00:00 Số lượt truy cập: 2669737

Đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất nông nghiệp của Hội Nông dân tỉnh Ninh Bình 

Được đăng : 02/04/2020

Xác định việc đẩy mạnh ứng dụng KHCN vào sản xuất nông nghiệp để nâng cao năng suất lao động, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp là nhiệm vụ quan trọng. BTV Hội Nông dân tỉnh tập trung chỉ đạo các cấp Hội phối hợp triển khai các hoạt động ứng dụng KHCN để nâng cao hiệu quả trong sản xuất, khai thác tiềm năng thế mạnh của từng gia đình, từng địa phương. Hội Nông dân tỉnh và Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và kiến thức mới về khoa học, công nghệ; vận động cán bộ, hội viên, nông dân tích cực tham gia phong trào“Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”; phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền vận động cán bộ, hội viên nông dân tích cực tham gia ứng dụng chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ vào sản xuất, kinh doanh, dịch vụ cải thiện đời sống. Nhất là việc ứng dụng, chuyển giao về giống cây, con có năng suất và giá trị cao để phát triển trồng trọt và chăn nuôi, công nghệ sinh học, công nghệ bảo quản sau thu hoạch, công nghệ chế biến nông sản, công nghệ thông tin, phát triển ngành nghề, làng nghề truyền thống, hình thành nghề mới để phát triển sản xuất hàng tiêu dùng và xuất khẩu, bảo vệ môi trường sinh thái… nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn hướng tới nông nghiệp hàng hoá đa dạng có sức cạnh tranh cao và giá trị ngày càng tăng, góp phần tích cực vào sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn. Việc tuyên truyền được lồng ghép với các chương trình phát triển kinh tế xã hội với các hình thức như tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh của tỉnh, huyện, cơ sở, tại các buổi sinh hoạt ở chi, tổ Hội…

Phối hợp với Đài phát thanh truyền hình tỉnh, Báo Ninh Bình, Kênh VTV16 Đài truyền hình Việt Nam xây dựng chuyên mục, chuyên trang. Chọn cử 04 nông dân tham gia cuộc thi “Tôi là nông dân 4.0”, “Làm nông thời công nghệ 4.0”; Thành lập Hội đồng xét chọn 01 cá nhân tham gia chương trình tôn vinh “Nhà khoa học của nhà nông” năm 2018.

Phát hành Bản tin Nông dân Ninh Bình với số lượng 24.000 cuốn làm tài liệu sinh hoạt chi, tổ Hội. Duy trì hoạt động của trang thông tin điện tử, đến nay đã có gần 6.557,214 lượt người tham gia truy cập. Để tạo điều kiện cho hội viên tiếp cận kiến thức về trồng trọt, chăn nuôi, các cấp Hội đã thường xuyên phối hợp với trung tâm khuyến nông, khuyến ngư, các công ty, tổ chức tập huấn, chuyển giao tiến bộ KHKT về chăm sóc lúa và rau màu, về nuôi trồng thuỷ sản, cách phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc gia cầm…Hội Nông dân tỉnh trực tiếp tổ chức 24 lớp tập huấn chuyển giao KHKT và phòng chống dịch lợn tả Châu Phi cho gần 3.000 lượt hội viên, nông dân ở 8 huyện, thành phố. Các cấp Hội đã phối hợp với các ngành tổ chức tập huấn, chuyển giao KHKT được 4.586 buổi cho 254.226 lượt cán bộ, hội viên nông dân tham gia với nhiều nội dung thiết thực như: kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, sử dụng phân bón - thuốc bảo vệ thực vật có hiệu quả, kỹ thuật nuôi trồng thủy sản; sản xuất, chế biến kinh doanh thực phẩm an toàn… Các cấp Hội đã xây dựng 303 mô hình sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn, trong đó Hội Nông dân tỉnh đã triển khai 8 mô hình theo Nghị quyết 39 của HĐND tỉnh: Mô hình sản xuất rau theo hướng hữu cơ ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích 2ha tại xã Khánh Cư (Yên Khánh); Mô hình chuyển đổi đất kém hiệu quả sang nuôi trồng chuối, nuôi cá với tổng diện tích 5ha tại xã Yên Mỹ (Yên Mô) và Mô hình sản xuất rau theo hướng hữu cơ ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích 2ha tại xã Lạng Phong (Nho Quan) v.v... Triển khai Đề tài: Xây dựng mô hình xử lý rác thải sinh hoạt bằng lò đốt CNC330 tại xã Gia Hưng, huyện Gia Viễn.Triển khai 25 mô hình ứng dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi; 165 mô hình trồng trọt; 184 mô hình chăn nuôi. Tổ chức thăm quan một số mô hình nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi tiêu biểu; tổ chức hội nghị thăm quan, trao đổi kinh nghiệm nhân rộng mô hình trang trại tổng hợp.

