Thương lắm những đồng rau
Sáng 13/10, về vùng cát Duy Hải và Duy Nghĩa của huyện Duy Xuyên, Quảng Nam, nhìn những đồng rau trơ trọi, xơ xác mà thấy thương người dân ở nơi còn lắm khó khăn này. Thấy 4 sào rau húng, mã đề, cải cay lên xanh ngút ngàn, vợ chồng anh Trần Đồng (thôn Lệ Sơn, xã Duy Nghĩa) mừng như phất cờ trong bụng. Chồng bảo với vợ, thu hoạch lứa rau này chắc chắn sẽ ẵm về không dưới 20 triệu đồng. Toàn bộ số tiền ấy sẽ dành để sửa lại căn nhà nhỏ tạm bợ và lo tiền học phí cho tụi nhỏ.
Tuy nhiên, niềm vui không tày gang, mưa dầm dề, rồi lũ án ngữ suốt nhiều ngày, đám rau nào cũng bầm dập, thối úng khiến cái ước mơ có được căn nhà mới của đôi vợ chồng nghèo này cũng chỉ là... mơ ước. Không chỉ anh Đồng, cả nghìn hộ dân tại 2 địa phương vừa nêu cũng cùng chung cảnh ngộ. Bởi, ngoài một diện tích rau ăn lá rất lớn bị mất trắng thì hơn 500 ha khoai lang ở nơi này cũng hư hại nặng nề. Ông Phạm Đình Xuân – Phó Phòng NN&PTNT Duy Xuyên thông tin thêm, không riêng vùng cát, hàng chục hécta rau chuyên canh ở khối phố Mỹ Hoà (thị trấn Nam Phước), thôn Lệ Bắc, Thanh Châu (xã Duy Châu), thôn Lang Châu Bắc (xã Duy Phước) cũng tan tành vì bão lũ...
Mấy ngày nay, ngược lên những làng rau chuyên canh rộng mênh mông ở Đại Lộc, đâu đâu cũng thấy cảnh tiêu điều. Nắng như đổ lửa nhưng trên đồng đất Bàu Tròn (xã Đại An) – vựa rau lớn nhất Quảng Nam vẫn đông nghịt nông dân. Không ai nói với ai một lời, tất cả đều lặng lẽ đánh vật với những lớp bùn non dày đặc. Vừa lom khom lượm mấy trái đu đủ non vàng choé màu đất, bà Lê Thị Bảy vừa bảo: “Nếu trời không hại thì đầu tháng 11 tới đây thu hoạch 5 sào đu đủ này tôi sẽ bỏ túi hơn 25 triệu đồng. Còn chừ, mót lại từng trái đem ra chợ bán, cao tay lắm cũng chỉ được vài trăm nghìn đồng.”. Xem ra, bà Bảy vẫn còn may mắn hơn nhiều người. Bởi, không ít gia đình nơi đây làm rau cải, hành, rau húng, khổ qua, bồ ngọt, mồng tơi... thì chẳng còn được thứ gì để mà mang ra chợ. Tất cả đều thối và vàng như nước lũ.
Khôi phục sản xuất: Khó đủ bề!
Chừng nửa tháng nữa thôi là nông dân Quảng Nam triển khai gieo trồng rau vụ đông để kịp cung ứng cho nhu cầu hằng ngày của người tiêu dùng và hướng đến thị trường Tết. Vậy nhưng, ngoài những ngổn ngang do cơn lũ dữ gây ra chưa được khắc phục thì nhiều gia đình lại nơm nớp lo thiếu nguồn giống để sản xuất.
800 triệu đồng mua hạt giống hỗ trợ dân vùng lũ Chiều 13/10, ông Nguyễn Thanh Quang – Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Nam cho biết: Vụ đông này, toàn tỉnh sẽ triển khai sản xuất ít nhất 5 nghìn ha rau (chủ yếu là rau ăn lá). Ngành nông nghiệp đã chính thức đề nghị UBND tỉnh cấp 800 triệu đồng từ nguồn Quỹ phòng chống thiên tai để mua hạt giống hỗ trợ cho nông dân ở những vùng bị thiệt hại nặng nề trong đợt bão lũ vừa qua. Theo ông Quang, với số tiền trên, lượng hạt giống chỉ đảm bảo cho việc gieo trồng khoảng 1 nghìn ha, số diện tích còn lại nông dân phải tự lo liệu...
Không chỉ 2 sào rau đang tươi tốt bị mất trắng, do nằm sát sông, ngần ấy diện tích đất canh tác của ông Nguyễn Ngọc Chạy (khối phố Mỹ Hoà, thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên) cũng bị một lượng lớn cát đá bồi lấp nghiêm trọng. Ngay khi lũ rút, vợ chồng ông Chạy nhanh chóng bắt tay vào việc cải tạo nhưng đến thời điểm này mới chỉ giải quyết được 30-40% khối lượng. Đâu riêng gì ông Chạy, không ít gia đình ở vựa rau chuyên canh rộng hơn 5 ha này cũng đang từng ngày hì hục đưa những nổng cát cao ngất và mấy đống rơm, bèo khổng lồ ra khỏi ruộng mình. Cần nói thêm, tình trạng cát đá bồi lấp không phải chỉ xảy ra ở Mỹ Hoà mà cả nghìn ha đất chuyên canh rau tại Thăng Bình, Điện Bàn, Phú Ninh, Đại Lộc, Hội An... cũng cùng chung số phận. Những ngày qua, đi đến đâu cũng thấy nông dân dùng xẻng xúc cát đổ lên xe rùa đẩy ra sông trút. Tuy nhiên, tiến độ vẫn diễn ra rất chậm chạp do khối lượng bồi lấp quá lớn.
Tiếp xúc với nhiều nông dân cũng như lãnh đạo các địa phương, chúng tôi được biết, cái khó nhất bây giờ là bị động về nguồn giống rau. Bà Lương Thị Hay (xã Điện Minh, huyện Điện Bàn) lo lắng: “Dù giá cả đã bắt đầu tăng mạnh nhưng hạt rau muống, cải cay, xà lách còn dễ tìm mua chứ giống hành, hẹ thì chắc chắn là cực kỳ khan hiếm. Có tiền, chưa chắc có giống”. Theo bà Hay, trong vòng chưa đầy 1 tháng, không chỉ Quảng Nam mà rất nhiều tỉnh ở khu vực miền Trung này liên tiếp bị 3 cơn lũ lớn hoành hành, vì vậy toàn bộ diện tích hành, hẹ úng thối hoàn toàn, biết lấy đâu ra củ để mà nhân giống. Trong khi đó, nhu cầu của người tiêu dùng ở thời điểm từ nay đến Tết là rất lớn. Rõ ràng, đây quả là một bài toán rất khó, cần sự vào cuộc khẩn trương của ngành liên quan để giúp nông dân hoán giải.