Thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 6/3/2018 của Tỉnh ủy Hậu Giang về về “Xây dựng và phát triển Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hậu Giang đến năm 2025” đã thúc đẩy việc chuyển giao và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới nhằm tăng năng suất, chất lượng, giảm giá thành và thích ứng với biến đổi khí hậu, giúp nâng cao giá trị sản xuất cho nông dân trên cùng diện tích đất canh tác.
Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hậu Giang thuộc huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang có diện tích 5.200 ha; trong đó, diện tích khu vực trung tâm là 415 ha, diện tích khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là 4.785 ha. Khu nông nghiệp được chọn là nơi có tập quán sản xuất lúa lâu đời. Bên cạnh đó, vùng này dần hình thành nhiều loại cây ăn trái có giá trị cao và người dân bắt đầu nuôi tôm tại vùng ven đê bao vào mùa xâm nhập mặn. Trong các phân khu thì có khu kêu gọi đầu tư thủy sản, lúa, cây trồng cạn và vi sinh; khu thực nghiệm trồng cây trồng cạn và vi sinh, khu thực nghiệm và trình diễn lúa. Hiện nay, Ban quản lý và địa phương đã vận động được nhiều hộ tham gia các dự án thử nghiệm, bước đầu đã mang lại hiệu quả tích cực.
Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã lập quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết xây dựng tỉ lệ 1/2000, 1/500. Đến nay, đang thực hiện 3 dự án, đề tài khoa học gồm: 1 dự án cấp bộ, 1 dự án cấp tỉnh, 1 đề tài nghiên cứu khoa học. Năm 2017, đã ký kết với tổ chức chuyển giao khoa học công nghệ và thương mại nông nghiệp Hàn Quốc thử nghiệm một số chế phẩm sinh học trên 14 ha lúa. Trong năm 2018, sẽ tiếp tục tiến hành trên 8 ha cây lúa, 2 ha cây dứa, khoảng 2 ha cây có múi và khoảng 2 ha cây xoài.
Cùng với các ngành, các cấp ở địa phương, thời gian qua Hội Nông dân tỉnh cũng đã tập trung hỗ trợ nông dân phát triển nông nghiệp theo chiều sâu. Cụ thể là tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ mới vào sản xuất, hình thành các vùng nguyên liệu nông sản chuyên canh phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng trong tỉnh và chế biến xuất khẩu, tạo mối liên kết 4 nhà ở các mô hình sản xuất… Đến nay, tỉnh Hậu Giang đã hình thành một số nhãn hiệu nông sản có mặt trên thị trường trong khu vực và cả nước như: Khóm Cầu Đúc, cá thát lát Hậu Giang, quýt đường Long Trị, cam sành Ngã Bảy, xoài cát Hậu Giang,… Ngoài ra, tỉnh cũng xuất hiện những nông dân với nhiều cách làm ăn mới, sáng tạo hữu dụng trong sản xuất và đời sống, giúp tiết kiệm chi phí, công sức lao động như: Máy xới trục liên hợp; máy sạ lúa, nông cụ diệt cỏ/.
BBT