Trồng dưa lưới công nghệ cao ở An Giang
Xác định xây dựng và phát triển ngành nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thì yếu tố nguồn nhân lực là chủ đạo. Ngoài đội ngũ cán bộ, công chức quản lý trong ngành nông nghiệp thì lực lượng ban quản lý điều hành HTX, tổ hợp tác và đặc biệt là nông dân trực tiếp sản xuất cần được đào tạo, tập huấn, nâng cao kiến thức về nông nghiệp hiện đại. Vậy nên, từ tháng 6/2023 đến nay, Trung tâm Khuyến nông An Giang phối hợp cùng trạm khuyến nông các huyện, thị, thành đã tổ chức được 50/102 lớp tập huấn với 1.855 lượt học viên tham dự. Cụ thể gồm 4 lớp tập huấn nâng cao năng lực quản lý điều hành; nâng cao trình độ chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ cao, năng lực tiếp cận thị trường cho HTX, tổ hợp tác trong lĩnh vực canh tác lúa và rau màu; 21 lớp về nâng cao năng lực sản xuất ở các ngành hàng với các lĩnh vực lúa, cây ăn trái, rau màu, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản; 23 lớp tập huấn nâng cao năng lực cho nông dân gắn với chuỗi liên kết tiêu thụ nông sản với 3 lĩnh vực lúa, cây ăn trái và rau màu.
Thông qua các lớp đào tạo, tập huấn nhằm giúp nông dân cập nhật thông tin, học tập thêm kiến thức về nhiều lĩnh vực như học hỏi kinh nghiệm, nâng cao vai trò, chức năng, nhiệm vụ và hoạt động của HTX, tổ hợp tác nông dân nòng cốt tại địa phương trong việc thực hiện chuỗi liên kết theo yêu cầu của doanh nghiệp; các thông tin, chính sách hỗ trợ cho tổ chức nông dân, xúc tiến các chuỗi liên kết tiêu thụ lúa, nếp và kinh nghiệm điều hành, quản lý và phát triển các loại hình dịch vụ HTX, tổ hợp tác; các giải pháp khoa học kỹ thuật và công nghệ áp dụng vào canh tác lúa theo hướng hiện đại và bền vững; hỗ trợ nông dân cập nhật và chia sẻ kinh nghiệm về tiêu chuẩn canh tác lúa theo SRP gắn với liên kết tiêu thụ; ứng dụng thông tin và truyền thông, tiếp cận sàn thương mại điện tử, tiêu thụ nông sản trong thời đại số; ghi chép nhật ký sản xuất, các yêu cầu về kỹ thuật, chất lượng sản phẩm… phục vụ các chuỗi liên kết, các mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để người nông dân chia sẻ, thảo luận về các vấn đề kỹ thuật trong canh tác lúa, nếp, rau màu, cây ăn trái, chăn nuôi và thủy sản; khó khăn trong quản lý, điều hành tổ chức nông dân và thảo luận các giải pháp tháo gỡ.
Để trang bị cho nông dân có trải nghiệm thực tế, học hỏi kinh nghiệm từ những mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả, Trung tâm Khuyến nông tỉnh An Giang còn tổ chức 2 chuyến đi thực tế học tập kinh nghiệm tại 2 tỉnh Sóc Trăng và Hậu Giang với 50 học viên là nông dân nòng cốt trên địa bàn thuộc lớp bồi dưỡng tập huấn chuyên sâu cho nông dân nòng cốt trong lĩnh vực cây ăn trái.
Theo bà Huỳnh Đào Nguyên - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông An Giang, thời gian tới, để hoàn thành kế hoạch phát triển nguồn nhân lực phục vụ phát triển nông nghiệp công nghệ cao năm 2023, Trung tâm Khuyến nông An Giang sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Tỉnh Đoàn An Giang, các trạm khuyến nông để tổ chức các lớp tập huấn theo kế hoạch đúng tiến độ. Trung tâm cũng sẽ phối hợp với các viện, trường bố trí các giảng viên, chuyên gia trực tiếp giảng dạy cho học viên tham gia lớp tập huấn gồm nông dân, sinh viên, nhân viên hệ thống trồng trọt và BVTV, khuyến nông viên ở các lớp bồi dưỡng chuyên sâu cho lực lượng chuyên trách theo chuỗi giá trị ngành hàng chủ lực; bồi dưỡng, huấn luyện kiện toàn lực lượng khuyến nông viên, nhân viên kỹ thuật nông nghiệp trong tỉnh An Giang.
Linh Đan