00:00 Số lượt truy cập: 2638470

Hội Nông dân tỉnh Hưng Yên thực hiện tốt Chương trình phối hợp hoạt động với Sở Khoa học và Công nghệ 

Được đăng : 12/08/2019

 

Thực hiện Chương trình phối hợp giữa Sở Khoa học và Công nghệ với Hội Nông dân tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2016– 2020, Hội Nông dân các cấp đã tuyên truyền sâu rộng tới đông đảo cán bộ, hội viên nông dân về vai trò của khoa học và công nghệ đối với phát triển kinh tế - xã hội; tuyên truyền các mô hình, các điển hình tiên tiến của nông dân trong hoạt động sáng tạo cũng như ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ vào thực tiễn sản xuất.

Trong năm 2019, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh chỉ đạo các cấp Hội đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền về khoa học và công nghệ trong sản xuất nông nghiệp; tuyên truyền trên Đài, Báo Hưng Yên, Báo Nông thôn ngày nay, Tạp chí Nông thôn mới, Thông tin công tác Hội và đăng tải nhiều tin, bài về ứng dụng Sở Khoa học và Công nghệ vào sản xuất đạt hiệu quả kinh tế cao trên trang Website của Hội Nông dân tỉnh. Tổ chức tuyên truyền lồng ghép với các lớp tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cho nông dân về vai trò của khoa học, công nghệ đối với phát triển kinh tế - xã hội và các thông tin kiến thức mới về khoa học, công nghệ đến hội viên nông dân; tuyên truyền các mô hình của hội viên nông dân đã ứng dụng thành công tiến bộ KH&CN trong lĩnh vực nông nghiệp, những kinh nghiệm và hiệu quả của nông dân trong hoạt động ứng dụng khoa học, công nghệ vào thực tiễn sản xuất, kinh doanh; vận động, khuyến khích và hỗ trợ hội viên, nông dân ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất kinh doanh những năm qua. Trên Website của Hội Nông dân tỉnh, đã cung cấp 562 tin, bài, quy trình về KHCN phục vụ nông nghiệp, nông thôn, nông dân và đến nay có 16.766.651 lượt người truy cập. Cuốn Bản tin công tác Hội đã phát hành được 03 số với 8.700 cuốn đến các cấp Hội trong tỉnh, đây là tài liệu sinh hoạt sinh hoạt chi, tổ Hội, trong đó có nội dung tuyên truyền ứng dụng KHCN vào sản xuất để hội viên nông dân tham khảo. Các cấp Hội trong tỉnh đã tổ chức tuyên truyền được 198 buổi cho trên 39.328 hội viên nông dân về những tiến bộ của khoa học công nghệ và ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả kinh tế cao. Hội Nông dân tỉnh ký chương trình phối hợp với Báo Hưng Yên thực hiện chuyên mục: “Đồng hành cùng nông dân”, phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh thực hiện chuyên mục: “Nông dân Hưng Yên làm giàu”. Phối hợp Đài PT &TH Hưng Yên tuyên truyền các gương hội viên tiêu biểu sản xuất kinh doanh giỏi phát sóng hàng tuần trên truyền hình. Gửi các tin, bài viết về các mô hình kinh tế tiêu biểu, gương hội viên nông dân ứng dụng các thành tựu KH&CN tuyên truyền trên Báo Hưng Yên, Báo Nông thôn ngày nay, Tạp chí Nông thôn mới.

Tổ chức phổ biến tuyên truyền KHCN qua các hoạt động văn hoá, trên các phương tiện thông tin đại chúng nh­­ư thông tin, cổ động, áp phích, tờ rơi… Hầu hết các cấp Hội đều tổ chức tốt giải “Bóng chuyền bông lúa vàng”, hội thi “Nông dân tìm hiểu pháp luật” ở cả 3 cấp từ cơ sở đến huyện, thị xã, thành phố và tỉnh với các nội dung về nông nghiệp, quê hương dưới hình thức “sân khấu hóa”. Cử hội viên nông dân tham gia cuộc thi Sáng tạo Kỹ thuật Nhà nông toàn quốc lần thứ VIII (2019 - 2020),….Hội Nông dân tỉnh trang bị cho 100% cơ sở Hội có Báo Nông thôn ngày nay với 2 tờ/kỳ/cơ sở Hội, 100% cơ sở Hội có tạp chí nông thôn mới, 100% chi Hội, tổ hội có bản tin Hội Nông dân tỉnh Hưng Yên với giá trị 487 triệu đồng.

