Phong trào Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi được Hội Nông dân các cấp trên địa bàn tỉnh triển khai mạnh mẽ, sâu rộng, tạo khí thế thi đua sôi nổi, phát huy tính sáng tạo trong sản xuất của hội viên, nông dân, nâng cao thu nhập của các hộ lên đáng kể. Nhiều hộ sản xuất, kinh doanh giỏi có thu nhập từ hàng trăm đến hàng tỷ đồng mỗi năm. Tiêu biểu như: nông dân Triệu Mùi Líu (Hoàng Su Phì) thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm; Cam Thanh Huynh (Bắc Quang) thu nhập hơn 1,3 tỷ đồng/năm; Đặng Văn Minh (Vị Xuyên) thu nhập gần 1,1 tỷ đồng/năm; Nguyễn Văn Kỳ (Bắc Mê) thu nhập 899 triệu đồng/năm; Giàng Khua Già (Mèo Vạc) thu nhập 900 triệu đồng/năm...
Từ nguồn vốn vay của Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp, các dự án vay vốn phát huy hiệu quả, có sự liên kết chặt chẽ giữa các hộ thành viên trong quá trình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, cùng chia sẻ kinh nghiệm, cách làm góp phần nâng cao thu nhập cải thiện đời sống cho hội viên, nông dân.Một số mô hình tiêu biểu như: Mô hình thâm canh cam sành theo quy trình Việt GAP tại các xã: Vĩnh Phúc, Vĩnh Hảo, Đồng Yên, huyện Bắc Quang; mô hình trồng rau sạch ở huyện Quản Bạ, mô hình chăn nuôi trâu, bò nhốt chuồng ở huyện huyện Vị Xuyên; mô hình nuôi gà hàng hóa ở thành phố Hà Giang.
Bên cạnh đó, các cấp Hội phối hợp tổ chức 147 cuộc tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho 6.536 hội viên, nông dân; cùng với các ban, ngành, đoàn thể hỗ trợ nông dân xây dựng mô hình phát triển kinh tế về trồng trọt, chăn nuôi.
Đến nay, toàn tỉnh có 65.747 máy nông nghiệp các loại; trên 400 mô hình thâm canh cánh đồng mẫu với diện tích trên 4.000ha; đã quy hoạch vùng lúa hàng hóa tại các huyện Bắc Quang, Quang Bình, Vị Xuyên, Bắc Mê, với diện tích gieo trồng hàng năm trên 7.000ha; vùng sản xuất ngô hàng hóa tại các huyện Bắc Quang, Quang Bình, Vị xuyên, Xín Mần với diện tích gieo trồng hàng năm trên 8.000ha.
Đặc biệt, toàn tỉnh Hà Giang đã có 1.543/7.900ha cam sành, 580/5.500ha chè và hàng nghìn ha rau các loại được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP; 1.720ha chè được cấp chứng nhận sản phẩm hữu cơ; gần 900ha cây dược liệu và trên 28.400 đàn ong. Nhiều sản phẩm nông nghiệp mang tính đặc sản của Hà Giang đã được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý như cam sành Hà Giang, mật ong bạc hà Mèo Vạc, hồng không hạt huyện Quản Bạ./.
BBT