00:00 Số lượt truy cập: 2637630

Hội Nông dân tỉnh Bắc Ninh kết hợp tập huấn về khoa học công nghệ với đẩy mạnh triển khai các dự án ứng dụng cho nông dân 

Được đăng : 22/10/2019

 

Xác định rõ vai trò của nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa, Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp với các sở, ngành, đặc biệt là Sở Khoa học và Công nghệ tập trung đẩy mạnh ứng dụng các giống cây trồng có năng suất chất lượng cao, thích hợp với điều kiện sinh thái, mùa vụ và trình độ sản xuất của nông dân trong tỉnh. Bên cạnh đó, Hội Nông dân các cấp phối hợp với Công ty TNHH vật tư nông nghiệp Bắc Giang, Công ty phân bón Sông Gianh, Công ty Tân Phát, Công ty CP Supe phốt phát và hóa chất Lâm Thao, Nhà phân phối Thùy Mến, Công ty TNHH phát triển nông nghiệp Phương Nam… đẩy mạnh các hoạt động tư vấn, hỗ trợ nông dân trong sản xuất; phối hợp cung cấp máy móc, vật tư nông nghiệp. Kết quả, Hội Nông dân các cấp đã phối hợp tổ chức 552 lớp tập huấn khoa học kỹ thuật cho 37.933 lượt hội viên tham gia.

 Toàn tỉnh đã hình thành được 60 vùng sản xuất tập trung; 24 mô hình sản xuất lúa, rau, cây ăn quả, hoa đạt tiêu chuẩn VietGAP hoặc ứng dụng công nghệ cao; 46 trang trại, doanh nghiệp chăn nuôi lợn, gà ứng dụng công nghệ chuồng kín, máng ăn, máng uống tự động; có 06 doanh nghiệp chăn nuôi thuộc Công ty cổ phần tập đoàn DABACO Việt Nam được Bộ NN&PTNT cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; đã hình thành 165 vùng nuôi cá trong ao đất tập trung quy mô 10ha. Bước đầu, một số mô hình đem lại hiệu quả kinh tế cao, như: vùng hoa, cây cảnh trên 500 triệu đồng/ha/năm ở Tiên Du, TX. Từ Sơn, TP. Bắc Ninh; vùng rau xanh 300 triệu đồng/ha/năm ở TX. Từ Sơn, Tiên Du, Yên Phong, Thuận Thành và TP. Bắc Ninh; vùng cà chua 180 triệu đồng/ha/năm ở Thuận Thành, Tiên Du; vùng hành tỏi 150 triệu đồng/ha/năm ở Gia Bình, Lương Tài; vùng trồng cà rốt 120 triệu đồng/ha/năm ở Gia Bình, Lương Tài; vùng trồng khoai tây từ 70 đến 90 triệu đồng/ha/năm ở Quế Võ, Yên Phong; vùng trồng bí xanh, bí đỏ 60 - 70 triệu đồng/ha/năm ở Lương Tài, Gia Bình…

 

Đẩy mạnh triển khai các dự án ứng dụng khoa học công nghệ cho nông dân

Hội Nông dân tỉnh phối hợp với Bộ KHCN và Sở Khoa học & Công nghệ tiếp tục triển khai thực hiện Dự án“Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong xây dựng mô hình liên kết sản xuất với tiêu thụ rau an toàn theo hướng VietGap tại Bắc Ninh” với kinh phí là: 2,750 tỷ đồng tại xã Tân Chi - Tiên Du và xã Đại Đồng Thành - Thuận Thành. Triển khai xây dựng 02 mô hình sử dụng phân bón hữu cơ trên rau màu với diện tích 2ha; Chỉ đạo Hội Nông dân huyện Gia Bình triển khai 06 mô hình cấy lúa bằng máy với diện tích 47ha… với các mô hình thí điểm trong sản xuất nhằm làm cơ sở đánh giá, nhân ra diện rộng. Phối hợp với Công ty Cổ phần đầu tư bán lẻ BT tổ chức ký kết thỏa thuận hợp tác: Hỗ trợ nông dân khởi sự kinh doanh và triển khai đến 8/8 đơn vị Hội Nông dân huyện, thị xã, thành phố. Chương trình đã được cán bộ, hội viên nông dân đón nhận; tạo điều kiện để hội viên, nông dân được sử dụng những sản phẩm đảm bảo chất lượng với giá ưu đãi. Đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh có 90 quầy hàng được mở bán; đã cung ứng đến tay người tiêu dùng 15.740 sản phẩm hóa phẩm và 15.448 lít dầu ăn với tổng doanh số trên 800 triệu đồng.