Các cấp Hội trong tỉnh tích cực phối hợp với các sở, ban, ngành tăng cường mở các lớp chuyển giao KHKT cho nông dân như: Kỹ thuật chăm sóc phòng trừ sâu bệnh cho lúa, cây ăn quả, cây rau màu; kỹ thuật sử dụng các chế phẩm trong sản xuất nông nghiệp; kỹ thuật chăn nuôi và phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm. Kết quả các cấp Hội đã chủ động phối hợp tổ chức được 646 buổi tập huấn chuyển khoa học kỹ thuật cho 51.618 hội viên. Phối hợp với Công ty Cổ phần Phân lân nung chảy Văn Điển, Công ty Tiến Nông và Công ty Cổ phần Phân lân Ninh Bình,... tiếp tục cung ứng được trên 1.500 tấn NPK chuyên dùng, theo hình thức trả chậm cho hội viên nông dân, đây là một hoạt động tạo thêm nguồn lực giúp cho nông dân phát triển sản xuất, nâng cao đời sống. Các đơn vị làm tốt là Khoái Châu, Tiên Lữ, Ân Thi,... Phối hợp với các sở, ban, ngành, các doanh nghiệp tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ nông dân đẩy mạnh phong trào sản suất kinh doanh giỏi; phát động đăng ký hộ nông dân SXKD giỏi các cấp, hộ nghèo vượt khó; xây dựng, duy trì nâng cao chất lượng các mô hình như: Mô hình trồng nghệ tại xã Chí Tân (huyện Khoái Châu); mô hình vải lai chín sớm tại 2 xã Tam Đa, Đình Cao (huyện Phù Cừ); mô hình thủy sản ở xã Minh Châu (huyện Yên Mỹ); mô hình nuôi ba ba gai ở xã Nhân Hòa (huyện Mỹ Hào) mô hình trồng cam chất lượng cao tại xã Quảng Châu (TP Hưng Yên); mô hình tổ hợp tác dịch vụ nông nghiệp tại xã Hồ Tùng Mậu (huyện Ân Thi); mô hình trồng cam vinh theo hướng Vietgap xã Tiên Tiến (huyện Phù Cừ); mô hình “Trồng và thâm canh cây nhãn chín muộn” tại xã Đông kết (huyện Khoái Châu);...; tổ chức các lớp chuyển giao KHKT cho nông dân, trong đó chủ yếu là về kỹ thuật chăm sóc lúa, cây rau màu, cây ăn quả, cách sử dụng phân bón đúng cách, chăm sóc và phòng bệnh cho gia súc, gia cầm. Tổ chức được 08 lớp dạy nghề cho 242 hội viên nông dân; Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân - Hội Nông dân tỉnh tổ chức 3 lớp dạy nghề cho hội viên nông dân với nguồn kinh phí 150.000.000 đồng (nguồn kinh phí của trung ương Hội phân bổ năm 2019), lớp “Kỹ thuật trồng, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh cho cây bầu, bí” tại xã Vĩnh Xá - huyện Kim Động; lớp “Kỹ thuật trồng, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh cho cây có múi” tại xã Bãi Sậy, huyện Ân Thi; lớp “Kỹ thuật trồng, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh cho cây có múi” tại xã Nhật Tân, xã Dị Chế, huyện Tiên Lữ.

Để hỗ trợ sản xuất cho hội viên nông dân Hội Nông dân tỉnh đã nhận tín chấp, ủy thácNgân hàng CSXH là 858 tỷ 730,01 triệu đồng từ 9 chương trình, có 1.018 tổ tiết kiệm & vay vốn và 26.594 hộ nông dân được vay; dư nợ nguồn vốn Ngân hàng NN&PTNT là là 857 tỷ 779 triệu đồng với 141 tổ với 6.550 thành viên tham gia. Tính đến nay tổng nguồn vốn Quỹ HTND các cấp Hội tỉnh Hưng Yên quản lý là: 72 tỷ 940 triệu đồng cho 1,663 hộ vay (trong đó: Quỹ Trung ương uỷ thác: 17 tỷ 050 triệu đồng, Quỹ HTND tỉnh 44 tỷ 360 triệu đồng, Quỹ HTND cấp huyện, thị xã, thành phố quản lý: 11 tỷ 189 triệu đồng).

