Hiện nay nông dân thành phố đã từng bước thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con vật nuôi, góp phần đưa giá trị sản xuất ngành nông nghiệp tăng nhanh.Các cấp Hội tập tăng cường chỉ đạo, thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt; gắn việc giám sát, phản biện xã hội với đẩy mạnh hợp tác tăng cường các hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ và dạy nghề, đáp ứng nhu cầu và lợi ích thiết thực của hội viên, nông dân; tham gia có hiệu quả công tác xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần đẩy nhanh tiến độ tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới bền vững, đô thị văn minh, hiện đại.
Hội Nông dân thành phố triển khai thực hiện các mô hình, chương trình, dự án, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa, theo chuỗi giá trị, các hình thức sản xuất tiên tiến, bền vững; thúc đẩy sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất, hạn chế tối đa các tác động bất lợi của khí hậu, cung cấp các điều kiện tối ưu cho sản xuất cây trồng, vật nuôi, không ngừng nâng cao đời sống người nông dân và xây dựng nông thôn mới ngày càng văn minh, tươi đẹp.
Hội Nông dân quận Cẩm Lệ là địa phương thực hiện tốt việc chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho nông dân. Hội cùng các cơ quan chức năng tích cực chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, hỗ trợ nông dân làm nhiều mô hình mới đạt hiệu quả cao. Sản phẩm nơi đây đạt tiêu chuẩn VietGAP, được nhiều đơn vị, trường học trên địa bàn thành phố hợp đồng tiêu thụ dài hạn và ngày nào cũng có tiểu thương đến mua tại chỗ. Cả 148 hộ canh tác tại vùng rau này đều có sản phẩm bán quanh năm, thu nhập cao hơn nhiều lần so với sản xuất lúa. Đến nay, toàn quận Cẩm Lệ đã có 14,5 hecta trồng rau chuyên canh, sản lượng bình quân đạt 510 tấn/năm với doanh thu mỗi năm trên 6 tỷ đồng. Gần đây nhất, 5 hecta đất lúa kém năng suất cũng đã được chính quyền hỗ trợ để chuyển sang trồng rau, đậu ngắn ngày./.
V.Anh