Phối hợp với công ty TNHH Enzyma Việt Nam tập huấn về sử dụng chế phẩm sinh học Biowish trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và bảo quản nông sản, triển khai thử nghiệm các mô hình ở các huyện Nho Quan, Yên Mô, Gia Viễn...

Hội Nông dân tỉnh tổ chức 4 lớp tập huấn kỹ năng sử dụng máy tính, internet và điện thoại thông minh nhằm nâng cao năng lực quản lý, sử dụng phần mềm văn bản trên Ioffice, sử dụng máy tính, internet và điện thoại thông minh cho cán bộ, hội viên nông dân. Tại các lớp tập huấn, học viên được các giảng viên hướng dẫn, chia sẻ các kiến thức về sử dụng máy tính, điện thoại thông minh và internet; chia sẻ những hình ảnh/video về các buổi tập huấn lên nhóm chung trên mạng xã hội Zalo, facebook; giới thiệu đến các thành viên của CLB những gương hội viên nông dân có mô hình sản xuất, kinh doanh, trồng trọt, chăn nuôi…đạt hiệu quả nhằm khích lệ các thành viên tìm tòi, học hỏi và chia sẻ với nhiều hội viên khác. Hướng dẫn cách khai thác, tìm hiểu thông tin liên quan đến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn; thông tin tìm hiểu giá cả thị trường, nơi cung cấp, nơi bán các sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn. Thêm vào đó còn khai thác các thông tin hữu ích trên mạng để phục vụ công việc sản xuất, kinh doanh và đời sống tinh thần: các biện pháp tránh nắng nóng cho gia súc, gia cầm; cách phòng trừ bệnh bạc lá lúa, các giống lúa có khả năng cao chống bệnh lùn sọc đen: giống lúa gạo Nhật…, các giống cây con đem lại hiệu quả kinh tế cao, cách phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Triển khai xây dựng mô hình ứng dụng, chuyển giao khoa học và công nghệ cho nông dân là việc làm mang lại hiệu quả thiết thực cho nông dân.

Hội Nông dân tỉnh phối hợp các ngành tổ chức triển khai xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao áp dụng hệ thống tiên tiến trong nuôi trồng thủy sản như hệ thống xử lý nước, thức ăn, giảm công lao động, chủ động sản xuất; trong trồng trọt khắc phục được điều kiện bất lợi của thời tiết chủ động đảm bảo độ ẩm cho cây sinh trưởng và phát triển tốt…Hội Nông dân tỉnh đã chủ trì xây dựng 9 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và triển khai nhiệm vụ hỗ trợ tư vấn sản xuất kinh doanh nông nghiệp và hỗ trợ tập huấn tuyên truyền về ATTP cho cán bộ, hội viên nông dân trong tỉnh với số tiền hơn 4,7 tỷ đồng. Phối hợp với Trung tâm Khoa học Nông vận Trung ương Hội triển khai thực hiện dự án: “Xây dựng mô hình ứng dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học kỹ thuật và chuyển giao công nghệ sản xuất Cà chua thương phẩm chất lượng cao, theo hướng VietGAP tại huyện Nho Quan và Yên Mô với quy mô 09 ha.

Kết quả thực hiện công tác khoa học công nghệ trong phát triển nông nghiệp, nông thôn đã tuyên truyền, vận động và đưa các tiến bộ khoa học công nghệ áp dụng vào thực tiễn cuộc sống giúp cho cán bộ, hội viên nông dân có thêm kiến thức, vốn, KHKT… áp dụng vào sản xuất góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, góp phần quan trọng vào chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, người nông dân đã nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong việc sản xuất các nông sản an toàn.

TTKH