Thực hiện sự nghiệp khoa học năm 2019, Hội Nông dân tỉnh chỉ đạo Hội Nông dân các huyện, thị xã phối hợp với Hội Nông dân các xã, phường tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật (KHKT) cho hội viên nông dân. Nội dung các lớp tập huấn tập trung vào hướng dẫn, tập huấn kỹ thuật chăm sóc và phòng trừ dịch bệnh, hỗ trợ giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn, thuốc + vắc xin, kỹ thuật cho hội viên, nông dân, trong đó: Kỹ thuật về trồng chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây cam vinh theo hướng Vietgap 01 lớp; Kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh cho ba ba gai thị 01 lớp.

Đẩy mạnh xây dựng mô hình ứng dụng KH&CN

Năm 2019, Hội Nông dân tỉnh Hưng Yên và Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh ký Hợp đồng số 56/HĐ-SKHCN ngày 06/05/2019 giữa Sở Khoa học và Công nghệ với Hội Nông dân tỉnh Hưng Yên về việc hỗ trợ các hoạt động chuyển giao, hướng dẫn áp dụng thành tựu và quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ cho hội viên nông dân năm 2019.

Theo hợp đồng, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh chỉ đạo Hội Nông dân huyện Phù Cừ và Hội Nông dân thị xã Mỹ Hào xây dựng mô hình ứng dụng khoa học công nghệ kỹ thuật tiến bộ vào sản xuất đạt hiệu quả kinh tế để tuyên truyền nhân ra diện rộng gồm có: mô hình trồng cây cam vinh theo hướng VietGaP và mô nuôi ba ba gai thịt, cụ thể như sau:

 Mô hình trồng và chăm sóc cây cam vinh theo hướng Vietgap được thực hiện tại xã Tiên Tiến, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên với quy mô 5,5ha gồm 10 hộ nông dân tham gia.

Mô hình nuôi ba ba gai thịt thực hiện tại phường Nhân Hoà, thị xã Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên với quy mô 0,9ha cho10 hộ nông dân tham gia.

Chương trình phối hợp đã đem lại hiệu quả về kinh tế một cách rõ rệt cho hội viên, các gia đình hội viên nông dân được tham gia trực tiếp  dự án thuộc Chương trình. Các tiến bộ khoa học và công nghệ được ứng dụng, chuyển giao trong phạm vi Chương trình đã tạo ra các sản phẩm nông sản, thuỷ sản hàng hóa chất lượng cao phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu đem lại giá trị thực sự cho người nông dân. Việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất cho hội viên nông dân đã làm thay đổi cơ cấu sản xuất tại địa phương; các lớp tập huấn về  khoa học công nghệ nói chung đã có sức lan tỏa trong hội viên nông dân, nâng cao rõ rệt nhận thức, kiến thức của cán bộ, hội viên nông dân về vị trí, vai trò của khoa học và công nghệ; nâng cao được trình độ ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất và đời sống, kinh doanh và dịch vụ của hội viên nông dân.Thông qua việc đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, tập huấn, xây dựng các mô hình ứng dụng và chuyển giao KHCN cho nông dân, đã từng bước thay đổi tư duy, tập quán sản xuất nhỏ lẻ, manh mún của hội viên nông dân, đồng thời mạnh dạn ứng dụng, đầu tư công nghệ mới nhất là trong lĩnh vực sản xuất, chế biến nông sản hàng hóa, thuỷ sản; nông dân đã biết liên kết chặt chẽ với các tổ chức, cá nhân làm khoa học công nghệ. Qua đó đã giảm nhiều việc sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú ý, thức ăn; việc nông dân ý thức và tăng cường sản xuất, sử dụng phân bón hữu cơ, hữu cơ vi sinh, thức ăn hợp vệ sinh góp phần làm cho môi trường xanh - sạch - đẹp.

H.T