00:00 Số lượt truy cập: 2663067

Bắc Giang: Hội Nông dân tỉnh hỗ trợ nông dân liên kết sản xuất 

Được đăng : 15/11/2021

img0838

Mô hình áp dụng canh tác lúa thân thiện với môi trường của Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang

                                                                                                     

Xác định nông dân là chủ thể trong xây dựng các mô hình liên kết sản xuất cùng với việc trang bị, bồi dưỡng kiến thức về kỹ thuật, kinh tế, kỹ năng quản lý sản xuất, Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang tổ chức các hội nghị tập huấn, tọa đàm, trao đổi về hiệu quả của mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; tổ chức cho nông dân tham quan thực tế các mô hình, từng bước thay đổi nhận thức, tập quán sản xuất từ nhỏ lẻ sang liên kết hợp tác; cách làm từ cá thể sang tập thể,  phương thức sản xuất truyền thống gắn liền với sản xuất nông nghiệp hàng hóa,  ứng dụng KHKT,  thân thiện với môi trường nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác gắn với phát triển bền vững.

Thực hiện nhiều cuộc tọa đàm giữa nông dân với doanh nghiệp về liên kết tiêu thụ sản phẩm, trao đổi kinh nghiệm về quản lý sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp an toàn, chất lượng cao cho trên 3500 đại biểu là cán bộ, hội viên nông dân, các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác; tập huấn khởi sự hợp tác xã cho trên 1.600 cán bộ, hội viên, nông dân có nhu cầu thành lập HTX, thành viên HTX…; Bên cạnh đó, các cấp Hội tổ chức các lớp tập huấn trang bị kiến thức cho các hộ nông dân, tổ hợp tác và hợp tác xã về xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh; kỹ năng đàm phám hợp đồng trong liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; những kiến thức pháp luật để chủ động bảo vệ quyền lợi trong quá trình tham gia sản xuất theo chuỗi giá trị.

Từ những chuyển biến tích cực trong nhận thức về sản xuất bảo đảm an toàn thực phẩm, nhiều sản phẩm của nông dân Bắc Giang đã được sản xuất và tiêu thụ theo chuỗi giá trị như rau, nấm, thịt lợn, gà đồi, dê,…Ðây là  tiền đề quan trọng hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung và sản phẩm chủ lực của tỉnh như vải thiều Lục Ngạn, Na Lục Nam, rau thành phố Bắc Giang, vải sớm Tân Yên, nấm Lạng Giang, gà đồi Yên Thế, bánh chưng vân Hiệp Hòa, mật ong Sơn Động,…


img0437

Mô hình nông nghiệp tuần hoàn nuôi giun quế - trồng khoai tây của Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang

Xây dựng và nhân rộng mô hình hiệu quả

Các cấp Hội xây dựng mô hình liên kết, hợp tác; tổ hội, chi hội nghề nghiệp tập trung vào các sản phẩm chủ lực, tiềm năng, Ocop của tỉnh. Các mô hình được hướng dẫn thành lập, hỗ trợ về kỹ thuật, giống, vốn, xây dựng nhãn hiệu sản phẩm, bao bì, tem nhãn truy xuất nguồn gốc,…bước đầu đã tạo thương hiệu, hoạt động hiệu quả.

Được sự hỗ trợ từ Hội Nông dân tỉnh, thông qua Chương trình (MTCP2), các hộ trồng na dai tại xã Nghĩa Phương (Lục Nam) đã được trang bị kiến thức và nâng cao năng lực về lập kế hoạch sản xuất kinh doanh, nghiên cứu thị trường, hoạt động marketing, phát triển HTX, thăm quan nghiên cứu các mô hình tổ hợp tác, HTX thành công trong và ngoài tỉnh, đến nay, HTX đã phát triển và hoạt động ổn định, các thành viên gắn bó với HTX, cùng cộng đồng trách nhiệm trồng và chăm sóc cây na theo tiêu chuẩn VietGap. Toàn bộ sản phẩm do các thành viên HTX sản xuất ra đều được Ban Giám đốc HTX ký kết với các siêu thị, cửa hàng bán sản phẩm nông nghiệp an toàn trên địa bàn tỉnh và khu vực lân cận theo “chuỗi giá trị” với giá thành ổn định, có lãi cao, các hộ thành viên nhiệt tình hưởng ứng tham gia đồng thời đóng góp tích cực trong phát triển na thành sản phẩm chủ lực và được cấp chỉ dẫn địa lý của huyện.

