00:00 Số lượt truy cập: 2670937

Xã Viên Sơn(Sơn Tây- Hà Tây): Hướng đến những vùng rau an toàn 

Được đăng : 03/11/2016

Một mùa rau bội thu nữa lại đến với người dân xã Viên Sơn (Sơn Tây), nhà nhà, người người phấn khởi, trên các cánh đồng xanh ngát, bạt ngàn những loại rau giá trị kinh tế cao. Từ các loại rau bình dân như: Cải, dền, hành, mùi, thì là đến các loại rau cao cấp như: Cần tây, tỏi tây, dưa chuột...


Mặc dù rau Viên Sơn chưa vươn ra thị trường ngoại tỉnh nhưng đã phần nào chứng minh được tính khả thi khi góp phần thiết thực vào đời sống sinh hoạt của nhân dân trên địa bàn thị xã. Kết quả hôm nay là do người Viên Sơn đã năng động thực hiện chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp, từ đó quy hoạch những vùng rau an toàn để từng bước đưa nền nông nghiệp của địa phương phát triển xứng tầm với vị trí địa lý giáp thị xã Sơn Tây, một thị trường tiêu thụ rộng lớn. Và hôm nay, điều đó như càng được khẳng định trên vùng đất ngọt này, cuộc sống người dân đã và đang sung túc, ấm no và hạnh phúc.

Nằm ở phía Bắc thị xã Sơn Tây, xã Viên Sơn chỉ có 130ha đất canh tác, trong đó có nhiều diện tích là gò cao hoặc gần khu đô thị trồng cây lương thực năng suất kém, nhưng những diện tích này lại thích hợp với phát triển cây hoa màu. Vì vậy, người dân trong xã đã sớm nhận thức việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, biến những vùng đồng cao thành những cánh đồng rau xanh không chỉ giải quyết việc làm, tăng thu nhập trên 1 đơn vị canh tác mà còn tạo điều kiện làm giàu cho các nông hộ.

Từ những năm 1997 đến nay, tình hình sản xuất nông nghiệp của xã đã có nhiều tiến bộ, giá trị sản xuất năm sau luôn cao hơn năm trước. Những thành công đó đã đưa Viên Sơn luôn là xã đứng đầu trên địa bàn thị xã về sản xuất, cũng như giá trị thu nhập trên 1 đơn vị diện tích. Bước ngoặt đưa nền nông nghiệp của xã phát triển vững chắc như ngày hôm nay đó là do nhân dân áp dụng những tiến bộ KHKT vào sản xuất rau cung cấp cho nhân dân thị xã.

Từ những năm 60, Viên Sơn đã được biết đến là một trong những vùng trồng rau nổi tiếng của thị xã. Trải qua nhiều tháng năm, cùng với sự gắn bó với nghề trồng rau, lấy đó làm hướng phát triển kinh tế chính, từ năm 2000 đến nay, Viên Sơn đã chú trọng đến công tác quy hoạch diện tích cây trồng, chuyển đổi cơ cấu sản xuất trong nông nghiệp nhằm tạo ra những giá trị sản phẩm mới, cho thu nhập cao. HTX NN khuyến khích duy trì, phát triển các diện tích chuyên canh rau màu vùng bãi khoảng từ 20 - 25ha. Trước kia diện tích này chuyên trồng các loại rau màu kém giá trị, thì nay được trồng bằng các loại rau cao cấp như: Bí Hồi, súp lơ, cần tây, tỏi tây, dưa chuột, mùi, thì là... Hiện nay, trên địa bàn xã có khoảng 80% dân số tham gia vào sản xuất rau màu, bình quân mỗi hộ có từ 1 đến 2 sào. Với kinh nghiệm trồng rau và sự năng động trong nắm bắt thị trường, đưa các tiến bộ kỹ thuật áp dụng vào chăm sóc nên trên 20ha đất màu đã quay vòng từ 8 - 10 vụ rau/năm. Với phương châm sản xuất theo công thức mùa nào thức ấy, nông dân thu hoạch rau đến đâu, tiến hành làm đất đến đó để gieo trồng rau lứa mới. Chính nhờ những phương thức luân canh đó nên giá trị sản xuất của 1ha đất trồng rau ở Viên Sơn rất cao, bình quân đạt từ 80-120 triệu đồng/ha/năm.