 Từ việc kết hợp tập huấn về khoa học công nghệ với đẩy mạnh triển khai các dự án ứng dụng cho nông dân, Hội Nông dân các cấp đã chủ động, tích cực phối hợp với cấp uỷ, chính quyền địa phương, các sở, ban, ngành trong việc tăng cường và nâng cao trách nhiệm thực hiện có hiệu quả các chương trình phối hợp; qua đó, các phong trào thi đua của Hội tiếp tục được phát triển sâu, rộng và được nâng cao về chất, kịp thời động viên, khuyến khích và từng bước hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới. Chỉ đạo tổ chức nhiều hoạt động dịch vụ, dạy nghề, tư vấn hỗ trợ giúp nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nông dân.

 Trong những năm tới Hội Nông dân tỉnh Bắc Ninh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn, xây dựng các mô hình điểm, hướng dẫn nông dân áp dụng các tiến bộ KHKT và công nghệ mới vào sản xuất, kinh doanh, chuyển dịch cơ cấu mùa vụ, cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tận dụng mọi tiềm năng về đất đai, lao động, giống, vốn, vật tư… tập trung thâm canh, tăng diện tích cây vụ đông, sản xuất hàng hoá đáp ứng yêu cầu thị trường, góp phần phát triển KTXH địa phương. Tích cực tham mưu cho Tỉnh uỷ, UBND tỉnh trong công tác quy hoạch vùng sản xuất đảm bảo đồng bộ giữa sản xuất - chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Như vùng lúa hàng hoá, vùng cây công nghiệp ngắn ngày, vùng vụ đông, vùng hoa cây cảnh, vùng nuôi trồng thuỷ sản… Khắc phục tình trạng sản xuất manh mún, vận động nông dân tiếp tục dồn điền đổi thửa phát triển kinh tế trang trại, liên kết giữa các trang trại, HTX bao tiêu sản phẩm cho nông dân, xử lý tốt môi trường đảm bảo phát triển bền vững. Tiếp tục vận động cán bộ hội viên nông dân mở thêm ngành nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp mới ở nông thôn, phát huy các làng nghề truyền thống, giải quyết lao động nông nhàn trong nông thôn. Tăng cường xúc tiến thương mại mở rộng thị trường, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm hàng hoá. Vận động nông dân đoàn kết giúp nhau giảm nghèo, có giải pháp giúp hộ nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững. Thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, nhất là chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 26 BCH TW Đảng (khoá X) và chương trình xây dựng nông thôn mới. Tổ chức thực hiện tốt “liên kết 6 nhà”, hoàn thiện quan hệ sản xuất, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân các cấp, nâng cao vai trò hoạt động của HTX nông nghiệp, phát triển các hình thức kinh tế hợp tác phù hợp trong chăn nuôi, trong dịch vụ tiêu thụ sản phẩm, trong kinh doanh và HTX chuyên ngành để hỗ trợ kinh tế trang trại, kinh tế hộ phát triển sản xuất hàng hoá, khuyến khích thành lập các doanh nghiệp ở nông thôn làm hạt nhân trong SXKD ở mỗi vùng nông thôn và giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn. Chủ động tham mưu đề xuất với cấp ủy Đảng, chính quyền có giải pháp cụ thể hoá về cơ chế chính sách, hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu kinh tế phù hợp với từng địa phương, tập trung hỗ trợ cho các dự án chuyển đổi cơ cấu sản xuất, ưu tiên hệ thống tưới tiêu, giao thông nông thôn; có chính sách hỗ trợ cho các cơ sở tổ chức chế biến, tiêu thụ nông sản cho nông dân. Phối hợp với các Ngân hàng, các tổ chức Tín dụng tạo vốn cho nông dân, giúp người dân có nguồn vốn để đầu tư ứng dụng KHKT vào sản xuất./.

P. Loan