Từ nguồn vốn của Quỹ HTND triển khai thành lập 145 tổ hội nông dân nghề nghiệp, 10 chi hội nông dân nghề nghiệp, 130 tổ hợp tác và 12 HTX kiểu mới. Điển hình như mô hình "Trồng và chăm sóc cây cam đường canh" tại xã Giáp Sơn, huyện Lục Ngạn đã thành lập mô hình " Liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản"; mô hình "Nuôi dê sinh sản" ở xã Lan Giới đã góp phần hình thành vùng nuôi dê tập trung của huyện với tổng đàn dê trên 1.500 con và thành lập HTX chăn nuôi dê. HTX Đồng Tâm 3 (Hiệp Hòa) được  hỗ trợ một tỷ đồng phát triển mô hình tồng dưa lưới công nghệ cao thành công, là HTX đầu tiên của tỉnh tham gia liên hiệp HTX kinh tế số Việt Nam.

Kết nối, hỗ trợ sản xuất, tiêu thụ sản phẩm

Hội Nông dân tỉnh ký chương trình phối hợp với Hội Nông dân thành phố Hà Nội, Hội Nông dân các tỉnh Hà Giang, Vĩnh Phúc; chủ động phối hợp với các sở, ngành của tỉnh thực hiện hợp tác, kết nối sản xuất, tiêu thụ nông lâm thủy sản, phát triển chuỗi cung cấp rau, thịt, nông sản an toàn cho người dân. Đặc biệt, đợt dịch covid-19 lần thứ 4 bùng phát, tỉnh Bắc Giang chịu ảnh hưởng nặng nề, với tinh thần “Kết nối nông sản - San sẻ yêu thương - Cùng nhau vượt qua đại dịch”. Bằng nhiều hình thức như: tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu quả vải thiều Lục Ngạn trên các kênh thông tin đại chúng qua Webside, Fanpage, Facebook, zalo,…; Kết nối với Trung tâm Hỗ trợ Nông dân, nông thôn Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Hội Nông dân các tỉnh, thành phố, các doanh nghiệp, các sàn thương mại điện tử (Postmart.vn),…lập chuyên mục “Hỗ trợ tiêu thụ Vải thiều” trên trang thông tin điện tử Hội Nông dân tỉnh,…phối hợp tổ chức một số điểm quảng bá và tiêu thụ nông sản trong và ngoài tỉnh; lựa chọn những HTX sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP và đóng gói bảo đảm quy cách theo quy định, có nhãn mác truy xuất nguồn gốc và có giấy chứng nhận lô hàng an toàn.

Kết quả hỗ trợ tiêu thụ được 5.483 tấn, bao gồm: vải 3.057 tấn (trong đó vải thiều Lục Ngạn 2.088 tấn, còn lại các huyện Lục Nam, Lạng Giang, Yên Thế, Sơn Động); 1.729 tấn dứa, dưa hấu, dưa lê, dưa vàng, thanh long; 458 rau củ quả; gà, vịt, chim bồ câu 206 tấn…, tổng giá trị 72,6 tỷ đồng. Đặc biệt Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang đã trực tiếp kết nối với HND của 03 tỉnh Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Quảng Trị và Báo điện tử Dân việt/Báo Nông thôn tiêu thụ trên 70 tấn vải thiều Lục Ngạn. Hội Nông dân tỉnh chỉ đạo Hội Nông dân các huyện, thành phố thành lập các tổ, đội tình nguyện tại cơ sở (tổ, đội tình nguyện bình quân từ 10-15 người) có khoảng 3.000 lượt người hàng ngày tham gia hỗ trợ các gia đình cách ly thu hoạch, bốc vác, vận chuyển và tiêu thụ nông sản.

Việc Hỗ trợ nông dân liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị đã làm thay đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp trong vùng; các lớp tập huấn đã có sức lan tỏa trong cộng đồng, nâng cao nhận thức, kiến thức của cán bộ, hội viên nông dân về vai trò của kiên kết trong sản xuất, kinh doanh và dịch vụ, từng bước thay đổi tư duy, tập quản sản xuất nhỏ lẻ, manh mún của người nông dân; nông dân đã mạnh dạn ứng dụng, đầu tư công nghệ mới nhất là trong lĩnh vực sản xuất, chế biến nông sản hàng hóa; nông dân đã biết liên kết chặt chẽ với các tổ chức, cá nhân làm khoa học công nghệ, thu hút hàng triệu lao động nông thôn có việc làm tại chỗ với thu nhập ổn định,  góp phần vào việc phát triển sản xuất bền vững, nâng cao thu nhập và làm giàu chính đáng cho nông dân.

 

Lã Văn Đoàn - PCT Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang