00:00 Số lượt truy cập: 2679269

Ðắc Lắc chuyển dịch mùa vụ, cây trồng để phòng, tránh khô hạn 

Được đăng : 03/11/2016
Cứ bước vào mùa khô hằng năm, những địa phương lâu nay được coi là vùng "đất khát" như Cư M'gar, Buôn Ðôn... (Ðác Lắc) luôn đối mặt với tình trạng hạn hán, kéo theo nguy cơ thất bát của hàng trăm hộ nông dân. Năm nay, Đác Lắc thực hiện chuyển dịch mùa vụ, cây trồng để tránh khô hạn.

Trong vụ đông xuân 2006-2007 này, các địa phương trên đã có bước chuẩn bị đối phó như thế nào nhằm giảm đến mức thấp nhất thiệt hại cho người dân?

Đó là chủ trương được ngành nông nghiệp huyện Cư M'gar đề ra trong nhiều năm qua. Và đến vụ đông xuân năm nay, chủ trương ấy được chính quyền địa phương thực hiện một cách kiên quyết hơn bao giờ hết.

Anh Nguyễn Mười, Trưởng phòng Kinh tế huyện cho biết: Tại các xã Quảng Tiến, Ea Kpam, Cư M'ga... dường như bà con nông dân đã từng thấm thía với nỗi buồn thất bát do tình trạng hạn hán gây ra, cho nên khi bước vào vụ đông xuân 2006-2007, họ đã hưởng ứng và thực hiện việc chuyển đổi cây trồng trên những đồng đất được khuyến cáo là có nguy cơ khô hạn hết sức nghiêm túc và tích cực. Hiện một số loại cây trồng cạn và rau quả có hiệu quả kinh tế cao được người nông dân ở các địa phương trên đưa vào sản xuất  nhằm khắc phục nguồn nước tưới vốn khan hiếm vào những vụ đông xuân trước.

Ông Phan Cảnh (ở thôn 3-xã Cư M'gar) quả quyết: Nếu gia đình ông không mạnh dạn thay thế cây lúa nước bằng cây rau xanh thì vụ này chắc chắn không thoát khỏi cảnh trắng tay vì  khô hạn. Tuy có tốn công hơn, nhưng bù lại thu nhập trở nên đều đặn và chắc chắn hơn cây lúa. Gần ba sào rau của ông cho thu nhập đến giờ cũng xấp xỉ bốn triệu đồng, một khoản tiền mà theo ông Cảnh không phải dễ kiếm, thậm chí lớn hơn mấy chục lần so với  những năm trước cứ theo "thói quen" trồng lúa.

Bây giờ thì không riêng gì gia đình ông Cảnh mà có gần trăm gia đình khác trên vùng "đất khát" của xã Cư M'gar đã có thể yên tâm với cây rau và cây bí đỏ trong vụ đông xuân này. Nếu tính bình quân một ha rau và bí đỏ cho thu nhập 15-17 triệu đồng, thì trong vụ đông xuân năm nay riêng bà con nông dân hai xã Cư M'gar và Ea Kpam đã có khoản thu nhập gần 400 triệu đồng, vì họ có trong tay hơn 23 ha rau quả các loại được chuyển đổi phù hợp và kịp thời trên chân ruộng kiệt nước vào mùa khô.

Trong khi đó, theo anh Nguyễn Mười, Trưởng phòng Kinh tế huyện Cư M'gar thì với cánh đồng buôn Mroh (có diện tích hơn 40 ha và được dự báo trước là sẽ kiệt nước trong vụ đông xuân này, nhưng bà con vẫn không chịu rời bỏ cây lúa nước), nay đứng trước nguy cơ mất trắng hoàn toàn.

Anh Mười cũng cho rằng, tình trạng gieo cấy lúa nước tự phát, không phù hợp với quy hoạch của ngành nông nghiệp huyện trong từng mùa vụ cần phải sớm được chấm dứt. Qua thực tế vụ đông xuân năm nay cho thấy: Trên cơ sở khuyến cáo, chỉ đạo kế hoạch cũng như lịch vụ gieo trồng của Phòng Nông nghiệp huyện, địa phương nào chấp hành và tuân thủ nghiêm ngặt thì sản xuất của người dân ở đó không có gì ảnh hưởng lớn, vẫn có thể đạt được kết quả như mong muốn.

Ngành nông nghiệp cũng nhận định rằng, ngoài 40 ha lúa nước ở buôn Mroh (dự kiến sẽ mất trắng hoàn toàn do những nguyên nhân nêu trên), còn lại hơn 800 ha được các địa phương gieo trồng theo đúng kế hoạch, đến nay vẫn bảo đảm nguồn nước tưới dồi dào. Các xã và thị trấn ở phía bắc và phía đông gồm: Cư Suê, Ea Mnang, Chua Ðăng, Quảng Tiến, Quảng Phú, Ea Rok, CưDlei Mnông, Ea Tul... được hưởng lợi nguồn nước từ các công trình thủy nông như Ea Dông, Drao, Ea Tul (có sức chứa khoảng hơn 22 triệu m3 nước) nên việc đối mặt với tình hình khô hạn sẽ không còn căng thẳng như những năm trước.

Theo đó, ngành nông nghiệp cũng đã lạc quan đánh giá: Năng suất và sản lượng lương thực được giao cho các địa phương trong vụ đông xuân này có khả năng đạt kế hoạch đã đề ra.

Trong tổng số diện tích lúa nước 710 ha mà huyện Buôn Ðôn gieo sạ được trong vụ đông xuân năm nay, đến thời điểm này đã có gần 70 % diện tích đã thu hoạch với năng suất bình quân đạt 35-40 tạ/ha. Theo anh Nguyễn Ngọc Thu, cán bộ Phòng Kinh tế huyện Buôn Ðôn nhận xét: Mặc dù năng suất không cao do phải gieo cấy sớm, nhưng bù lại người dân vẫn có thu hoạch khá hơn các năm trước và đời sống kinh tế không còn gặp khó khăn như những vụ đông xuân trước.

Những cánh đồng lúa nước có diện tích lớn như Ea Ba, Ea Nhol... năm nay không còn cảnh tranh giành nguồn nước tưới như đã từng xảy ra nhờ  các địa phương đã chủ động triển khai gieo cấy sớm.

Ông Bế Văn Trọng, Chủ tịch UBND xã Ea Ba cho biết: Thường thì vụ đông xuân bắt đầu từ cuối tháng 11 cho đến tháng Giêng (âm lịch), nhưng ở đây, để tranh thủ nguồn nước khi mùa mưa vừa kết thúc, bà con đã nhanh chóng xuống giống đồng loạt từ tháng 10, cho nên đã  tránh được tình trạng khô hạn xảy ra.

Theo ông Trọng, 250 ha lúa nước của Ea Ba luôn bảo đảm nguồn nước tưới nhờ nguồn nước mưa năm ngoái được giữ lại; đồng thời do vào vụ sớm nên đã tranh thủ được lượng nước khá dồi dào từ công trình thủy lợi Ea Dông (từ Cư Mgar) đưa về, vì thế không còn rơi vào cảnh thất bát như mọi năm.

Cho đến nay, hơn một nửa diện tích lúa của Ea Ba đã được thu hoạch, số còn lại cũng đủ nguồn nước cần thiết cho cây lúa ngậm sữa và kết hạt. Những địa phương khác như: Tân Hòa, Ea Wen, Krông Na... diện tích lúa đông xuân còn lại (khoảng hơn 100 ha) cũng không lo thiếu nước nhờ mực nước ở các con suối trên địa bàn chưa đến nỗi kiệt; và nhất là đập thủy lợi hồ Chư Min vẫn còn thừa khả năng cung cấp nguồn nước tưới cho gần 60 ha lúa trên cánh đồng Nà Xược (thuộc xã Ea Wen) đang trổ bông cho đến khi thu hoạch.

Nhiều hộ nông dân ở đây đã lạc quan cho rằng: Với giải pháp chuyển đổi mùa vụ sớm hơn như thế thì tình trạng "trắng tay" do hạn hán gây ra trên vùng đất này dần được khắc phục.