00:00 Số lượt truy cập: 2668106

Hà Nội: Cần tạo chuyển biến đột phá trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao 

Được đăng : 15/03/2022

ha-noi

Vườn trồng hoa lan công nghệ cao của HTX Đan Hoài - Flora Việt Nam (Đan Phượng, Hà Nội). 

Những năm gần đây, ngành nông nghiệp Hà Nội đã có bước chuyển mình mạnh mẽ nhờ tích cực chuyển đổi cơ cấu, ứng dụng rộng rãi kỹ thuật công nghệ cao, mang lại nguồn lợi kinh tế cao cho người nông dân, góp phần thiết thực xây dựng nền nông nghiệp sinh thái phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững. Năm 2021, giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản của thành phố Hà Nội đạt 39.568,4 tỷ đồng, tăng 3,46% so với năm trước, trong đó: trồng trọt, chăn nuôi: 36.113,6 tỷ đồng, chiếm 91,3%; thủy sản 3.356,3 tỷ đồng, chiếm 8,5%; lâm nghiệp 98,4 tỷ đồng, chiếm 0,2%. Trong đó, sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao đã chiếm 35% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của thành phố.

Hiện nay cả thành phố có 160 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong đó: có 39 mô hình thuộc lĩnh vực chăn nuôi, 105 mô hình thuộc lĩnh vực trồng trọt, 15 mô hình thuộc lĩnh vực thủy sản và 1 mô hình kết hợp trồng trọt và chăn nuôi. Các mô hình chủ yếu tập trung ở các huyện như: Mê Linh, Gia Lâm, Thường Tín, Đông Anh, Thanh Oai, Đan Phượng… Một số mô hình ứng dụng công nghệ cao từ nước ngoài, đầu tư máy móc thiết bị hiện đại, bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với tình hình thực tế của Hà Nội và đang khẳng định được vị thế trên thị trường.

Có thể nói, những thành tựu từ ứng dụng khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực nông nghiệp thời gian qua là rất đáng ghi nhận, tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Các mô hình sản xuất nông nghiệp cao của Hà Nội quy mô còn nhỏ, ứng dụng công nghệ cao mới đạt từng phần, từng khâu, chưa hình thành được nhiều vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, gắn với bảo quản, chế biến nông sản phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, chưa tạo được cơ chế, chính sách mang tính "đòn bẩy" thu hút các doanh nghiệp có tiềm lực đầu tư….

 Để phát triển khoa học, công nghệ trong lĩnh vực này, ngành Nông nghiệp và các địa phương cần đổi mới tư duy, triển khai đồng bộ giải pháp cơ chế, chính sách về đất đai, nguồn vốn, việc nâng cao trình độ nghề cho nông dân, từng bước tháo gỡ khó khăn, tồn tại trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp công nghệ cao...Trước hết là việc khẩn trương rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật, tạo môi trường lành mạnh thúc đẩy hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; tăng cường hỗ trợ các mô hình khuyến nông, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia chuyển giao công nghệ; đẩy nhanh quá trình thẩm định,thương mại hóa kết quả nghiên cứu, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển thị trường khoa học công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp; gắn nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ với nhu cầu thị trường, tăng lợi nhuận, mang lại hiệu quả cao trong sản xuất nông nghiệp; đầu tư phát triển lực lượng khoa học công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp, chú trọng cơ chế trọng dụng đội ngũ nghiên cứu khoa học công nghệ trong nước cũng như thu hút giới trí thức người Việt Nam ở nước ngoài tham gia các hoạt động nâng cao tiềm lực khoa học công nghệ.

TB