Đặc biệt, người Viên Sơn đã phát huy kinh nghiệm áp dụng KHKT vào sản xuất những loại rau trái vụ. Đến Viên Sơn vào những ngày hè oi bức, nhìn thấy những ruộng rau mùi, sà lách cũng không có gì đáng ngạc nhiên. Tuy việc chăm sóc khó khăn hơn, năng suất không bằng việc trồng chính vụ nhưng bù lại giá trị bán rau cao hơn rất nhiều nên thu nhập cao.

Nhiều nông hộ ở Viên Sơn chỉ từ vài sào ruộng trồng rau màu đã xây dựng được nhà cao tầng, với tiện nghi đầy đủ. Anh Nguyễn Đăng Huyền ở thôn Tiên Huân tâm sự: Trước đây cuộc sống gia đình rất khó khăn, ngành nghề phụ không có, buôn bán không đủ vốn nên kinh tế chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng. Nếu chỉ trông chờ vào gieo cấy vài sào lúa thì may ra đủ ăn chứ chưa dám nghĩ đến việc làm giàu. Và rồi anh quyết định chuyển toàn bộ diện tích trên sang trồng các loại rau màu vì nhận thấy thị trường Sơn Tây tiêu thụ rất mạnh những sản phẩm này. Đất không phụ công người, từ khi chuyển sang trồng rau màu đến nay, đời sống gia đình anh đã có bát ăn, bát để. Qua nhiều năm dành dụm, đến năm 2002 anh chị đã xây dựng được ngôi nhà 2 tầng khang trang với đầy đủ tiện nghi. Nhìn ngôi nhà và nội thất bên trong, chúng tôi không nghĩ đó là của anh nông dân sớm tối làm bạn với cây rau.

Hiện tại, gia đình anh gieo trồng 6 sào rau màu, trong đó có 3 sào trồng cải, rau dền, mùi, thì là... và 3 sào dưa chuột, bình quân mỗi sào trồng dưa thu nhập khoảng 3 triệu đồng 1 lứa, mỗi năm thu về vài chục triệu đồng/năm.

Điều đáng nói người dân Viên Sơn không chỉ chú trọng vào việc sản xuất cây rau mang tính truyền thống mà mấy năm trở lại đây, HTXNN Viên Sơn đã tập trung quy hoạch vùng sản xuất rau an toàn. Năm 2006, xã đã triển khai xây dựng thành công vùng rau an toàn với diện tích 4,5 ha và bước đầu vùng rau đã chứng minh được tính khả thi cao. Qua việc quy hoạch vùng rau an toàn, người Viên Sơn đã khắc phục được tình trạng dùng phân tươi vào sản xuất, thay vào đó là dùng các chế phẩm sinh học (IM) nên đảm bảo được vệ sinh an toàn đối với người tiêu dùng cũng như môi trường sản xuất. Toàn bộ các diện tích nằm trong vùng quy hoạch rau đều sử dụng nước máy, lấy qua 24 giếng khoan được kiểm nghiệm, đảm bảo tiêu chuẩn về chất lượng.

Hiện nay, vùng rau an toàn của xã được cung cấp phần lớn cho các bệnh viện, nhà trẻ trên địa bàn và một phần cung cấp cho người tiêu dùng qua 1 điểm bán hàng tại thị xã. Bình quân mỗi ngày, điểm bán rau này cung cấp khoảng 150-200kg rau an toàn cho nhân dân. Và để đảm bảo cho người sử dụng yên tâm, rau của Viên Sơn bán ra thị trường được đựng trong túi bóng, có ghi rõ địa chỉ để khách hàng yên tâm khi tiêu dùng. Ngoài ra, tất cả 92 hộ tham gia trồng rau tại vùng quy hoạch rau an toàn đều có cam kết sản xuất rau theo đúng quy trình, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Trong quy hoạch đô thị từ nay đến năm 2010, đất nông nghiệp của xã sẽ bị mất khoảng 50ha. Để đảm bảo cho nông nghiệp phát triển mang tính hàng hoá, hiệu quả và bền vững xã Viên Sơn sẽ triển khai quy hoạch vùng rau an toàn với diện tích 11,2ha nữa tại các xứ đồng Cây Chanh, Tám Tấn, Đồng Đuổi ở thôn Tiên Huân./.