.000 học viên ở những làng nghề đan lát Triệu Ðề, Ðồng Ích, Văn Quán, Trung Kiên, Tam Hồng, Minh Quang, Tam Ðồng.
Sau một thời gian học nghề mây tre đan xuất khẩu, các học viên đã làm nòng cốt cho việc khôi phục những làng nghề đan lát, từ sản xuất hàng tiêu thụ trong nước đã  chuyển sang làm hàng mây tre đan xuất khẩu sang các nước Bắc Âu, Bắc Mỹ đem lại thu nhập  cao.
Khôi phục và phát triển làng nghề ở Vĩnh Phúc theo hướng sản xuất hàng mỹ nghệ và hàng xuất khẩu không chỉ giúp cho Vĩnh Phúc phá được thế là tỉnh thuần nông, mà còn góp phần từng bước công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn ở Vĩnh Phúc những năm tới đây.